Lính Ukraine bắn lựu pháo M777 về phía các vị trí của Nga ở tiền tuyến phía đông Ukraine, vào ngày 23/11/2022. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP)
Các quốc gia thành viên NATO đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí hạng nặng kể từ tháng 12/2021, bao gồm 440 xe tăng và 1.510 xe chiến đấu bộ binh - Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho biết hôm 20/2.
Theo các quan chức SVR, Ukraine cũng đã nhận được 1.170 hệ thống phòng không và 655 hệ thống pháo, cũng như 9.800 tên lửa cho các bệ phóng tên lửa di động.
SVR tuyên bố: "Hầu hết các thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp đã bị lực lượng Nga phá hủy".
Tuyên bố này được đưa ra một tháng sau khi các quốc gia ủng hộ hàng đầu của Ukraine, gồm Mỹ, Anh và Đức, lần đầu tiên cam kết chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, như Leopard 2.
Tuy trước đây Washington tuyên bố không có kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F- 16, nhưng phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói với báo giới tuần trước rằng Mỹ "hoan nghênh" các quốc gia khác chuyển giao máy bay thời Liên Xô của họ cho Kiev.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 27,4 tỷ USD viện trợ an ninh trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2022 đến ngày 20/1/2023.
Hôm 19/2, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết khối này đang ở "chế độ chiến tranh khẩn cấp". Ông nói thêm rằng ông sẽ đề xuất sử dụng 3,6 tỷ USD từ Quỹ Hòa bình Châu Âu để mua thêm đạn dược cho Ukraine.
Moscow đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine gần một năm trước, viện dẫn nhu cầu bảo vệ người dân Donbass và việc Kiev không thực hiện các hiệp định hòa bình 2014-2015.
Kể từ đó, Nga đã cảnh báo xe tăng và các vũ khí khác của phương Tây sẽ không thay đổi tiến trình của cuộc xung đột nhưng sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Các quan chức Nga cũng nhiều lần cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp, bao gồm bệ phóng rocket HIMARS và pháo M777, để tấn công dân thường ở Donbass.