Tình báo Liên Xô khiến điệp viên "kim cương" của CIA chết tức tưởi

Quân sự |

Các nguồn tin của Mỹ khẳng định, Oldrich Aims có thể đã phá vỡ hàng loạt chiến dịch lớn của các cơ quan đặc vụ Mỹ chống Liên Xô và nước Nga trong giai đoạn từ 1985 đến cuối 1992.

Một ngày xuân tháng 4 năm 1985, có một người lạ mặt gõ cửa Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Anh ta đưa cho người thường trực một cái túi, trong đó lại có một cái túi nữa có đóng dấu gửi cho một công dân Xô Viết.

Người lạ mặt thông báo họ tên của mình, đồng thời cung cấp một số thông tin về hai sĩ quan Mỹ hoạt động cho KGB, kèm theo một bức thư nhỏ có ghi: "5.000 USD", tức là cái giá quy định để từ nay anh sẽ cung cấp những thông tin bí mật.

Như vậy, theo lời thú nhận của chính Aims trước toà án Mỹ ngày 28-4-1994 - tại đó anh bị kết án tù chung thân, thì anh bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết như thế đó. Nhưng vì các cơ quan mật vụ của Liên Xô không đưa ra lời nhận xét về vụ án Aims, cho nên những điều trình bày trong truyện này đều dựa vào báo chí nước ngoài.

"Nợ như chúa Chổm" và không được coi trọng

Tình báo Liên Xô khiến điệp viên kim cương của CIA chết tức tưởi - Ảnh 1.

Chân dung Oldrich Aims năm 1958 (một số nguồn ghi tên ông là Aldrich Ames). Nguồn: Wiki

Oldrich Aims sinh năm 1941 ở một thị trấn nhỏ bang Viskonsin. Cha anh, Carlton Aims năm 1951, là nhân viên CIA, và cả gia đình chuyển sang Miến Điện, lúc đó Miến Điện là trung tâm chú ý của CIA.

Học xong phổ thông Rik (tên anh ở nhà) vào đại học tổng hợp Chicago, nhưng bị đuổi học vì tội thường xuyên bỏ học, lang thang với bọn digan quanh nhà hát mong làm nghệ sĩ. Gần một năm anh không làm gì cả. Theo yêu cầu chủ cha, anh làm đơn xin vào CIA.

Vì không có trình độ đại học nên anh chỉ được làm việc văn phòng, mãi một năm sau, học xong lớp buổi tối của tổng hợp, anh mới được đi học lớp đào tạo của đội nhân viên tác nghiệp. Tại lớp này anh gặp cô gái Nensi, cũng là nhân viên CIA. Họ quyết định lấy nhau, nhưng sau đám cưới cô phải rời bỏ CIA theo luật định...

Năm 1980, anh được cử sang Mexico, cô đã từ chối theo anh. Họ sống ly thân. Tại Mexico, Rik quen một cô gái rất xinh đẹp là Rosario, làm tuỳ viên văn hoá ở Đại sứ quán Columbia. Là người có học vấn cao, duyên dáng và rất văn hoá, cô gái đã chinh phục trái tim người đàn ông bốn mươi tuổi này. Cô cũng là điệp viên ăn lương của CIA.

Cô cũng ngạc nhiên thấy Aims là người có trình độ văn hoá cao, am hiểu văn học cổ điển, là điều khác với đa số người Mỹ. Họ yêu nhau, quyết định sống chung, nhưng đó lại là một vấn đề nan giải đối với Aims: sắp tới vụ giải quyết ly hôn và quyết định vấn đề tài sản.

Tình hình tài chính của anh thật thảm hại, nợ như chúa Chổm, và đã nhiều khi anh có ý định phải sở hữu một nguồn thu nhập phong phú để có cuộc sống cao. Anh đã cố xua đuổi ý nghĩ đó mà không được.

Lại còn một điều nữa. Anh luôn luôn có cảm giác là mình thiếu khả năng thực tế, thường xuyên bị người ta đánh giá chưa đúng trong công việc. Anh là một nhà phân tích mạch lạc, nhưng người ta lại muốn sử dụng anh như một người chiêu mộ tác nghiệp ít tác dụng.

Anh bị giáng một đòn mạnh khi anh nhìn thấy trong hồ sơ của cha anh, một người quá cố mà anh rất yêu mến và kính trọng: "Ông Carlton Aims không có giá trị gì trong ngành tình báo và hoàn toàn không có khả năng". Anh không thể tha thứ cho sự xúc phạm này được. Và thế là Oldrich Aims đi đến một sự lựa chọn.

Từ nhân viên CIA tới tình báo Liên Xô

Về lý thì có thể xuất hiện một vấn đề là làm sao anh có thể tự do, không sợ bị theo dõi mà lai vãng đến đại sứ quán Xô Viết và rất nhiều lần gặp gỡ các nhà tình báo Xô Viết? Vấn đề là ở chỗ những cuộc tới thăm và gặp gỡ đó là hợp pháp vì anh là người lãnh đạo một đơn vị phản gián chống Xô Viết của CIA!

Oldrich Aims đã có một thời kỳ làm việc "dưới trướng" của đại sứ quán Mỹ ở Ancara, sau đó trong bộ máy trung tâm của CIA ở Washington.

Là cộng sự của Ban Xô Viết, anh đã học tiếng Nga thành thạo, có uy tín cao. Anh đã sống mấy năm ở New York, được giao trách nhiệm làm việc với các nhà ngoại giao Xô Viết, đặc biệt là với phó tổng thư ký Liên hiệp quốc Sevtrenco, chính ông này đã đề nghị được phục vụ cho CIA.

Năm 1985, khi Oldrich Aims đã là tình báo Xô Viết, anh lại đến Washington và nhờ chức vụ của mình mà biết được mọi hoạt động chống Liên Xô và chống tình báo Xô Viết đang được tiến hành ở bất kỳ nước nào trên thế giới.

Anh cũng được trực tiếp tham gia kiểm tra các điệp viên bị nghi ngờ là có quan hệ với tình báo nước ngoài. Từ tháng 6-1986 đến tháng 7-1989, anh làm việc ở La Mã, ở đây, theo anh thừa nhận, anh đã chuyển cho tình báo Xô Viết từng túi nguyên các tài liệu cơ mật.

Sau khi trở về Lengli (đại bản doanh của CIA) Aims lại được cử vào ban phản gián của CIA. Anh nhận việc tại Ban Xô Viết thuộc nhóm phân tích của Trung Tâm.

Anh đã viết những công trình khoa học về các hoạt động của KGB, và bây giờ tình báo Xô Viết đã có được khả năng không những đọc được các báo cáo của CIA, mà còn có thể tác động đến nội dung và những kết luận trong các báo cáo của CIA về KGB.

Anh có thể thâm nhập vào các cơ sở dữ liệu bí mật, tại đây, ngoài những điều nói trên còn có những thông tin về các điệp viên nhị trùng, có thể đọc được những tệp điện thoại bí mật. Một tác giả người Mỹ đã viết: "đối với KGB thì việc đặt mua tin tức tại một cơ sở dữ liệu bí mật hoàn toàn mới mang tên là "CIA Trực tuyến" cũng chẳng có gì là khó khăn cả".

Tất cả những chi tiết trong hoạt động tác nghiệp của Oldrich Aims với tư cách là điệp viên Xô Viết chắc gì đã được công bố trong một tương lai gần.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Mỹ đã khẳng định rằng Aims có thể đã phá vỡ hàng loạt những chiến dịch lớn của các cơ quan đặc vụ Mỹ chống Liên Xô và nước Nga trong giai đoạn từ 1985 đến cuối 1992. Một trong những điều buộc tội Aims là anh đã "khai báo" hơn mười điệp viên giá trị của CIA.

Những "mất mát" lớn nhất trong số đó là ai?

Là Sergei Motorin, tình báo của KGB, là bí thư thứ ba phòng lãnh sự đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Ông này bị chiêu mộ qua con đường quan hệ với gái điếm, buôn bán và ông đã chuyển cho người Mỹ những tin tức về các cộng sự và tình báo KGB trong đại sứ quán.

Cuối năm 1984, Motorin về Moscva, nửa năm sau Aims tố cáo ông và ông đã bị vô hiệu hoá.

Là Adolf Tolcatrev, cán bộ một viện nghiên cứu tuyệt mật, anh này đã chuyển cho người Mỹ những thông tin về hệ thống "ta - địch". Anh bị mua chuộc ở Moscva "bằng tiền" và cũng vì anh không hài lòng với cương vị công tác. Anh bị xử tử ngày 24-9-1986.

Là Valeri Martưnov, cộng sự của KGB, bí thư thứ ba đại sứ quán Xô Viết ở Washington. Bị mua chuộc bởi cả FBI và CIA. Bị triệu hồi về Moscva, bị ra toà và xử bắn ngày 28-5-1987.

Là Vladimir Potasev, chuyên gia về các vấn đề giải trừ quân bị, đã cung cấp cho CIA nhiều thông tin, khi làm việc tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada. Bị bắt ngày 1-7-1986, bị xử án 13 năm tù. Năm 1992 Elsin ân xá cho Potasev, anh này đã sang Mỹ và sống tại đó.

Là Boris Yuzhin, sĩ quan KGB, làm việc "dưới trướng" hãng thông tấn TASS ở San-Fransisko. Bị mua chuộc năm 1978. Năm 1986 bị bắt ở Moscva, bị kết án 15 năm tù. Năm 1992 được Elsin ân xá và hiện sống ở Mỹ.

Tình báo Liên Xô khiến điệp viên kim cương của CIA chết tức tưởi - Ảnh 2.

Oldrich Aims đã lật tẩy Dmitri Poliacov (trong ảnh) - điệp viên được CIA xem là "viên kim cương thực sự). Nguồn: espionagehistoryarchive

Cuối cùng là Dmitri Poliacov, một trong những điệp viên giá trị nhất của CIA. Tự nguyện liên hệ với người Mỹ năm 1961. Trong nhiều năm, Poliacov đã cung cấp cho CIA những số liệu về tên lửa chiến lược Xô Viết.

Trong thời gian làm việc cho Mỹ, Poliacov đã tố giác 19 tình báo Xô Viết, hơn 150 tình báo là người nước ngoài, gần 1.500 sĩ quan có liên quan đến Cục Tình báo Trung ương, đã trao cho Mỹ bản chụp các tài liệu về bất đồng sâu sắc giữa Trung Quốc và Liên Xô, giúp cho Nixon dàn hoà được quan hệ với Trung Quốc năm 1972.

Năm 1971 Poliakov nhận quân hàm thiếu tướng. Cuối năm 1986 bị bắt, bị tịch thu các thiết bị gián điệp. Đầu năm 1988 bị kết án tử hình. Bản án được thi hành ngày 15-3-1988, việc xử bắn được thông báo chính thức năm 1990.

Theo lời giám đốc CIA James Volsi, trong số các điệp viên Xô Viết được chiêu mộ trong thời kỳ "chiến tranh lạnh" thì Poliacov là "một viên kim cương thật sự".

Bản thân Oldrich Aims, theo nguồn tin của Mỹ, bị phát hiện là vì mức chi tiêu của anh cao hơn nhiều so với nguồn thu nhập chính. Chẳng hạn anh đã mua 3 chiếc xe ô tô "jahuar" v.v...

Anh bị theo dõi từ năm 1990 và bị bắt ngày 21-2-1994. Toà án đưa ra phán quyết ngày 28-4 năm đó. Các tài liệu đều cho thấy rằng anh nhận được của tình báo Xô Viết ít nhất là một triệu rưỡi đô la; nhiều khoản lớn còn nằm trong các tài khoản của anh ở các ngân hàng.

Rosario vợ anh bị kết án sáu mươi ba tháng tù vì tội "không chịu tố giác".

(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "108 Điệp Viên và Điệp vụ Thế giới", Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân năm 2004)

Các vũ khí bí mật của điệp viên thời Chiến tranh Lạnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại