Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) do Mỹ hậu thuẫn, nòng cốt bởi YPG - liên minh người Kurd - đã tuyên bố cuối tuần trước rằng họ đang đàm phán với chính quyền Assad để tìm ra giải pháp chính trị cho các khu vực mà nhóm này kiểm soát ở phía Bắc Syria.
SDC nói rằng họ đang tổ chức các cuộc đàm phán với Damascus và sẵn sàng chấp nhận quyền lực của Tổng thống Bashar al Assad trong lãnh thổ của mình để đổi lấy quyền tự trị.
Hội đồng Dân chủ Syria là tên gọi mới của Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) với rường cột là YPG (bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là khủng bố) được hậu thuẫn bởi Mỹ trong mục tiêu chống lại khủng bố IS.
Nhóm này đã kiểm soát gần 1/4 đất nước nhờ sự tài trợ và vũ trang của Washington bất chấp sự phản đối kịch liệt của Thổ Nhĩ Kỳ.
SDC cho biết họ đã gặp các quan chức chính quyền Syria theo lời mời của Tổng thống Bashar al Assad, nhưng phía Damascus chưa bình luận gì về tuyên bố này.
Sau khi đánh đuổi IS khỏi các thành phố lớn của đất nước, chính quyền Assad đã giành lại hầu hết các khu vực của phe đối với sự giúp đỡ của Nga và Iran.
Tự tin về sự hỗ trợ từ các đồng minh của mình, Damascus đã đưa ra lời đe dọa tấn công các khu vực do Mỹ hậu thuẫn.
"Vấn đề duy nhất còn lại ở Syria là SDF... Chúng tôi có một lựa chọn là giải phóng những khu vực đó bằng vũ lực", Tổng thống Assad nói trong một phỏng vấn với đài truyền hình Russia Today.
Bình luận trước diễn biến mới, Abdullah Agar, một nhà phân tích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng các cuộc đàm phán không giải quyết được những vấn đề chính của Syria.
"Người Sunni có vai trò lớn trong khu vực này, nhưng họ không được đề cập đến trong các cuộc đàm phán", Agar nói với TRT World .
"Có một sự cân bằng rất phức tạp về quyền lực ở Syria và hai bên đang thử nghiệm lẫn nhau theo những lợi ích mà họ đã đạt được trong các cuộc đụng độ kéo dài 7 năm.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này chỉ có thể được xác định là giai đoạn đầu cho một giải pháp chính trị có thể, tuy nhiên, nó không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng trên toàn quốc".
Có gì trên bàn đàm phán ở Damascus?
Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch tấn công vào khu vực người Kurd ở Syria.
Chính quyền Syria và nhóm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn có thể được coi là kẻ thù, dù cho hai bên hầu như tránh xung đột trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua.
"Tôi không ngạc nhiên về cuộc đàm phán giữa hai bên. Chính quyền Assad đã để lại cho họ một lãnh thổ rộng lớn ngay từ đầu cuộc chiến Syria. Cả hai đều chống lại phe đối lập", Ali Bakeer, một nhà phân tích chính trị và nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc tế nói với TRT World .
Phương tiện truyền thông địa phương cho biết, YPG có thể giao lại Raqqa và Deir Ezzor - các tỉnh phía có nguồn trữ lượng dầu mỏ lớn của Syria cho chính quyền Damascus trong thời gian tới.
"Assad đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa Israel và Mỹ ở một bên và Iran và Nga ở bên kia. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán như vậy đặt ra câu hỏi về vị thế của Mỹ. Việc xác nhận các cuộc đàm phán này cũng có thể rất nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực", Bakeer nói.
Một thành viên của YPG từng hé lộ với Reuters về việc nhóm này có thể tham gia cùng với lực lượng Chính phủ trong một cuộc tấn công nhằm vào các nhóm đối lập ở Idlib nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại đó.
Tuần trước, hãng thông tấn Anadolu Agency báo cáo rằng chính quyền Damascus đã bắt đầu quá trình tích tụ quân sự ở phía tây nam Idlib, nằm trong khu vực giảm leo thang từng thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết chống lại người Kurd
YPG từng tuyên bố về việc thành lập một khu tự trị ở miền Bắc Syria trong những năm đầu diễn ra cuộc chiến. Hỗ trợ vũ trang của Mỹ cho YPG ở Syria cũng là một sự tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Nhóm này luôn được Mỹ công nhận là "lực lượng dân chủ và thế tục", nhưng một số nhóm khác lại chỉ trích YPG vi phạm nhân quyền trong việc chiến đấu chống lại các đối thủ khi sử dụng binh lính là trẻ em.
Tuy nhiên, Mỹ đã quyết định hậu thuẫn với người Kurd để chống lại IS ở Syria bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần nói rằng họ sẽ không lùi bước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cả bên trong và bên ngoài đất nước, vốn đe dọa đến sự đoàn kết và lợi ích của mình.
"Cuộc chiến chống khủng bố của chúng tôi có nguồn gốc từ Syria sẽ tiếp tục bằng sự quyết tâm của mình", phát ngôn viên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết hôm 6/11.