Tổng Thanh tra Chính phủ phản hồi vụ ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tranh luận về Đồng Tâm

Hoàng Đan |

Tổng Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm (Hà Nội) mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận cho rằng có liên quan đến trách nhiệm của Tổng Thanh tra.

Ngày 9/6, sau khi nghe giải trình của Tổng Thanh Tra Chính phủ Phan Văn Sáu trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã giơ bảng xin tranh luận.

Ông Nhưỡng đã nêu một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ về 3 vụ việc khiếu nại tố cáo, trong đó, có vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Theo đó, bà con bức xúc vì việc giải quyết khiếu nại, tiếp dân không đến nơi đến chốn dẫn tới trở thành điểm nóng.

"Hà Nội quyết định thanh tra toàn bộ đất đai sân bay Miếu Môn. 

Tôi đã có ý kiến của với Thủ tướng Chính phủ và cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh, không thuộc diện là đất của Hà Nội nhưng tôi chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này.

Tôi nghĩ lẽ ra phải tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này", ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Liên quan đến các ý kiến của đại biểu Nhưỡng về vụ khiếu kiện đông người tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã có trả lời chính thức.

Theo văn bản trả lời của Tổng Thanh tra cho biết, ông Lê Đình Kình và các hộ dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiếu kiện, tố cáo liên quan việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực đồng Sênh tại địa phương.

Ngày 15/4/2017, sau khi công an thành phố Hà Nội bắt các đối tượng để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, trong đó có ông Lê Đình Kình dẫn đến công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Vụ việc sau đó được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với công dân và giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Đối với trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, theo Tổng Thanh tra, với thẩm quyền của mình, năm 2016, khi nhận được đơn của công dân tại Đồng Tâm, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tiếp dân, đồng thời có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Khi công dân có đơn khiếu nại lần hai, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo tình hình, diễn biến vụ việc.

"Yêu cầu TP có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng, giao Cục địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc", báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết.

Đến khi nhận được thông tin công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã cử Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội.

Theo đó, đã cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4, tại xã Đồng Tâm ngày 22/4.

Sau khi Thanh tra TP Hà Nội kết thúc thanh tra trực tiếp, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử 1 Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ tham gia ý kiến đối với kết quả thanh tra tại các cuộc họp ngày 1/6, ngày 7/6. 

Hiện TP Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan, nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội", báo cáo nêu rõ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại