Binh sĩ Nga tuần tra tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AFP
Nhà máy Zaporizhzhia lại thành tâm điểm cáo buộc của Nga và Ukraine
Theo Reuters, các đợt pháo kích liên tiếp vào nhà máy ở miền Nam Ukraine này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo rằng vụ pháo kích vào cuối tuần qua đã gây nguy hiểm cho các hệ thống an ninh quan trọng.
Những cuộc tranh cãi về việc bên nào đang gây ra mối nguy hiểm xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã diễn ra thường xuyên trong thời gian qua. Tuy nhiên, những lời cáo buộc mới nhất xuất hiện ở giai đoạn mới của cuộc xung đột, khi Nga có bước lùi ở thành phố Kherson và Ukraine đang đẩy mạnh phản công tại khu vực phía Nam.
Trong nhiều tháng qua, các vụ pháo kích gần nhà máy Zaporizhzhia đã làm dấy lên lo ngại về thảm họa phóng xạ. IAEA đã cử các phái đoàn đến kiểm tra Zaporizhzhia và kêu gọi tạo ra một khu vực an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân.
Giám đốc IAEA, ông Rafael Mariano Grossi, đã cảnh báo rằng bất cứ ai pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia đang chấp nhận rủi ro lớn và đánh cược mạng sống của nhiều người. Ông Grossi nhắc lại lời kêu gọi thành lập một khu vực an ninh xung quanh nhà máy, nói rằng cộng đồng quốc tế “phải làm mọi thứ” trong khả năng của mình để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân tiềm ẩn.
IAEA cho biết họ đang cử một phái đoàn đến kiểm tra thiệt hại từ vụ pháo kích mới nhất.
Cảnh báo của người đứng đầu IAEA được đưa ra sau khi Alexei Likhachev, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom, hôm 21/11 cho biết “nhà máy Zaporizhzhia có nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân”.
Vào đầu tháng 10, Nga tuyên bố sáp nhập khu vực Zaporizhzhia, bao gồm thành phố Enerhodar và nhà máy hạt nhân, dù nước này không kiểm soát thành phố thủ phủ của khu vực. Quân đội Nga đã rút quân khỏi Kherson, thủ phủ khu vực duy nhất mà Moscow chiếm được kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Sau đó, lực lượng Ukraine đã tiến vào thành phố này.
Nga đã giành kiểm soát tại nhà máy Zaporizhzhia vào tháng 3, vào giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng nhà máy vẫn được các nhân viên Ukraine vận hành. Sau khi thông báo sáp nhập Zaporizhzhia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ của ông tiếp quản việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, trong khi phía Ukraine cũng tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát nhà máy.
Ukraine đã nhiều lần viện dẫn nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân nhằm gây sức ép buộc Nga phải rút quân khỏi Zaporizhzhia. Vụ pháo kích vào cuối tuần qua đã phá vỡ khoảng thời gian tương đối yên bình xung quanh nhà máy điện hạt nhân, khi các lực lượng Nga và Ukraine tập trung vào các trận chiến ở những khu vực khác.
Nga cáo buộc lực lượng Ukraine pháo kích vào nhà máy từ phía bên kia sông Dnieper. Trong một tuyên bố hôm 21/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi IAEA yêu cầu chính quyền Ukraine ngừng bắn phá nhà máy.
Trong khi đó, Ukraine cũng cáo buộc Nga pháo kích vào khu vực này, dù quân đội Moscow đang tập trung ở đó. Thống đốc vùng Zaporizhzhia Oleksandr Starukh nói với truyền thông Ukraine rằng Nga đang thực hiện “một cuộc tấn công có mục tiêu gây nguy hiểm cho an ninh hạt nhân”.
Trận chiến ác liệt vẫn diễn ra ở phía Đông
Khi mỗi bên xem xét lại chiến lược trên chiến trường trong giai đoạn mới của cuộc xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết “các trận chiến ác liệt nhất” hiện đang diễn ra ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Ông Zelensky nói các lực lượng Nga liên tiếp nã pháo vào các vị trí của Ukraine và chỉ riêng ở khu vực phía Đông nước này hôm 20/11 đã hứng chịu gần 400 cuộc tấn công.
“Chúng tôi đang giữ vững phòng tuyến, tiêu diệt một cách nhất quán và rất có tính toán tiềm năng của quân Nga” ông Zelensky nói.
Trong những ngày gần đây, giao tranh dữ dội đã được báo cáo ở miền Đông Ukraine. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, quân đội Nga đang tăng cường tấn công gần các thành phố Bakhmut và Avdiivka. Nga tuyên bố đã kiểm soát được một phần khu định cư Bilohorivka và Pavlivka, phía Tây Nam Donetsk.
Theo Phó chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Kyrylo Tymoshenko, các vụ pháo kích cũng được báo cáo ở miền Nam và miền Đông Ukraine.
Một số khu vực trên khắp Ukraine đang nỗ lực khôi phục đường dây điện sau khi các cuộc tấn công của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng khiến nhiều thành phố mất điện.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nêu lý do Nga tiến hành các vụ tập kích tên lửa nhằm vào nhiều khu vực tại Ukraine trong thời gian qua là nhằm gây sức ép buộc Kiev nhanh chóng trở lại bàn đàm phán.
Theo ông Peskov, mục tiêu của các vụ tấn công bằng lửa tên là các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, qua đó sẽ làm gián đoạn các dịch vụ cung cấp điện, sưởi và nước cho người dân nước này.
Vấn đề “thay đổi chế độ” đã trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Nga, Ukraine và các đồng minh về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.
Ngày 21/11, khi được hỏi liệu Điện Kremlin có coi sự thay đổi chế độ ở Kiev là một trong những mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hay không, ông Peskov trả lời: “Không, Tổng thống (Vladimir Putin) đã nói về điều này”.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh, Nga quyết tâm đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự ở Ukraine “bằng nhiều phương thức, hình thức khác nhau”./.