Nhưng ông đã nhận thấy sự cần thiết để gửi loại vũ khí gây tranh cãi này vì Ukraine cần đạn dược trong cuộc phản công chống lại Nga.
Bom chùm chưa nổ ở Kiev vào tháng 7/2022. Ảnh: USA Today/DW
Phát biểu với CNN, ông Biden nêu rõ: “Đây là một quyết định khó khăn đối với tôi. Và tôi cũng thảo luận với các đồng minh, các nhà lập pháp tại quốc hội Mỹ. Người Ukraine sắp hết đạn dược”.
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden đã thông qua việc chuyển giao bom chùm cho Ukraine. Đây là một phần của gói viện trợ an ninh trị giá 800 triệu USD của Mỹ, nâng tổng viện trợ quân sự mà Washington dành cho Ukraine lên hơn 40 tỷ USD kể từ khi xung đột với Nga nổ ra. Bom chùm mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine sẽ tương thích với lựu pháo 155mm do Mỹ cung cấp.
Tổng thống Biden cho biết, bom chùm sẽ đóng vai trò nhất định trong "giai đoạn chuyển tiếp", cho tới khi Mỹ có thể sản xuất thêm đạn pháo 155mm.
“Cuộc chiến này phụ thuộc nhiều vào nguồn dự trữ đạn dược. Ukraine sắp cạn kho đạn dược, còn kho dự trữ của chúng tôi cũng rất thấp. Vì thế tôi đã xem xét khuyến nghị của Bộ Quốc phòng cho phép cung cấp bom chùm trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi chúng tôi nhận thêm các loại đạn pháo cỡ 155mm dành cho Ukraine”.
Hơn 100 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Đức đã cấm sử dụng bom chùm. Nhưng Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số này.