Ông Trương Gia Nghê, (70 tuổi, Trung Quốc), có sức khỏe tốt và được nhận mức lương hưu dư dả 10.000 NDT/tháng (tương đương khoảng 34 triệu VNĐ/tháng). Đáng lẽ đây là sự đảm bảo cho tuổi già, giúp ông tận hưởng quãng thời gian cuối đời mà không phải lo lắng gì. Tuy nhiên, ông Trương hiếm khi cảm thấy vui vẻ mà luôn phải lo toan, tính toán rất nhiều.
Vốn tính tình ngay thẳng, ông Trương từng tự hào tiết lộ con số này trong một buổi tụ họp đại gia đình. Sau đó một thời gian, ông nhận được điện thoại của họ hàng xin vay tiền để giúp con cái đi học, đi bệnh viện, mua nhà cưới vợ… Vài lần như vậy, ông Trương dần thấy lo lắng. Ông sợ bản thân trở thành "cây rụng tiền" của những người xung quanh, nhưng lại không biết cách từ chối dứt khoát, giải quyết tình trạng này. Một thời gian dài, ông cứ phải vắt óc tìm đủ loại lý do để "lần lữa", không nhận điện thoại của họ hàng, người thân. Điều này khiến cuộc sống tuổi già của ông thoáng chốc trở nên cô đơn và mệt mỏi hơn hẳn, trái ngược hoàn toàn với sự bình yên, dung dị trong tưởng tượng của ông trước kia.
Một lần, khi người cháu trai đang làm việc ở thành phố trở về thăm quê, cùng ngồi chơi cờ, ông Trương than thở vài câu về tình trạng của mình. Cháu trai tinh ý hiểu ra đầu đuôi câu chuyện, bèn thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ.
Ảnh minh họa: Internet
"Ở thành phố đất chật, người đông, xã hội bon chen, cháu đã thấy rất nhiều người coi tiền bạc là mục tiêu theo đuổi tối thượng của mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh gia đình, tình bạn và thậm chí cả nhân phẩm chỉ để theo đuổi lợi ích cá nhân. Đúng là tiền bạc có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng nó thực sự không phải vạn năng, càng không đáng để mình đánh đổi sự bình yên trong nửa đời còn lại. Nhưng tiền bạc cũng là cách hay nhất để nhìn thấu lòng người. Những người có lòng dạ không tốt thì liệu rằng, khi mình gặp khó khăn, họ sẽ chịu giúp đỡ mình ư?"
Trước đây, ông Trương luôn đề cao những giá trị tình thân, cho rằng họ hàng thì phải giúp đỡ lẫn nhau, phải giữ gìn quan hệ. Nhưng suy nghĩ thẳng thắn của cháu trai cũng khiến ông nhận ra rằng, cần điều chỉnh lại tâm lý và đối mặt với những toan tính xung quanh bằng thái độ lý trí hơn.
Ông Trương cuối cùng đã đặt ra nguyên tắc cho bản thân:
"Trước hết, tôi sẽ tuân thủ các kế hoạch tài chính của mình và không tùy tiện cho vay hoặc sử dụng quỹ hưu trí của mình để hỗ trợ người khác. Tôi sẽ sắp xếp chi phí sinh hoạt và kế hoạch tiết kiệm hợp lý dựa trên tình hình thực tế để đảm bảo chất lượng cuộc sống của tôi không bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa: Internet
Thứ hai, tôi sẽ tăng cường giao tiếp với người thân, bạn bè, đồng thời làm rõ điểm giới hạn và mong đợi của mình. Tôi sẽ nói với họ rằng, lương hưu của tôi là kết quả của nhiều năm làm việc chăm chỉ, nên sẽ không dùng nó để thỏa mãn lòng tham của một số người. Nửa đời còn lại của tôi đều phụ thuộc vào nó. Nên tôi cũng mong họ có thể hiểu được hoàn cảnh của tôi, không nên ỷ lại hay tính toán với tài chính của người khác.
Thứ ba, tôi sẽ tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động tình nguyện, đồng thời dùng sức lực và của cải của mình để giúp đỡ những người thực sự cần giúp đỡ. Tôi tin rằng bằng cách này, tôi không chỉ có thể tích lũy thêm phước lành cho bản thân, mà còn có được sự hài lòng và bình an thực sự cho tâm hồn."
Những điều này cũng được thông báo với người nhà và họ hết mực ủng hộ quyết định của ông Trương. Mỗi cá nhân đều cần có những nguyên tắc và điểm giới hạn nhất định để bảo vệ bản thân. Ông Trương tin rằng, chỉ bằng cách quyết liệt bày tỏ suy nghĩ, ông mới có thể thực sự tận hưởng tuổi già và sống một cuộc sống hạnh phúc, bình yên.
Ảnh minh họa: Internet
Đồng thời, ông Trương cũng mong rằng qua trải nghiệm của mình, ông có thể truyền cảm hứng để nhiều người lớn tuổi học cách quan tâm và suy nghĩ sáng suốt về vấn đề tài chính, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình.
*Nguồn: Sohu