Tomahawk rơi vào tay Nga: Bí mật dù thật hay giả cũng đủ khiến Mỹ bị xoay như chong chóng

Bảo Lam |

Moscow có đang nắm trong tay những thông tin vô giá về các khả năng quân sự của Mỹ?

Có thật Tomahawk đã rơi vào tay Nga?

Kể từ sau cuộc tấn công của liên quân Anh-Pháp-Mỹ nhằm vào Syria đêm 13/4, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, như: Có đúng các tên lửa Tomahawk rơi tại Syria đã được chuyển tới Moscow hay không? Chúng chứa đựng những bí mật gì? Đâu là bên đã đánh lừa cả cộng đồng quốc tế - Bộ Quốc phòng Nga hay Lầu Năm Góc?

Trước đó, hôm 25/4, Bộ Tổng tham mưu Nga tuyên bố, trong cuộc tấn công của liên quân Anh-Pháp-Mỹ nhằm vào các căn cứ của Syria, chỉ có 22 trong tổng 105 tên lửa phóng ra trúng mục tiêu. Những quả còn lại bị hệ thống phòng không của Syria bắn hạ hoặc tự rơi xuống đất.

Tomahawk rơi vào tay Nga: Bí mật dù thật hay giả cũng đủ khiến Mỹ bị xoay như chong chóng - Ảnh 1.

Nga công bố hình ảnh các mảnh vỡ tên lửa hành trình Tomahawk bị bắn hạ ở Syria.

Ông Eric Pahon - người phát ngôn của Lầu Năm Góc thì kêu gọi không nên tin vào tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Nga, mà nên nghiên cứu những bức ảnh chụp các mục tiêu trước và sau vụ tấn công được công bố công khai.

Bên cạnh đó, khi trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Pahon còn khẳng định, thông tin 2 quả tên lửa của Mỹ tham gia vào cuộc tấn công đã được đưa tới Moscow là giả mạo.

Theo tạp chí Military Watch, về lý, Lầu Năm Góc đáng ra phải tiếp nhận lời thách thức và tái triển khai một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria để giữ thể diện.

Nếu như Tomahawk đúng là đã đánh trúng các mục tiêu thì có lẽ Lầu Năm Góc đã củng cố được thành công. Hơn nữa, số lượng các tên lửa hành trình Tomahawk trong kho vũ khí của Mỹ phải lên tới 4.000 quả.

Điều đó cũng hoàn toàn logic trong bối cảnh cuộc xung đột gần biên giới Isarel gia tăng, đặc biệt khi quân đội của Tổng thống Assad đang chuẩn bị mở cuộc tấn công vào thành phố của các phiến quân thân Mỹ ở Daraa, nơi bắt đầu phong trào "mùa xuân Ả Rập" tại Syria.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau cuộc tấn công bằng tên lửa hồi tháng 4, Nhà Trắng đột ngột chuyển hướng từ Syria sang Iran, thậm chí còn rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Tehran. Như vậy, tại Trung Đông đang diễn ra những chuyển dịch lớn về chính sách đối ngoại.

Điều này, xét về nhiều mặt, chứng tỏ sự cẩn trọng của Mỹ. Washington thậm chí còn chấp nhận tổn hại tới các lợi ích của mình khi cố gắng từ giờ không tấn công Assad bằng các tên lửa Tomahawk – vũ khí mũi nhọn của Hải quân Mỹ.

Chính vì vậy, tạp chí này cho rằng Moscow thực tế vẫn đang sở hữu những thông tin vô giá về các khả năng quân sự của Mỹ.

Một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: Những quả tên lửa Tomahawk được chuyển tới Moscow còn trong tình trạng tốt tới mức nào?

Nếu đánh giá qua các hình ảnh của Bộ Quốc phòng Nga thì những hệ thống truyền tín hiệu, dẫn đường và định vị của tên lửa này đang được phía Nga đặc biệt quan tâm.

Ở phía bên kia, công ty Raytheon - đơn vị sản xuất Tomhawk - có lẽ đã nhận thấy "điều gì đó bất ổn" do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.

Khi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat được tiến hành ngày 7/4/2017, tại Mỹ, người ta đã đồn đoán về một loại vũ khí đầy sức mạnh của người Nga khi xuất hiện những thông tin về việc 36 quả Tomahawk mất tích.

Và ngay lúc đó, nhiều chuyên gia quân sự phỏng đoán rằng nếu Washington sau một thời gian dài tái triển khai lại một cuộc tấn công ồ ạt vào Syria, có nghĩa họ tự thừa nhận sự thất bại của mình tại Shayrat. Lầu Năm Góc cần có thời gian để phân tích tình hình và phục hồi.

Quả đúng như thế. Sau hơn 1 năm, cuộc đối đầu giữa các tên lửa hành trình Mỹ và những hệ thống tác chiến điện tử của Nga lại diễn ra. Và một lần nữa, Bộ Quốc phòng Nga lại công khai bằng chứng về cuộc tấn công thất bại của Tomahawk.

Trước tình hình này, công ty Raytheon có lẽ sẽ thay đổi nền tảng của Tomahawk. Công tác nâng cấp kho tên lửa hiện có hóa ra lại quá tốn kém và mất tới vài năm, nhưng nếu không tiến hành, tên lửa hành trình chủ lực của Hải quân Mỹ sẽ trở thành mồi ngon cho các hệ thống tác chiến điện tử.

Tên lửa hành trình AGM-158 JASSM được phóng đi từ máy bay ném bom siêu âm B-1B Lancer trong một cuộc thử nghiệm

Những tuyên bố mập mờ càng khiến Mỹ lo ngại

Cần lưu ý, trong vụ tấn công đêm 13/4, Mỹ cho biết họ có sử dụng tên lửa hành trình JASSM nhưng Nga không đưa ra tuyên bố nào cho thấy thứ vũ khí chính xác này có "rơi" vào tay mình hay không.

Các phương tiện truyền thông của chính phủ Nga chỉ nêu ra khả năng này để dư luận tha hồ suy đoán. Và theo Military Watch, điều đó đã gây khó khăn đáng kể cho giới quân sự Mỹ khi tìm kiếm câu trả lời thích đáng.

Tạp chí này nhận định, người Mỹ đang nghiên cứu để đưa ra những kết luận đúng đắn.

Nếu sau 1 hoặc 2,3 năm nữa, Nhà Trắng tái phát động một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa Tomahawk và JASSM tại Syria thì điều đó có nghĩa người Mỹ lại muốn thử xem móng vuốt của hệ thống tác chiến điện tử và phòng không của Nga sắc bén thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại