Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Ukraine sau khi thọc sâu vào lãnh thổ Nga

Thi Anh |

Chiến dịch đột kích đã giúp Ukraine nhanh chóng chiếm giữ một phần lãnh thổ ở khu vực Kursk của Nga, nhưng lực lượng của Kiev vẫn chủ yếu bị lấn át về nhân lực lẫn vũ khí.

Nội dung chính

  • Chiến dịch Kursk giúp Ukraine giành được quyền kiểm soát 1 phần lãnh thổ Nga
  • Diễn biến tiếp theo của chiến dịch sẽ là gì?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan

WSJ cho rằng chiến dịch này đã giúp nâng cao tinh thần của người Ukraine sau một 1 năm xung đột lún sâu vào các cuộc phòng thủ đẫm máu. 

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là liệu việc tiếp tục tìm kiếm những bước tiến sâu hơn có đáng để mạo hiểm thêm nhiều binh lính và trang thiết bị quân sự mà họ rất cần ở mặt trận phía đông Ukraine, nơi lực lượng của Kiev đang chật vật cản trở sự tiến công của Nga hay không. 

Chỉ trong vài ngày, Ukraine đã tiến được ít nhất hơn 30km từ biên giới giữa hai bên và chứng minh cho đối thủ cũng như đồng minh rằng họ vẫn đang trong cuộc chiến và có thể gây ra những bất ngờ tổn thất cho người láng giềng lớn hơn.

Trong những bình luận đầu tiên về cuộc xâm nhập, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10/8 mô tả chiến dịch là những hành động nhằm đẩy chiến tranh vào lãnh thổ của đối phương.

Trên thực tế, nếu xét tới tình trạng thiếu hụt nhân lực và trang thiết bị quân sự của Ukraine ở mặt trận phía đông, WSJ cho rằng chiến dịch của Kiev là một động thái mạo hiểm. 

"Có lẽ tôi đang ở trong tình trạng giống như một tay binh nhất không hiểu vì sao mình phải cố thủ ở 1 chiến hào", một chỉ huy tiểu đoàn Ukraine đang chiến đấu gần trung tâm hậu cần phía đông của Pokrovsk nói, "Nhưng rất cần 1.000 người ở đây".

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine sau khi đột kích vào Nga - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine tấn công các vị trí của Nga ở Donetsk. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Hiện vẫn chưa rõ mục tiêu sau cuối của chiến dịch Kursk. Ukraine không đưa ra nhiều bình luận nhưng WSJ cho rằng có thể thấy được những thành công ban đầu trong các video lan truyền trên mạng xã hội như quân đội Ukraine treo cờ ở một vài làng mạc vùng biên, hay hình ảnh xe quân sự Nga bốc cháy. 

WSJ dẫn nguồn báo cáo Nga cho biết, Ukraine có thể tiến công nhanh chóng là nhờ sử dụng thiết bị chiến tranh điện tử để làm tê liệt các hệ thống liên lạc của Nga và giúp lực lượng Ukraine tiến vào trên các phương tiện bọc thép di chuyển nhanh với sự hỗ trợ từ máy bay không người lái, cùng các hệ thống phòng không.

Ukraine đã giành được 1 vị trí và từ đó họ triển khai các nhóm trinh sát đi tìm kiếm điểm yếu để khai thác, đồng thời đưa tới các hệ thống pháo binh có khả năng tấn công sâu vào hậu phương của Nga. 

Theo đánh giá hiện tại của Mỹ, một trong những lý do khiến Ukraine phát động cuộc xâm nhập là nhằm làm gián đoạn tuyến đường cung cấp của Nga đến mặt trận phía bắc ở Kharkiv.

Ngoài những thắng lợi quân sự chiến thuật, Ukraine đã chứng tỏ rằng họ có sự táo bạo và kỹ năng để bí mật lên kế hoạch và phát động một chiến dịch tấn công phức tạp. Sau cuộc phản công thất bại vào mùa hè năm ngoái, Ukraine đã dành một năm trong các chiến hào để chống lại các đợt tấn công của Nga, làm dấy lên câu hỏi Ukraine làm sao để cố thủ trước đối thủ. 

"Họ hoàn toàn thay đổi câu chuyện chiến lược với cuộc tấn công này", John Nagl, thiếu tá về hưu của quân đội Mỹ hiện là giáo sư tại Học viện Chiến tranh của quân đội Mỹ, nhận định.

Nagl nói rằng ông thấy lý lẽ quân sự của chiến dịch là đáng ngờ khi mà Ukraine còn phải chịu áp lực khổng lồ trên các tuyến phòng thủ ở nơi khác nhưng có thể Ukraine muốn tập trung gửi thông điệp tới Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. 

"Người Ukraine muốn nhận được sự chú ý vào cuộc xâm nhập này. Người ta cho rằng người Ukraine vẫn còn ý chí chiến đấu," ông nói.

Giai đoạn tiếp theo của chiến dịch Kursk

Mỹ cho biết họ không được thông báo về chiến dịch trước khi nó diễn ra, đây vốn là điều thông thường đối với 1 động thái chiến thuật. Chính quyền Biden không tỏ ý đồng tình trước các cuộc tấn công quân sự của Ukraine vào lãnh thổ Nga nhưng các quan chức Mỹ cho rằng cuộc xâm nhập vẫn phù hợp với các nguyên tắc của Mỹ, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tự vệ khi xét đến cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkiv.

WSJ dẫn nguồn các cố vấn Mỹ cho biết, các quan chức Mỹ không lo lắng nhiều về khả năng leo thang của sự việc. Họ kỳ vọng các cuộc giao tranh khu vực sẽ tương tự xung đột bên trong Ukraine. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lo ngại rằng việc lính Nga tử trận trên lãnh thổ của họ có thể khiến ông Putin đưa ra một quyết định trả đũa gay gắt. 

Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự tại Vienna nhận định, giai đoạn tiếp theo của cuộc xâm nhập Kursk phụ thuộc vào lượng dự trữ mà mỗi bên có sẵn và cách thức họ triển khai.

Ukraine sẽ cần triển khai thêm nhân lực và nguồn lực quân sự để duy trì động lực, trong khi Nga sẽ muốn phản công nhanh chóng và sử dụng lực lượng hỏa lực vượt trội của mình nếu một đường phòng thủ cố định được hình thành.

Theo Gady, vấn đề chính của chiến dịch là nó không thay đổi được tình hình cơ sở tại các mặt trận ở phía đông Ukraine. 

"Chiến dịch ở Kursk yêu cầu nguồn lực đáng kể, đặc biệt là nhân sự bộ binh, có thể còn cần thiết hơn ở nơi khác", ông Gady nói.

Ở phía đông Ukraine, sĩ quan từ nhiều lữ đoàn đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của chiến dịch khi mà họ còn đang ở trong tình trạng thiếu quân. 

"Chúng tôi không cảm nhận bất kỳ thay đổi nào, ít nhất là cho đến bây giờ", một sĩ quan Ukraine gần Chasiv Yar nói, "Người Nga sẽ không di chuyển bất kỳ lực lượng nào từ phía đông sang Kursk. Họ có lực lượng dự bị". 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại