Tình bạn 75 năm đổ vỡ, 2 gia tộc ngành bán dẫn Hàn Quốc trở mặt thành thù vì một quỹ 30 tỷ USD, nghi ngờ người mua Trung Quốc đứng sau thao túng

Băng Băng |

Doanh nghiệp Hàn Quốc sở hữu 12% sản lượng kẽm, 5% chì và 9% bạc trên thế giới bên ngoài Trung Quốc đang trở thành tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.

 - Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay 2 gia tộc thành lập nên Korea Zinc, vốn chuyên cung cấp axit sunfuric nguyên chất được sử dụng để làm sạch các tấm bán dẫn cho Samsung Electronics và SK Hynix (2 nhà sản xuất chip lớn nhất của đất nước) đang trở mặt thành thù chỉ vì một quỹ 30 tỷ USD.

Nói chính xác hơn, 2 gia tộc này đang tranh giành quyền kiểm soát Korea Zinc khi có quan điểm trái chiều về hướng đi cho tập đoàn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành bán dẫn và ô tô của Hàn Quốc.

Xin được nhắc rằng hậu quả của việc giành quyền kiểm soát Korea Zinc là vượt ra ngoài phạm vi Hàn Quốc khi tập đoàn này cùng các đối tác kiểm soát đến 12% sản lượng kẽm, 5% chì và 9% bạc trên toàn thế giới bên ngoài Trung Quốc.

 - Ảnh 3.

Trở mặt thành thù

Korea Zinc vốn tiền thân là Young Poong được thành lập vào năm 1949 bởi 2 người bạn là Chang Byung Hee và Choi Ki Ho. Tuy nhiên vào năm 1974, gia tộc Choi đã thành lập và kiểm soát Korea Zinc còn gia tộc Chang vẫn quản lý Young Poong.

Mặc dù vậy, cả 2 gia tộc đều có cổ phần tương đương nhau tại Korea Zinc. Hiện Chủ tịch Choi Yun Beom và những người ủng hộ kiểm soát 33,99% Korea Zinc còn phía nhà đầu tư tư nhân MBK Partner cùng Young Poong của gia tộc Chang nắm giữ 33,13% cổ phần tính đến ngày 4/9/2024.

Với việc Korea Zinc có thể sản xuất 280.000 tấn axit sunfuric nguyên chất mỗi năm, doanh nghiệp này trở thành một mắt xích cực kỳ quan trọng trong mảng cung ứng chế tạo niken sunfat, một loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho pin xe điện. Ngoài ra đây cũng là nguyên liệu chủ chốt cho ngành bán dẫn của Hàn Quốc.

Trong bối cảnh cơn sốt trí thông minh nhân tạo (AI) bùng nổ khiến ngành chip bán dẫn nóng bỏng hơn bao giờ hết thì tầm quan trọng của Korea Zinc cũng được nâng lên.

Vào giữa tháng 9/2024, MBK và Young Poong của gia tộc Chang đã công bố chào mua cổ phiếu của Korea Zinc. Thông báo này đã khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp tăng lên hơn 30%.

Gia tộc Chang đã nhất trí trao quyền kiểm soát Korea Zinc cho phía MBK và cả 2 đã tăng giá chào mua từ mức 660.000 Won ban đầu lên 750.000 Won, tương đương 752 USD cho mỗi cổ phiếu. Gia tộc Chang có kế hoạch mua đến 3 triệu cổ phiếu, tương đương 14,6% cổ phần vào ngày 6/10/2024 tới đây và sẵn sàng bơm 2,3 nghìn tỷ Won, tương đương 1,8 tỷ USD cho thương vụ này.

Tuy nhiên phía gia tộc Choi lại phản đối việc thâu tóm này khi cho rằng đây là một vụ sáp nhập mang tính "thù địch, săn mồi" của công ty tư nhân. Hiện Korea Zinc đã nộp đơn khiếu nại lên ban điều hành thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

 - Ảnh 4.

Từ trái qua phải: Cố vấn Chang Hyung Jin của gia tộc Chang tại Young Poong, Chủ tịch Michael Byung Ju Kim của MBK, Chủ tịch Choi Yun Beom của gia tộc Choi tại Korea Zinc

Vậy là tình bạn 75 năm giữa gia tộc Choi và Chang đã chính thức đổ vỡ khi con cháu của 2 nhà sáng lập có quyết định khác nhau cho tương lai của Korea Zinc.

Bóng dáng Trung Quốc

Theo các nhà phân tích, gia tộc Chang và MBK đang có lợi thế hơn nhờ lượng tiền mặt dồi dào của mình. Quỹ MBK hiện có hơn 30 tỷ USD tài sản vốn đang quản lý.

"Xét về sức mạnh tài chính của Young Poong và MBK thì không dễ để Korea Zinc có thể phản kháng. Liên minh MBK-Young Poong sẽ mua được lượng cổ phần lớn nhờ chào mua công khai trong khi Korea Zinc có lẽ sẽ chỉ mua được thêm ít cổ phần thông qua các nhà đầu tư có thiện cảm", chuyên gia phân tích Jang Jae Hyeok của Meritz Securities nhận định.

Phó Chủ tịch Korean Zinc là ông Lee Je Joong cho biết công ty đã rất ngạc nhiên trước nỗ lực mua lại của MBK nhưng Chủ tịch Choi, người từng là một luật sư tại New York, đang chuẩn bị dùng quân bài pháp lý để phản công.

"Ông ấy không chỉ là một giám đốc bình thường mà còn là một luật sư. Mọi thứ vẫn đang rất tốt đẹp và rõ ràng là chúng ta sẽ thắng", ông Lee cho biết.

Ngoài ra, Chủ tịch Choi còn được cho là đang đàm phán với những nhà đầu tư trung lập nhằm giành thêm cổ phần.

"Một số thỏa thuận đã được hoàn tất trong khi một số khác còn đang bỏ ngỏ", phát ngôn viên của Korea Zinc nói về nỗ lực của chủ tịch Choi.

Trong khi đó Phó Chủ tịch Lee cho rằng MBK có thể bán công nghệ luyện kim và dây chuyền sản xuất trị giá hàng trăm triệu USD của Korea Zinc cho Trung Quốc nếu họ thành công mua lại công ty.

"Trên quan điểm của nhà đầu cơ thì quyết định bán công ty là hợp lý", ông Lee cho biết khi nhận định rằng người mua Trung Quốc là ứng cử viên chính vì nước này nhập khẩu một nửa lượng kẽm mà Korea Zinc đang sản xuất.

 - Ảnh 6.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Lee, động thái này có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Đáp trả, MBK và Young Poong phủ nhận kế hoạch bán lại Korea Zinc cho nước khác, đồng thời cam kết doanh nghiệp này sẽ vẫn ở lại Hàn Quốc sau khi bị mua lại.

"Korea Zinc sẽ ở lại Hàn Quốc mãi mãi cùng người dân. Tất cả nhân viên và giám đốc điều hành tại đây sẽ giữ nguyên công việc của mình", phía Young Poong đăng tuyên bố trên trang nhất của các tờ nhật báo Hàn Quốc để thanh minh.

*Nguồn: Nikkei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại