Đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận khi nói về vụ Đồng Tâm

Hoàng Đan |

Ngay sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu nguyên nhân tình trạng khiếu kiện diễn biến phức tạp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã giơ biển xin tranh luận trở lại.

Giải trình ý kiến ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015.

Tuy nhiên, trong quý 1/2017, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng trở lại và có diễn biến rất phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh Miền Trung", ông Sáu đánh giá.

Tổng Thanh tra CP chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân, công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng đất đai chưa giải quyết hài hoà được mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; Quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn yếu kém.

Quản lý và chuyển đổi mô hình chợ ở các địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn khá nhiều.

Giơ biển xin tranh luận ngay sau đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, tính từ kỳ họp thứ hai ông theo dõi và giám sát thấy Thanh tra Chính phủ thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận khi nói về vụ Đồng Tâm - Ảnh 1.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn

Ông dẫn chứng trong chương trình giám sát có ghi vào bảng hàng ngày, hiện có 3 vụ nổi cộm.

Một là vụ Công ty Cổ phần đầu tư Kim khí Hải Phòng kêu cứu từ năm 2015, do thành phố phê duyệt đề án làm bến xe Thượng Lý theo đề án xã hội hóa bến xe Tam Bảo, nhưng sau đó thành phố lờ đi không thực hiện đề án này.

"Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo, trong đó 1 lần lúc đó đồng chí còn làm Phó Thủ tướng.

Người ta đã lên tận cơ quan tiếp công dân kêu cứu nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Cho nên doanh nghiệp hiện nay rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn", ông nói.

Vụ việc thứ hai là việc tố cáo tham nhũng trong cổ phần hóa Tổng công ty vận tải Thủy thuộc Bộ GT-VT. Người tố cáo đến tận cơ quan tiếp dân gửi đơn, và là người lãnh đạo cũ của doanh nghiệp nhưng vụ việc không được quan tâm giải quyết kịp thời.

"Sau khi Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của người tố cáo về Bộ GT-VT 5 tháng không được xảy quyết, người tố cáo lại gửi cho tôi, tôi gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nhưng cho đến bây giờ đơn lại gửi về Bộ GT-VT. Vậy không biết việc này bị ngâm đến bao giờ", ông nêu rõ.

Vụ thứ 3, theo ông Nhưỡng là vụ Đồng TâmMỹ Đức, Hà Nội. Theo đó, bà con bức xúc vì việc giải quyết khiếu nại, tiếp dân không đến nơi đến chốn dẫn tới trở thành điểm nóng. 

Ông Nhưỡng nói thêm diễn biến của vụ việc dẫn tới sự căng thẳng giữa người dân với lực lượng chức năng và một số cán bộ, chiến sỹ công an đã bị người dân giữ.

"Hà Nội quyết định thanh tra toàn bộ đất đai sân bay Miếu Môn. Tôi đã có ý kiến của với Thủ tướng Chính phủ và cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh, không thuộc diện là đất của Hà Nội nhưng tôi chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này. 

Tôi nghĩ lẽ ra phải tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này.….", ông nhấn mạnh.

Ngay sau đó, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đã có tranh luận lại với đại biểu Nhưỡng. Ông cho rằng, đại biểu Nhưỡng nói cảnh sát về Đồng Tâm áp đảo bà con ở Đồng Tâm là sai.

Đồng thời, đề nghị ĐB Lưu Bình Nhưỡng rút lại lời nói đó  để tránh dư luận hiểu lầm, kẻ xấu lợi dụng vì phiên thảo luận đang được truyền hình trực tiếp.

Ngay sau đó ĐB Ngưỡng tiếp tục giơ bảng tranh luận lại. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng thời gian còn ít để cho ĐB khác phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại