Đụng độ nổ ra, Azerbaijan mở chiến dịch trả đũa
Hai binh sĩ từ vùng Nagorno-Karabakh có đông người tộc Armenia sinh sống và một quân nhân Azerbaijan đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ mới đây ở khu vực này. Baku cho biết, họ mở một chiến dịch “trả thù” sau khi các chiến binh Armenia bị cáo buộc là tấn công quân Azerbaijan và cố chiếm một vùng lãnh thổ do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kiểm soát.
Hôm 4/8/2022, Bộ Quốc phòng Nga đã tố cáo quân đội Azerbaijan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn gần điểm cao Sarybaba ở khu vực Shusha.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố: “Chúng tôi hối thúc các bên thực hành kiềm chế và tuân thủ lệnh ngừng bắn. Chúng tôi mong các cuộc tranh cãi hiện nay sẽ được giải quyết hoàn toàn thông qua các con đường ngoại giao và chính trị, tính đến quan điểm của mỗi bên và tuân thủ nghiêm thông cáo được các lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia thông qua vào ngày 9/11/2020”.
Liên minh châu Âu đã cùng Nga kêu gọi các bên liên quan “giảm leo thang căng thẳng, tôn trọng đầy đủ lệnh đình chiến và quay trở lại bàn đàm phán tìm kiếm các giải pháp thông qua thương lượng”.
Toan tính của Azerbaijan
Giới quan sát Nga và Armenia nhận định, thời điểm Azerbaijan mở chiến dịch nói trên là điều có thể “hiểu được”. Nga được cho là đã tái triển khai một số thành viên gìn giữ hòa bình dạn dày kinh nghiệm của mình ở Nagorno-Karabakh sang chiến trường Ukraine trong các tháng gần đây, trám vào đó là những tân binh nghĩa vụ. Ngoài ra, trong bối cảnh bị phương Tây bao vây cô lập tứ phía, Kremlin không thể dễ dàng làm mất lòng các nước thành viên trong Liên Xô cũ, trong đó có Azerbaijan.
Những người chỉ trích Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, Azerbaijan đã đánh giá chính xác rằng Nga không ở vào vị trí thuận lợi để trừng phạt quốc gia Nam Kavkaz này vì đã vi phạm lệnh ngừng bắn và họ đang tận dụng khủng hoảng Ukraine làm cơ hội đánh vào các vị trí ly khai (được Armenia hậu thuẫn) trong và xung quanh Nagorno-Karabakh.
Azerbaijan phủ nhận các cáo buộc cho rằng họ đang cố gắng phá hoại thỏa thuận đình chiến năm 2020. Thay vào đó, Azerbaijan tố cáo “các đội hình Armenia bất hợp pháp” là trắng trợn vi phạm lệnh ngừng bắn. Baku cho rằng các đội hình Armenia này có thể hoạt động xuất phát từ lãnh thổ do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kiểm soát. Truyền thông Azerbaijan gọi các nhóm đó là “các chiến binh và phần tử khủng bố”.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, bác bỏ các tuyên bố của Baku. Trong một cuộc họp chính phủ hôm 4/8, ông Pashinyan tuyên bố hiện nay không có binh sĩ nào của Cộng hòa Armenia đang đóng ở Nagorno-Karabakh.
Thủ tướng Armenia Pashinyan đã tố Azerbaijan tìm cách vứt bỏ thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Pashinyan nói, “việc Azerbaijan phải dùng đến leo thang giao tranh phục vụ một mục đích, đó là vứt bỏ các quy định do thông cáo chung ngày 9/11/2020 đặt ra”.
Trong khi đó, Baku khẳng định họ vẫn tuân thủ các điều khoản của thông cáo đó và kêu gọi Yerevan làm tương tự.
Vùng lõi Karabakh muốn gia nhập Nga?
Người tộc Armenia ở vùng lõi Nagorno-Karabakh (tự xưng là thuộc “Cộng hòa Artsakh”) đã bộc lộ dấu hiệu không hài lòng với việc Armenia sẵn lòng nhượng bộ trước Azerbaijan như một phần trong thỏa thuận hòa bình tương lai rộng lớn hơn.
Các tin tức trước đó (cũng trong năm 2022 này) cho thấy các quan chức hàng đầu của “Cộng hòa Artsakh” tự phong đang cân nhắc tổ chức trưng cầu dân ý để trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Hiện chưa có chỉ dấu nào về việc Kremlin xem xét đến một kết quả như vậy. Nếu chuyện đó xảy ra, nó sẽ phá hoại nghiêm trọng quan hệ khá gần gũi giữa Nga và Azerbaijan.
Thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, do Nga làm trung gian vào thời điểm Cuộc chiến Karabakh lần 2 diễn ra được 6 tuần, đã đưa các vùng quanh Nagorno-Karabakh trở lại dưới sự kiểm soát của Azerbaijan và thiết lập sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở hành lang Lachin nối Armenia với Nagorno-Karabakh.
Căng thẳng hiện nay tập trung phần lớn vào các cách lý giải khác nhau của Armenia và Azerbaijan về khung thời gian cho một con đường mới nối Armenia với Karabakh, thay cho hành lang Lachin.
Cuộc chiến của Azerbaijan vào năm 2020 đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chủ chốt của Azerbaijan.
Azerbaijan đã gia tăng hoạt động nhập khẩu vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ vào những tháng trước khi nổ ra xung đột quy mô lớn vào năm 2020, theo một phân tích do hãng tin Reuters thực hiện. UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được ghi nhận đã đóng góp lớn vào lợi thế của Azerbaijan trên chiến trường.
Ngoài cung cấp vũ khí cho Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp tục gây sức ép lên Armenia trong các cuộc đàm phán riêng rẽ nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Armenia và Azerbaijan./.