Tình báo Mỹ: Nga đang cố “lòe” thế giới bằng tên lửa giả

QS |

Theo bản đánh giá của tình báo Mỹ, những gì được thể hiện trong cuộc họp báo của Nga về tên lửa 9M729 thực chất là một trò đánh lừa.

Theo tờ Daily Beast, Nga đã loan tin rầm rộ về vụ phóng tên lửa hành trình hồi đầu năm nay. Nhưng bản đánh giá của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo Địa không gian quốc gia Mỹ (NGA) đã xác định rằng đó thực chất là một trò "che mắt thiên hạ".

"Hôm 23/1, các quan chức quân sự Nga đã tổ chức một buổi họp báo để 'khoe khoang' thứ mà họ gọi là 'tên lửa hành trình' giữa lúc Washington và Moscow đang có nhiều tranh cãi xung quanh Hiệp ước kiểm soát vũ khí đã duy trì nhiều năm qua" - Daily Beast viết.

Song, theo một bản đánh giá của tình báo Mỹ, những gì được thể hiện trong cuộc họp báo này thực chất là một trò đánh lừa. Dù tên lửa, xe phóng, hay những đồ họa đi kèm… đều không đúng như những gì Nga tuyên bố.

Tình báo Mỹ: Nga đang cố “lòe” thế giới bằng tên lửa giả - Ảnh 1.

Ảnh biếm họa: Daily Beast

Những tình tiết sơ hở

Tờ báo Mỹ cho hay, những thông tin sai lệch được Nga đưa ra không bao lâu trước khi Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Đây là hiệp ước mà theo quan điểm của Mỹ, thì Nga đã vi phạm.

Theo bản đánh giá của CIA và NGA, các ống chứa tên lửa hành trình và xe phóng mà Bộ Quốc phòng Nga công bố tại cuộc họp báo không hề liên quan tới loại tên lửa mà Mỹ đã cáo buộc từ năm 2014 rằng nó vi phạm Hiệp ước INF.

Hai nguồn tin từ chính phủ Mỹ nắm rõ bản đánh giá của CIA và NGA cho biết, tên lửa vi phạm hiệp ước INF có kích cỡ lớn hơn ống chứa mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, đồng thời nó sử dụng một loại xe phóng chuyên biệt.

Tại cuộc họp báo, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng, loại tên lửa mà Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước 1987 chỉ đơn thuần là biến thể của một loại tên lửa hành trình hiện hành (có tên gọi 9M728) với hệ thống dẫn đường được cải tiến.

Tuyên bố chính thức từ Nga cho biết loại tên lửa này có tầm bắn ngắn hơn cả phiên bản cũ 10km do phần chứa các thiết bị điện tử của tên lửa được mở rộng, khiến khối lượng tên lửa tăng lên so với phiên bản cũ.

Để củng cố những tuyên bố trên, Bộ Quốc phòng Nga đã trình chiếu cho các phóng viên thấy hình ảnh minh họa 2 phiên bản tên lửa. Tuy nhiên, theo đánh giá của tình báo Mỹ, đồ họa về tên lửa 9M729 không mô tả tên lửa thực.

Ngoài các hình ảnh minh họa, các phóng viên tại buổi họp báo còn được giới thiệu và cho phép quay phim, chụp ảnh thoải mái một mẫu ống phóng tên lửa hành trình và xe phóng dùng để vận chuyển và bắn các tên lửa này.

Tuy nhiên, không có tên lửa thật nào được trưng bày.

Trao đổi với tờ Daily Beast, một nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho biết chiếc xe phóng mà Nga đưa ra cũng không phải là loại tương thích với tên lửa 9M729.

Nga họp báo về tên lửa 9M729

Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF

Từ đầu năm 2014, chính phủ Mỹ đã công khai cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF và cho rằng ngay từ đầu những năm 2000, Nga đã phát triển tên lửa 9M729 (tình báo Mỹ gọi là SSC-8. Washington) với tầm bắn nằm trong phạm vi cấm của INF.

5 năm sau khi chính quyền cựu Tổng thống Obama lần đầu tiên cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước trên, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước hồi đầu tháng này.

Chúng tôi không thể là quốc gia duy nhất trên thế giới đơn phương bị giới hạn bởi Hiệp ước này, hay bất kỳ hiệp ước nào khác” - Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 1/2, “Chúng tôi sẽ phát triển các phương thức đáp trả quân sự, sẽ cùng với liên minh NATO, đồng minh và các đối tác khác của mình ngăn chặn bất cứ lợi thế quân sự nào mà Nga có được từ lối hành xử trái với quy định của họ”.

Không lâu sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước INF trong 180 ngày.

Theo một nguồn tin cung cấp cho tờ Daily Beast, bản đánh giá của CIA và NGA về mức độ vi phạm của Nga đề cập lại rằng, “có 6 cuộc thử nghiệm tên lửa (của Moscow) vượt quá tầm bắn 500km”. Điều đó có nghĩa Nga đã cho thấy tên lửa của họ có thể bay tới tầm bắn mà Hiệp ước INF nghiêm cấm.

Tầm bắn xa nhất mà tên lửa Nga đã đạt được trong các cuộc thử nghiệm này là 2.070km.

Tình báo Mỹ: Nga đang cố “lòe” thế giới bằng tên lửa giả - Ảnh 3.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF

Phía Mỹ đánh giá SSC-8 sẽ là phiên bản cơ động đường trường của tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu chiến, nó có khả năng đạt tầm bắn 2.000km khi trang bị đầu đạn thông thường và 2.350km khi mang đầu đạn hạt nhân. Mẫu tên lửa này đã được thử nghiệm ít nhất 6 lần ở tầm bắn vi phạm Hiệp ước INF.

Trong một tuyên bố công khai vào tháng 11/2018, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats cho biết, Hiệp ước INF cho phép Nga và Mỹ tiến hành các cuộc thử nghiệm trên bộ đối với tên lửa có tầm bắn bị cấm, nếu như tên lửa đó được dự kiến triển khai từ trên không hoặc trên biển.

Kalibr - tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến (nền tảng cho tên lửa SSC-8) - từng được thử nghiệm từ một bệ phóng cố định theo phương thức này.

SSC-8 cũng đã được Nga thử nghiệm theo cách trên và sau đó chuyển sang xe phóng cơ động đường trường. Tại đó, nó được thử nghiệm với tầm bắn dưới 500km, nhìn có vẻ như rất tuân thủ Hiệp ước INF.

Theo nguồn tin của Daily Beast, cuộc thử nghiệm với tầm bắn xa nhất của SSC-8 trên xe phóng cơ động đạt 350km.

Tuy nhiên, thông qua nhiều phương thức khác nhau, các cơ quan tình báo Mỹ xác nhận được rằng, Nga đã chuẩn bị mẫu tên lửa này để triển khai trên các xe phóng cơ động đường trường và vì thế, họ đã vi phạm Hiệp ước INF.

Đáp trả Mỹ, Nga đe dọa sẽ bắt đầu phát triển các tên lửa mới có tầm bắn bị cấm trong Hiệp ước INF.

Hôm 5/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu phát triển phiên bản tên lửa Kalibr trên bộ - đây là phiên bản tên lửa mà phía Mỹ tranh cãi rằng nó đã tồn tại và đã vi phạm INF.

Theo tình báo Mỹ, Nga đã không thừa nhận các cáo buộc của Mỹ về việc nước này vi phạm Hiệp ước INF. Cuộc họp báo tháng 1 được Nga tổ chức nhằm chứng minh SSC-8 tuân thủ Hiệp ước giữa đôi bên, ngoại trừ việc họ không trưng bày... tên lửa thật.

Tình báo Mỹ cho biết, tính tới tháng 2/2019, Nga đã có 4 tiểu đoàn tên lửa SSC-8 được triển khai.

Về phần mình, theo Daily Beast, Mỹ có khả năng sẽ phát triển các tên lửa hành trình mang đầu đạn thông thường phóng từ mặt đất sau khi rút khỏi Hiệp ước INF.

Trong khi đó, phát biểu tại Brussels hồi đầu tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh NATO “không có ý định triển khai các hệ thống vũ khí trên bộ và vũ khí hạt nhân mới tại châu Âu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại