Tình báo Israel truy lùng đồ tể phát xít Đức lẩn trốn sau Thế chiến 2

Trung Hiếu - Thúy Đoan |

Cơ quan tình báo Israel đã tung người đi khắp nơi trên thế giới sau Thế chiến 2 để truy bắt các cựu trùm phát xít Đức gây ra họa diệt chủng Do Thái.

Adolf Eichmann – một kẻ chủ mưu chính trong cuộc diệt chủng người Do Thái Holocaust, đã trốn sang Nam Mỹ sau Thế chiến 2. Cơ quan tình báo Israel quyết tâm lần ra hắn và bắt hắn phải trả giá.

Mật vụ Israel ra tay

“Un momentito, Señor” (có nghĩa là “một lát thôi, thưa ngài”) là cụm từ ngắn ngủi bằng tiếng Tây Ban Nha mà nhân viên tình báo Israel Peter Malkin biết nhưng chính cụm từ này lại giúp thay đổi tiến trình lịch sử liên quan đến việc xử tội các phần tử phát xít Đức phạm tội ác chiến tranh.

Malkin nói ra những từ này với một công nhân bị hói làm cho nhà máy Mercedes-Benz đang trên đường trở về nhà ở Argentina vào ngày 11/5/1960. Khi người công nhân này miễn cưỡng chào viên đặc vụ, Malkin nhanh chóng hành động.

Tình báo Israel truy lùng đồ tể phát xít Đức lẩn trốn sau Thế chiến 2 - Ảnh 1.

Chân dung Eichmann khi là một quan chức trong chế độ phát xít Đức. Ảnh: Getty.

Với sự trợ giúp của 3 nhân viên đặc vụ khác, Malkin quật ngã người đàn ông kia và tống ông ta vào ô tô. Khi xe lao đi, nhóm này trói ông ta lại và trùm kín chăn lên ông ta ngồi ở hàng ghế sau.

Đây không phải là vụ bắt cóc thông thường. Người đàn ông ở hàng ghế sau là một trong những tên tội phạm khét tiếng nhất thế giới: Adolf Eichmann - một quan chức của Đức Quốc xã đã giúp chế độ này thực hiện thảm sát 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến 2.

Trong nhiều năm sau đó, y đã lẩn trốn nhà chức trách và sống tương đối yên bình ở Argentina thuộc Nam Mỹ. Và giờ đây, y đã nằm trong tay cơ quan tình báo đối ngoại Mossad của Israel. Các tội ác bí mật một thời của y sắp sửa được công bố cho thế giới.

Tình báo Israel truy lùng đồ tể phát xít Đức lẩn trốn sau Thế chiến 2 - Ảnh 2.

Chứng minh thư của công dân Argentina Ricardo Klement- vỏ bọc của Eichmann. Ảnh: Tàng thư Bettmann.

Việc bắt giữ, thẩm vấn và xét xử Eichmann là một phần của một trong các chiến dịch mật tham vọng nhất thế giới.

Guy Walters, tác giả cuốn “Hunting Evil: The Nazi War Criminals Who Escaped and the Quest to Bring them to Justice” nói: “Công tác hậu cần phục vụ việc bắt giữ này thật phi thường... Cứ như một kịch bản phim xảy ra trong đời thực. Và việc này đã giúp thế giới thức tỉnh trước cuộc thảm sát Holocaust”.

Quá khứ của đối tượng bị bắt

Khi Eichmann lần đầu gia nhập Đảng Quốc xã Áo vào năm 1932, ít ai có thể dự đoán được gã trong tương lai sẽ trở thành một kẻ thảm sát hàng loạt. Nhưng sau đó y đã trở thành một quan chức hành chính đầy kỹ năng và một kẻ cuồng tín chống Do Thái.

Hắn thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ Đảng Quốc xã. Vào năm 1935, y giúp đảng này vạch ra câu trả lời cho cái gọi là “vấn đề Do Thái” – đây là thuật ngữ mà bọn Quốc xã dùng trong 1 thập kỷ tiếp theo để chỉ cách đối xử người Do Thái ở châu Âu.

Tình báo Israel truy lùng đồ tể phát xít Đức lẩn trốn sau Thế chiến 2 - Ảnh 3.

Ngôi nhà bí mật của Adolf Eichmann ở San Fernando, Argentina vào khoảng năm 1960. Ảnh: Tàng thư Keystone.

Mặc dù sau này hắn tuyên bố mình chỉ là kẻ chấp hành mệnh lệnh, trên thực tế Eichmann đã giúp phát xít Đức giải quyết khâu hậu cần cho việc thảm sát người Do Thái. Y đã dự hội nghị Wannsee – cuộc họp mà tại đó các quan chức cấp cao của Đức Quốc xã điều phối các chi tiết về cái mà chúng gọi là “Giải pháp Cuối cùng” (ám chỉ việc sát hại người Do Thái – ND).

Mặc dù Eichmann không đưa ra quyết định nào tại hội nghị đó, y đã ghi chép về hội nghị và chuẩn bị các dữ liệu được các quan chức phát xít cấp cao sử dụng để ra quyết định chính xác về cách thức diệt chủng cư dân Do Thái của châu Âu. Sau hội nghị, Eichmann giúp triển khai việc diệt chủng, điều phối việc trục xuất và sát hại hàng trăm ngàn người Do Thái ở các khu vực bị Đức Quốc xã chiếm đóng.

Sau Thế chiến 2, nhiều “kiến trúc sư” của thảm sát Holocaust đã bị bắt giữ, xét xử tại tòa án Nuremberg và bị hành quyết. Thế nhưng Eichmann lại thoát khỏi lưới công lý. Sau khi bị người Mỹ bắt vào thời điểm chiến tranh kết thúc, y đã trốn thoát, thay đổi nhân dạng nhiều lần trong quãng thời gian y chu du khắp châu Âu thời hậu chiến.

Ở Italy, y được các tu sĩ và giám mục có cảm tình với chế độ phát xít Đức trợ giúp. Eichmann tới Buenos Aires, Argentina vào năm 1950. Tại đây, y sử dụng một danh tính mới “Ricardo Klement”. Gia đình y đoàn tụ cùng y ở Argentina một thời gian ngắn sau đó, cùng sống một cuộc sống tĩnh lặng. Eichmann cố gắng tự nuôi sống bản thân bằng nhiều nghề khác nhau.

Tình báo Israel truy lùng đồ tể phát xít Đức lẩn trốn sau Thế chiến 2 - Ảnh 4.

Lò thiêu tại trại tập trung Auschwitz. Lò thiêu này dùng để thiêu thi thể những người chết tại trại tập trung này. Ảnh: Corbis.

Thế nhưng Eichmann không phải là gã phát xít duy nhất lẩn trốn sang quốc gia Nam Mỹ. Y cũng không quá úp mở về bí mật quá khứ của mình.

Eichmann duy trì quan hệ xã hội với các kẻ Đức Quốc xã lẩn trốn khác. Y thậm chí còn trả lời phỏng vấn chi tiết của một nhà báo thân Đức Quốc xã, trong đó y phàn nàn rằng mình đã mắc một sai lầm là không giết tất cả những người Do Thái ở châu Âu.

Phát hiện mục tiêu, điều tra và “cất vó”

Tin đồn về hoạt động của Eichmann ở Argentina cuối cùng cũng lan tới Mỹ, châu Âu và Israel. Tình báo Tây Đức và tình báo đã phát hiện ra dấu hiệu về Eichmann nhưng họ không có hành động tiếp theo bởi vì, theo Walters, “người Mỹ không có nhiệm vụ phải săn các phần tử Đức Quốc xã”.

Nhưng có 1 quốc gia mới ra đời rất quan tâm đến việc bắt giữ Eichmann, đó là Israel.

Nhờ vào Lothar Herrmann – một người Do Thái tị nạn bị mù và chạy sang Argentina sau khi bị giam ở Dachau, Israel biết được tung tích của Eichmann và bắt đầu lên kế hoạch bắt giữ y.

Khi Herrmann phát hiện ra Eichmann đang ở Argentina thông qua người con gái của ông là Sylvia (cô này hẹn hò với một trong các con trai của Eichmann), ông đã viết thư cho Đức để cung cấp thông tin này.

Một thẩm phán Đức gốc Do Thái tên là Fritz Bauer đã hỏi thêm chi tiết về vụ này. Với sự trợ giúp của Sylvia, Herrmann đã cung cấp địa chỉ của Eichmann. Đề phòng những phần tử cảm tình với phát xít Đức sẽ cảnh báo cho Eichmann về cuộc điều tra của phía Đức, Bauer bí mật “phím” thông tin này cho cơ quan mật vụ Mossad của Israel.

Để bắt cóc Eichmann, Mossad đã tập hợp một đội “bắt giữ” với thành viên đa số là những người có cả gia đình bị giết hại trong thảm sát Holocaust.

Mục tiêu của nhóm đặc vụ Israel này không chỉ là bắt giữ Eichmann mà còn đưa y về Israel để bắt y phải chịu xét xử công khai về các tội ác của y.

Khi đội này theo dõi Eichmann, họ nhận thấy hành tung của y cực kỳ dễ đoán. Họ quyết định bắt hắn khi hắn đi bộ về nhà sau khi rời khỏi xe bus.

Kế hoạch được dàn dựng kỹ lưỡng để bắt cóc Eichmann vào ngày 11/5/1960 đã suýt bị phá hỏng khi Eichmann không xuống xe bus vào thời điểm dự kiến. Tuy nhiên, nửa tiếng sau Eichmann đã xuất hiện khi rời khỏi một chiếc xe bus đến sau.

Malkin và đồng đội đối diện với Eichmann trên một con phố tối và yên tĩnh. Họ bắt cóc và đưa Eichmann tới một “địa điểm an toàn” ở Buenos Aires, nơi hắn bị thẩm vấn trong vài ngày trước khi bị đánh thuốc mê và đưa lên phi cơ bay về Israel.

Phiên tòa xét xử y sau đó được truyền hình toàn bộ. Phiên xét xử thu hút hàng triệu người xem với phần chứng thực đầy cảm xúc của các nhân chứng về cuộc thảm sát Holocaust. Trong phiên tòa này, Eichmann tiếp tục ra vẻ ngây thơ mà y đã tạo dựng ở Argentina – hình ảnh về một quan chức nhu mì phải tuân theo lệnh của thượng cấp.

Tác giả Walter viết rằng Eichmann là một kẻ sốt sắng phục vụ chế độ Đức Quốc xã và đã nỗ lực giết thật nhiều người Do Thái ở mức có thể. “Ông ta không chỉ là một quan chức thực thi nhiệm vụ đơn thuần”.

Dù đến phút cuối cùng Adolf Eichmann khăng khăng mình không chịu trách nhiệm về thảm sát Holocaust, Adolf Eichmann vẫn bị một tòa án đặc biệt kết tội. Y bị treo cổ vào ngày 31/5/1962.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại