Từ ngày 7/7, nếu các nước châu Âu “không hành động”, Iran sẽ làm giàu urani ở cấp độ cao, trên 3,67% - tức là trên mức cần thiết để sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự, hay nói cách khác là bước đi đầu tiên để Iran có thể sản xuất 1 vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Từ ngày 7/7, chúng tôi sẽ thực hiện bước đi tiếp theo của mình. Nếu bạn - các đối tác châu Âu trong thỏa thuận hạt nhân, muốn bày tỏ sự hối tiếc thì hãy hành động ngay bây giờ hoặc nếu bạn muốn đưa ra một thông cáo, thì hãy phát hành nó ngay bây giờ. Việc làm giàu Urani của Iran sẽ không còn duy trì ở mức 3,67%.
Chúng tôi sẽ tăng mức độ làm giàu lên bất kỳ mức nào chúng tôi cho là cần thiết và chúng tôi muốn. Bạn cũng phải biết rằng nếu bạn không thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình với chúng tôi theo như thỏa thuận, thì từ ngày 7/7, lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ quay trở lại các hoạt động trước đó.”
Theo Tổng thống Iran, nước này từng tuân thủ đầy đủ 100% các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Dù Iran sắp giảm cam kết của mình, song tỉ lệ này vẫn còn ít nhất 98%. Tuy nhiên, các đối tác châu Âu vẫn chưa thực hiện cam kết của mình, dù Iran cũng không cần con số đó là tuyệt đối.
Trước cảnh báo của Iran, ngay lập tức, Pháp tuyên bố kênh thương mại đặc biệt giữa châu Âu với Iran (INSTEX), với mục đích né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ đi vào hoạt động trong những ngày tới.
Tuy nhiên, với Iran, dường như điều này là “chưa đủ”, bởi cơ chế INSTEX được xây dựng, chỉ để hỗ trợ các hoạt động thanh toán trong các lĩnh vực dược phẩm, y tế và thực phẩm; trong khi điều Iran muốn là có thể xuất khẩu được dầu mỏ - do đây mới là nguồn thu nhập chính của nước này.
Trong bối cảnh đang có nhiều khả năng Iran sẽ thục hiện tuyên bố của mình, giới chức Mỹ hôm qua đã đề xuất Hội đồng thống đốc gồm 35 quốc gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) họp khẩn để bàn về vấn đề hạt nhân Iran. Cơ quan này cũng đã xác nhận cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 10/7 tới.
Thỏa thuận hạt nhân Iran đang trước nguy cơ “lung lay” hơn bao giờ hết, căng thẳng giữa Iran với Mỹ và châu Âu lại như “lửa được tiếp thêm dầu” khi Anh mới đây bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran tại vùng biển Gibraltar – vùng lãnh thổ thuộc Anh hôm 4/7 vừa qua. Theo giới chức Anh, việc bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran là do nghi ngờ đích đến của chiếc tàu này là 1 nhà máy lọc dầu của Syria – 1 thực thể đang nằm trong lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, giới chức Iran cho rằng, việc bắt giữ này là “trái phép” và yêu cầu Anh thả chiếc tàu ngay lập tức; đồng thời cảnh báo Iran cũng sẽ bắt 1 tàu chở dầu của Anh để đáp trả. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo, Iran chưa bao giờ khởi xướng các hành động thù địch, song cũng chưa bao giờ do dự trong đối phó với các hành động “bắt nạt” nhằm vào nước này.
Bất chấp phản ứng cứng rắn từ Iran, hôm qua, Tòa án Tối cao vùng Gibraltar đã gia hạn lệnh tạm giữ chiếc tàu chở dầu của Iran thêm 14 ngày, theo Quy định số 36/2012 của EU về trừng phạt đối với Syri. Trong khi, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/7 cũng cảnh báo, Iran nên cẩn thận trước khi hành động.
Khác với Mỹ và Anh, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua mô tả việc bắt giữ tàu chở dầu của Iran là “một hành động được lên kế hoạch từ lâu” và là nhằm làm phức tạp hơn nữa tình hình vốn đang rất căng thẳng hiện nay liên quan tới Iran và Syria./.