Mỹ vẫn rút quân khỏi Trung Đông
Ông Qadri Jamil, người đứng đầu liên minh đối lập ở Syria mang tên “Mặt trận Nhân dân vì Sự thay đổi và Giải phóng” nhận định, quân đội Mỹ vẫn sẽ rút quân khỏi Trung Đông cho dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có ra sao.
“Vấn đề là dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới là ông Joe Biden hay ông Donald Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn sẽ không thay đổi. Họ vẫn sẽ theo đuổi chính sách như hiện tại, nhưng cách thực hiện sẽ khác.
Sự khác biệt duy nhất chỉ là tốc độ rút quân khỏi Trung Đông. Nếu ông Biden thắng, chương trình rút quân sẽ diễn ra chậm hơn nhưng nó vẫn cứ diễn ra”, Sputnik dẫn lời ông Jamil.
Cũng theo ông Jamil, Washington sẽ tránh duy trì sự hiện diện của binh sĩ vượt quá mức cần thiết để phục vụ việc tái triển khai đội quân trên toàn cầu, do thực tế “tình hình thế giới nói chung đã thay đổi”.
Mỹ đưa quân tới tham chiến ở Syria kể từ năm 2014 dù không nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chính phủ Syria.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Mỹ Trump đã vài lần ra tuyên bố rút quân khỏi Syria, nhưng hoạt động rút hoàn toàn binh sĩ Mỹ khỏi Syria đến nay vẫn chưa diễn ra.
Hồi tháng 10/2019, sau khi Mỹ tiêu diệt được thủ lĩnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS Abu Bakr Baghdadi, ông Trump tuyên bố cuộc chiến chống IS của Mỹ ở Syria đã kết thúc.
Nhưng khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ vẫn có mặt ở Syria để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng. Theo đó, một nhóm binh sĩ Mỹ ở lại phía bắc Syria đã liên kết với phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu để nắm quyền kiểm soát các mỏ khai thác dầu trong khu vực.
Chính phủ Syria cáo buộc Mỹ cố tình đánh cắp nguồn năng lượng dầu mỏ ở quốc gia này, cũng như có hành động thù địch khi tiếp tay cho hoạt động khủng bố bằng một thỏa thuận mới ký kết với nhóm phiến quân SDF liên quan tới hoạt động khai thác dầu mỏ ở Syria.
Theo Bộ Ngoại giao Syria, hoạt động trích xuất dầu mỏ của người Kurd là “đánh cắp” và các tay súng SDF là “con rối nằm trong tay Mỹ”. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh thỏa thuận giữa Mỹ và SDF là “vô hiệu”.
SDF bắt cóc 9 dân thường Syria
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin hôm 11/8, các tay súng SDF đã tiến hành chiến dịch truy quét và bắt cóc một số công dân ở thị trấn Sweidan Jazeera thuộc tỉnh Deir Ezzor, phía đông nam Syria.
Hoạt động của SDF nhằm trấn áp những người tham gia cuộc biểu tình gần đây yêu cầu các tay súng người Kurd và quân đội Mỹ rời khỏi khu vực.
Theo đó, SDF đã điều quân lục soát nhiều ngôi nhà nằm ở thị trấn Sweidan Jazeera và bắt cóc 9 người dân. Những người này bị SDF dẫn giải tới vị trí chưa thể xác định. Ngoài ra, SDF còn cho dựng hàng loạt chốt kiểm soát bên trong thị trấn để ngăn người dân địa phương tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức tại một số ngôi làng và thị trấn ở tỉnh Deir Ezzor.
Trong thời gian gần đây, tỉnh Deir Ezzor chứng kiến nhiều cuộc biểu tình do người dân địa phương tổ chức nhằm đánh đuổi SDF và binh sĩ Mỹ. Người dân khu vực cáo buộc SDF đã tra tấn những người bị bắt, cướp bóc tài sản và bắt giữ hàng chục nam thanh niên.
Thêm phái đoàn quân sự Mỹ tới Hasaka
Một phái đoàn quân sự Mỹ được nhìn thấy chở theo các thiết bị hậu cần cùng quân tăng viện di chuyển từ Iraq tới Syria. Hành động của Mỹ bị xem là vi phạm các quy định và luật pháp quốc tế.
Nguồn tin từ vùng Tel Hamis cho biết, vào tối ngày 10/8, phái đoàn Mỹ gồm 1 chiếc xe tải, nhiều xe tăng và một loạt xe Humvees chở theo các thiết bị hậu cần đi qua khu vực biên giới al-Waleed để di chuyển tới quận Tel Hamis của tỉnh Qamishli, sau đó tiếp tục đi tới căn cứ Mỹ ở Tel Baidar, phía bắc tỉnh Hasaka.
Trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ đã đưa hàng ngàn xe tải chở theo vũ khí, thiết bị quân sự và hậu cần tới tỉnh Hasaka để tăng cường năng lực chiến đấu và sự hiện diện trái phép ở vùng al-Jazeera của Syria. Đây cũng là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm khai thác trái phép các dầu mỏ và nguồn khoáng sản tại khu vực này.