TIN TỐT LÀNH ngày 8/3: Khi cảnh sát cởi áo và hình ảnh khó tin trên cung đường tử thần

Hoàng Xuân |

Trong khi dư luận vẫn rộn ràng về những chi tiết quanh việc dẹp vỉa hè, thì ở một cung đường tử thần thuộc Hải Phòng, bằng hành động, người dân đã chứng minh điều gì là cần thiết.

Khi cộng đồng mạng run rẩy

Một buổi tối cuối tuần cũng ở ngay trước bưu điện Trung tâm Sài Gòn, bạn tôi chạy theo một cậu bé bán hàng rong đang lê lết chiếc chân trái trên vỉa hè lát đá theo những nhóm người đang ngoạn cảnh.  

Định hỏi thông tin về em rồi tìm một nơi nuôi dưỡng, vì một người bạn khác của tôi - luật sư Phạm Công Út, có nhắn dặn, "nếu có ông bà cụ nào neo đơn hay đứa trẻ lang thang nào đáng thương, nhắn cho anh, anh sẽ đón về trang trại ở dưới Đồng Nai, nơi anh đang nuôi dưỡng một số người có hoàn cảnh như vậy".

TIN TỐT LÀNH ngày 8/3: Khi cảnh sát cởi áo và hình ảnh khó tin trên cung đường tử thần - Ảnh 1.

Nhưng một chị cũng bán hàng rong ở đó kéo ngay tay bạn tôi lại: "Im, ngồi xuống đây chị nói nghe. Thằng bé đó bị chăn đấy, kia, thằng chủ nó ở bên kia kìa.

Em giúp nó, nó cũng chẳng ở được đâu, chủ nó lại bắt về thôi. Chúng nó có đường dây cả, bọn chị biết hết, cũng thương lắm mà không làm được gì".

Chúng tôi bần thần cả người. Nhìn theo chiếc bóng khập khiễng của chú bé lẫn vào dòng người thảnh thơi tản bộ ngắm phố, trong lòng dậy lên chua xót và bất lực.

Vì đã lạnh lòng

Cũng ở khu vực này, có lần một chú bé mới chừng bốn tuổi bụ bẫm đến muốn ôm ngay, thơm một cái vào má, đã gần nửa đêm vẩn lẫm chẫm đi đến mời chúng tôi mua kẹo cao su.

"Ba mẹ con đâu?"- tôi hỏi. Bé chỉ về một người đàn ông ngồi vắt vẻo trên xe máy cách đó một đoạn và một người phụ nữ cũng đang lúi húi bán gì đó, ở phía ngược lại.

Những đứa bé theo cha mẹ kiếm sống là chuyện không hề mới lạ gì ở khu vực trái tim của Sài Gòn đông đúc này, nơi mà du khách nước ngoài đổ xuống hàng trăm người hàng ngày.

Và dù không có người ăn mày nào được phép lai vãng nơi đây, nhưng một đôi má bầu bĩnh lem luốc dưới đôi mắt tròn xoe của một đứa trẻ dễ dàng khiến người ta móc ví ra mua thứ hàng gì đó cho mẹ chúng, dù chẳng biết mua để làm gì.

Nhiều trường hợp không phải cha mẹ mà là những đầu trò chăn dắt như chị hàng rong cảnh báo chúng tôi, như nhiều lần báo chí đã vạch mặt.

Cho nên người Sài Gòn vốn đã quá quen với những lớp diễn công phu dùng trẻ con làm mồi câu, trái tim luôn cố ướp lạnh để giữ sự tỉnh táo bỗng run lên trước một hành động đáng yêu đến chảy nước mắt của một em bé lầm than.

Công án thiền của sự tỉnh giác

Con không ghen tị gì với các bạn cùng tuổi, tròn trịa, trắng nõn, tươi mởn, mặc những bộ đồng phục đẹp đẽ và được dẫn đi chơi. Con không có chút mặc cảm nào mang tên "dưới hai màu áo".

Con chỉ hồn nhiên nhặt những đôi giày dép các bạn bỏ hỗn độn, xếp vào gọn đều tăm tắp, như con từng được cô giáo dạy trước khi phải nghỉ học vì mẹ con quá nghèo.

Xách đôi giày trên tay, đứng ngoài rìa tấm bạt trên đó các bạn đang vui đùa càng nổi bật sự trái ngược đến mức trông các bạn kia như một đám ông bà chủ tí hon, còn con nom như một kẻ hầu hạ nhỏ tuổi.

Nhưng không, con làm việc xếp giày dép như một trò chơi thích thú của riêng con, mà sự ngăn nắp khó ngờ ở lứa tuổi ấy giục con làm, hồn nhiên, trong vắt, thế thôi.

Người lớn sẽ tự ti, sẽ ghen tị, sẽ mặc cảm biết bao nhiêu, và dứt khoát sẽ không ai làm điều tương tự khi họ ở hoàn cảnh như con, còn con, con chỉ toét miệng cười tươi rói và làm việc mình cho là nên làm.

Bức ảnh chụp con đã mang trọn trong nó một công án thiền về sự tỉnh giác.

TIN TỐT LÀNH ngày 8/3: Khi cảnh sát cởi áo và hình ảnh khó tin trên cung đường tử thần - Ảnh 2.

Con tinh khôi như một thiên thần rơi xuống cõi trần, làm ngỡ ngàng vô vàn đôi mắt mỏi mệt và nghi ngờ. Trái tim thành phố run lên, vì con. (đọc tin chính)

"Giả sử tìm được trường và địa điểm phù hợp thì anh hỗ trợ hoàn toàn. Ngoài ra quần áo giày dép sách vở, xe bus cũng hỗ trợ luôn, nói chung là hỗ trợ trọn gói.

Tốt nhất nên chọn trường có cung cấp những dịch vụ đó vì mẹ bé làm công nhân vất vả không phải lúc nào cũng đón bé đúng giờ được đâu. Hoặc nếu cần bán trú, nội trú anh hỗ trợ luôn".

Sáng qua, một đồng nghiệp của chúng tôi trong Trí thức trẻ nhận được lời giục giã như trên từ một doanh nhân, bên cạnh rất nhiều lời giục giã khác.

Nhưng anh cũng không có cơ hội được hỗ trợ, vì có quá nhiều người muốn giúp đỡ mẹ con bé.

Chỉ trong 48 tiếng, mẹ bé đã có việc làm ổn định và sáng nay, khi bạn đọc những dòng chữ này thì bé đã trở lại trường học (đọc tin chính) 

Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim. Câu chuyện của Thành Đạt là một minh chứng cho việc trái tim thành phố này chưa bao giờ nguội lạnh.

Hình ảnh khó tin trên cung đường tử thần

Trong khi dư luận vẫn cãi nhau rộn ràng về những chi tiết quanh việc dẹp vỉa hè, người bảo phải thượng tôn pháp luật, người bảo phải du di cho dân nghèo, thì ở một cung đường tử thần thuộc Hải Phòng, bằng hành động, người dân đã chứng minh điều gì là cần thiết. (đọc tin chính)

Tôi ngỡ ngàng khi nhìn tấm ảnh này.

Trên cung đường Hà Nội - Hải Phòng nhiều năm trước, chúng tôi đang chạy xe từ từ để ngắm cảnh thì vun vút, những tay đua tử thần trẻ măng bịt khăn tang trắng trên đầu, rạp mình trên xe lao qua như bão. 

Bác tài xế hết hồn bảo, bọn đua tháo phanh đấy (tháo hết phanh xe ra để đua, tự bịt khăn tang cho chính mình khẳng định đã chơi thì không sợ chết), rồi ngay lập tức rà xe dừng lại ở ven đường chờ chúng qua hết.

Thật oái oăm, đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi khi lần đầu trở về nơi sinh ra sau nhiều năm.

Tự hào thay, giờ thì tôi có thể quên ký ức ấy và đi share clip trên khoe khắp nơi, nhất là với người dân thủ đô Hà Nội. Mời bà con nhìn đi và học tập, người Hải Phòng chúng tôi giao thông đẹp như thế đấy.

Một tỷ đồng đáng giá bao nhiêu?

Bạn hãy hỏi cô gái này (đọc tin chính)Nhưng có lẽ cô ấy cũng sẽ không có câu trả lời cho bạn. Cũng như em bé ve chai Thành Đạt chỉ nói vì cô giáo dạy con phải biết sắp xếp đồ đạc ngăn nắp.

Đó là kết quả của sự giáo dục và tự giáo dục không mảy may tơ hào đến những gì không phải của mình.

Người nhân viên ngân hàng này đã dạy một bài học trị giá ngàn vạn tỷ đồng khắc cốt cho những người đang cầm trên tay chiếc bút Thạch Sanh, cứ ký một cái thì nồi gạo lại đầy.

Khi anh cảnh sát cởi áo

Trên diễn đàn otofun, một hình ảnh đẹp khác được cộng đồng ghi lại (đọc tin chính)

Chùm ảnh này lại khiến tôi nhớ đến bức ảnh anh CSGT ở Bắc Ninh cách đây vài năm. Có lẽ đang đi làm về, anh chìa chiếc gậy điều khiển giao thông ra đùa với con mèo ở ven đường.

Bức ảnh này đã lan tỏa như sóng trên mạng xã hội với lời bình "Ai cũng có những bình yên của riêng mình. Và bình yên có sức lan tỏa khủng khiếp...".

Vâng, bình yên có sức lan tỏa khủng khiếp. Bạn hãy lan tỏa những thông tin tốt lành này trong buối sáng nay để mang lại bình yên cho chính mình và người khác nhé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại