Bố mẹ sẽ không còn phải xót con mình khi đi vệ sinh ở trường?
Nếu bạn sống ở Hà Nội, bạn đã từng phải đau đầu chọn trường cho con mình, một ngôi trường công có chất lượng, nhưng lại gần nhà?
Bạn đã từng phải lái xe xuyên qua thành phố mỗi giờ cao điểm để đưa đón con đi học? Bạn đã từng xót xa bởi con mình phải nhịn đi vệ sinh bởi chất lượng nhà vệ sinh ở trường không đảm bảo?
Những nỗi lo âu ấy có thể sẽ nhanh chóng mất đi nhờ những động thái tích cực từ phía chính quyền thành phố.
Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở giáo dục & đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát quy hoạch các cơ sở giáo dục, gửi báo cáo trước ngày 20/3/2017.
Theo đó, UBND thành phố giao cho Sở Giáo dục đào tạo, Sở kế hoạch đầu tư tham mưu, đề xuất xây dựng thêm trường lớp đảm bảo các địa bàn trên thành phố đều phải có đủ trường lớp đạt chuẩn, 100% trường công lập được chuẩn hóa nhà vệ sinh, các khu đô thị, khu chung cư đều phải xây dựng trường học…
Thực trạng thiếu trường lớp, hệ thống trường công đạt chuẩn được phân bổ không đồng đều tại các địa bàn khác nhau là một trong những nguyên nhân chính tạo nên những hệ lụy tiêu cực như tình trạng chạy trường của phụ huynh, rồi việc đưa đón con đi học xa gián tiếp làm tăng áp lực giao thông, tốn kém thời gian, và nguồn lực xã hội.
Việc thành phố yêu cầu rà soát khẩn quy hoạch giáo dục toàn thành phố cho thấy quyết tâm xử lý dứt điểm những vấn đề kể trên. Vì thế, tôi tin rằng tin tức này thực sự tốt lành giúp người dân thành phố có thể lạc quan hơn với việc học tập của con em mình.
Một trong những tâm tư hàng đầu của đại đa số người dân Hà Nội đã có câu trả lời. (đọc tin chính)
Từ 10/3 tới đây 9 sở ngành và 30 quận huyện, thị xã sẽ làm việc sáng thứ 7. Ảnh: Xuân Thành.
Lót tay và cò mồi sẽ giảm?
Chất lượng sống của người dân Hà Nội đang có những tín hiệu được cải thiện tích cực ở nhiều mặt. Bên cạnh câu chuyện trường lớp cho trẻ em, thì từ 10/3 tới đây 9 sở ngành và 30 quận huyện, thị xã sẽ làm việc sáng thứ 7 để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Như vậy, để giải quyết thủ tục hành chính, nhiều người dân Hà Nội sẽ có thể thực hiện vào sáng thứ bảy và không ảnh hưởng tới công việc của bản thân.
Nỗ lực huy động lực lượng giải quyết thủ tục hành chính vào sáng thứ bảy của Hà Nội chắc chắn sẽ tạo ra những tác động tích cực về lâu dài.
Khi người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính mà không bị áp lực về thời gian, thói quen lót tay, nạn cò thủ tục sẽ giảm bớt, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ giải quyết thủ tục cũng vì thế mà giảm bớt. (đọc tin chính)
Tuyệt tình cốc và cô gái tên Đoàn Thị Hương
Nếu như câu chuyện trường học và thủ tục hành chính của người dân Thủ đô là sự hồi đáp của chính quyền Hà Nội về những lo âu bức xúc đã tồn tại quá lâu, thì câu chuyện thành phố Hải Phòng đóng cửa Tuyệt tình cốc, và việc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia triển khai các biện pháp bảo trợ công dân Đoàn Thị Hương lại là những tiếng vọng tức thời đối với những vấn đề xã hội vừa mới phát sinh.
Cái hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá vôi ở Thủy Nguyên, Hải Phòng bỗng trở thành tâm điểm của dư luận khi xuất hiện những bức ảnh nhảm nhí của hai cô gái trẻ.
Thông thường, những chuyện như thế chỉ ồn ào mấy hôm, với vài ba tiếng nói của các nhà đạo đức, thẩm mỹ…
Lần này khác, chính quyền Thành phố đã nhanh chóng tìm hiểu câu chuyện và phát hiện ra khía cạnh an toàn để ban hành lệnh cấm đối với Tuyệt tình cốc.
Lệnh cấm này, dù có thể sẽ gây ra những ý kiến tranh luận khác nhau, song, cái cách mà thành phố Hải Phòng hành động trước một sự kiện vốn chỉ được đề cập như một chuyện thị phi lại cho thấy một tính hiệu lạc quan khác.
Đó là thói quen lắng nghe, nắm bắt phát hiện vấn đề của cơ quan chức năng trước những điều được phản ánh từ tiếng nói của người dân, dù đó chỉ là một chuyện nhỏ.
Một thói quen mới đang dần được hình thành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, lắng nghe tâm trạng xã hội để sớm có những hành động đáp ứng kịp thời.
Quyết định chủ động phòng tránh nguy cơ mất an toàn ở một cái hồ nước được ban hành nhanh chóng khi phát sinh những thị phi xung quanh một bộ ảnh khiêu dâm được chụp tại hồ nước đó.
Phản ứng tức thời từ một vấn đề mới phát sinh, đó là một thói quen cần thiết đối với những đơn vị trong bộ máy công quyền, bởi cuộc sống đang trở nên đa dạng, phức tạp hơn, với những vấn đề vốn không có tiền lệ.
Một chuyện chưa có tiền lệ quan trọng hơn đã xảy ra trong tuần qua, đó là việc bảo hộ công dân khi vướng vào những vấn đề pháp lý bên ngoài biên giới.
Đoàn Thị Hương, nữ công dân Việt Nam đang đối mặt với cáo buộc giết người tại Malaysia. Các biện pháp bảo hộ quyền công dân trong trường hợp như của Đoàn Thị Hương chưa từng đặt triển khai, dù Hương không phải người đầu tiên đối mặt với những bản án ngoài biên giới.
Tuy nhiên, trước những tiếng nói trái chiều của người dân trên mạng xã hội, về vụ việc này, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo hộ.
Sự kiện này thực sự tốt lành, bởi nó đã tạo ra một tiền lệ, một thói quen để bất cứ người dân Việt Nam nào cũng không còn bị bỏ rơi ở đất khách quê người. (đọc tin chính)
Quá trình hội nhập sẽ còn tạo ra thêm nhiều tình huống đầu tiên trong tương lai, khi mà ngày càng có nhiều người Việt ra nước ngoài mưu sinh, và có nguy cơ vướng vào các vấn đề pháp lý ở nước sở tại.
Đoàn Thị Hương có thoát nạn hay không là một câu chuyện không dễ kết luận. Song, từ giờ trở đi, những người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ không còn bị cảm thấy cô độc.