Trypanophobia khiến việc khuyến khích các cá nhân tham gia tiêm chủng khó khăn hơn và có thể làm chậm các nỗ lực tiêm chủng mở rộng.
Nhiều năm qua các nhà nghiên cứu đã nỗ lực trong việc tìm ra cách tiêm chủng nhanh hơn và ít đau đớn hơn, và mới đây - Vaxxas, một công ty có trụ sở tại Australia (Úc) - có thể đã tìm ra một giải pháp mà chúng ta mong đợi.
Chúng là những miếng dán vắc-xin. Miếng dán này được cho là có thể giúp tiêm nhanh chóng, hiệu quả và quan trọng nhất là hầu như không gây đau đớn.
Công nghệ này đã rất gần với khả năng thương mại do nhận được hỗ trợ của bang Queensland.
Vậy miếng dán vắc-xin hoạt động ra sao?
Công nghệ miếng dán vắc-xin của Vaxxas được các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland phát triển vào năm 2011 dựa trên các khái niệm "dry-delivery microneedles" (vi kim phân phối khô).
Thay vì một mũi tiêm thông thường, hàng nghìn chiếc kim siêu nhỏ được phủ dung dịch vắc-xin và được đặt trên một tấm nền nhỏ.
Điểm đặc biệt là những chiếc kim đủ nhỏ để bạn không thể nhìn thấy, nhưng chúng cũng đủ khả năng xuyên qua các lớp da phía trên để đưa vắc-xin vào cơ thể.
Cách thức hoạt động của nó như sau, miếng dán này được đặt trên cánh tay của bệnh nhân và chỉ cần y tá chạm vào nó, các kim tiêm sẽ làm việc.
Quá trình này chỉ mất vài giây và bệnh nhân hầu như không cảm thấy gì. Ngoài ra, do các kim tiêm rất nhỏ nên miếng dán cần ít vắc-xin hơn cách tiêm chủng truyền thống.
Vaxxas đã thử nghiệm thành công giải pháp này trên hơn 500 người. Nếu mọi việc suôn sẻ, sản phẩm thương mại có thể được tung ra thị trường trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.