Oanh tạc cơ Tu-22M3 Nga lần đầu hạ cánh ở Syria
Các máy bay ném bom tầm xa mới được cải tiến Tupolev Tu-22M3 của Nga đã thực hiện hành trình bay từ Moscow tới căn cứ không quân Hmeymim ở Syria vào ngày 25/5. Đây là lần đầu tiên Tu-22M3 hạ cánh xuống Syria.
Dựa trên thiết kế nguyên mẫu từ thời Liên Xô cũ, các oanh tạc cơ Tu-22M3 đã trải qua quá trình hiện đại hóa quy mô lớn. Trước đây, Tu-22M3 chỉ hoạt động ở căn cứ Nga và từng bay tới Syria để thực hiện một số sứ mệnh nhất định. Nhưng hiện tại, Tu-22M3 sẽ hoạt động thường trực ở căn cứ Hmeymim nằm bên bờ Địa Trung Hải.
Với tư cách là đồng minh lâu đời của Syria, Nga đã chính thức điều động binh sĩ và vũ khí tới tham chiến ở Syria từ năm 2015 theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar Assad. Sứ mệnh của quân đội Nga là hỗ trợ quân chính phủ Syria tiêu diệt các nhóm phiến quân và khủng bố.
Sau khi căn cứ không quân Hmeymim được nâng cấp bao gồm lắp đặt thêm thiết bị radio và ánh sáng, tất cả các máy bay phục vụ trong quân đội Nga có thể sử dụng cơ sở này để cất và hạ cánh.
Trong quá trình hiện diện ở căn cứ Hmeymim, các máy bay ném bom Tu-22M3 sẽ trải qua những đợt huấn luyện bay trên biển. Ngay khi chương trình huấn luyện kết thúc, dàn Tu-22M3 sẽ trở lại các căn cứ thường trực ở Nga.
Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 20/6/1977. Tới năm 2018, máy bay trải qua đợt hiện đại hóa quy mô lớn. Theo trang web của Tupolev, công ty sản xuất máy bay Tu-22M3, oanh tạc cơ này hiện sở hữu năng lực mở rộng phạm vi chiến đấu và tấn công hiệu quả hơn.
Hồi tháng Ba, 3 người đã thiệt mạng do hệ thống ghế phóng gặp trục trặc trong quá trình chuẩn bị trước chuyến bay ở thành phố Kaluga của Nga. Do không đủ độ cao để triển khai dù, 3 thành viên phi hành đoàn đã bị thương nặng khi hạ cánh và tử vong sau đó.
Bầu cử Tổng thống ở Syria bị nghi ngờ
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã lên tiếng chỉ trích cuộc bầu cử Tổng thống ở Syria. Theo các quan chức ngoại giao cấp cao, những người Syria đi tị nạn không thể bỏ phiếu do các đại sứ quán và lãnh sự quán của Syria ở nước ngoài đã bị đóng cửa hoạt động.
Trong tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 25/5, cả 5 Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy bày tỏ “hy vọng có thể làm rõ cuộc bầu cử Tổng thống ở Syria vào ngày 26/5 sẽ diễn ra tự do và công bằng”.
Cuộc bầu cử Tổng thống ở Syria được tiến hành vào ngày 26/5. Theo đó, Tổng thống đương nhiệm Assad sẽ cạnh tranh số phiếu với 2 ứng viên là Abdullah Sallum Abdullah và Mahmoud Ahmad Marei.
“Một cuộc bầu cử đáng tin cậy là khi tất cả người dân Syria được phép tham gia bao gồm những người Syria đi di cư trong nước, tị nạn ở nước ngoài trong môi trường tự do và trung lập”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh.
Syria đã mời các nhà quan sát bầu cử đến từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Venezuela, Cuba, Nicaragua, Bolivia, Ecuador và Armenia.
Trên thực tế, Nga là quốc gia đồng minh đã có công lớn hỗ trợ các lực lượng quân sự ủng hộ Tổng thống Assad chiến đấu chống lại các nhóm phiến quân và khủng bố trong suốt 10 năm nội chiến ở Cộng hòa Hồi giáo.
Còn Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy lại là các bên ủng hộ phe dối lập Syria bao gồm các tay súng Hồi giáo được cho có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Trong ngày 26/5, một vụ nổ đã xuất hiện ở thành phố Daraa đúng ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống ở Syria.
“Vụ nổ xảy ra ở Quảng trường 16/10 tại Daraa và ngay sát một điểm bỏ phiếu”, Sputnik dẫn lời nguồn tin.
Theo những báo cáo ban đầu, vụ nổ xảy ra ở xa đám đông tụ tập nên rất may không có ai bị thương vong. Nguồn tin nhận định, khả năng vụ nổ chỉ nhằm khiến cử tri sợ hãi.
Kể từ khi nội chiến bùng nổ ở Syria vào năm 2011, đây là lần thứ 2 quốc gia này tiến hành bầu cử. Trong khi phần lớn lãnh thổ Syria đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Damascus, một số khu vực ở phía bắc và đông vẫn đang thuộc sự quản lý của các lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một vài nhóm phiến quân.