Những ngôi nhà bán trú đặc biệt của trẻ em vùng cao
Tôi nhớ một lần sau trận lụt lịch sử 1999, tôi mang quà của báo đến tặng người dân Quảng Ngãi.
Ngồi thuyền ngược dòng sông Vệ chảy êm đềm lên miền thượng du, ngước nhìn những rặng tre gầy cao ngất hai bên bờ sông, kinh hoàng tôi thấy những mảnh áo quần rách tươm vẫn còn phất phơ trên ngọn.
Hàng chục mét nước đã dâng ngập tràn bờ, hung hãn cuốn phăng những gì trên đường đi của nó.
Đêm ấy tôi ngủ lại nhà của các cô giáo của trường tiểu học xã. Gọi là nhà nhưng nó chỉ là gian phòng thưng bằng tre nứa mỏng manh. Ban đêm, các cô giáo xách nước vào cái chái nhỏ dùng làm bếp, tắm rửa luôn ở đó cho 'ấm". "Ấm" thấu xương.
Dòng suối vốn rất hiền hòa khi chúng tôi lội qua chiều hôm đó, chỉ sau vài giờ mưa đã biến dạng thành con sông hung dữ. Người lớn nếu lỡ đường chỉ có cách ngủ lại bên này suối, chờ nước rút mới tìm cách lội qua.
Học chữ, ở những vùng rừng núi như thế này, thực sự là một hành trình vật lộn với vô vàn gian nan, không ít khi là vật lộn bằng cả sinh mạng.
Nên hình ảnh một ngôi nhà bằng container vững chắc, có quạt ngày hè, có chăn nệm ấm mùa đông do doanh nghiệp tài trợ cho 200 em bé học sinh nghèo trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trà Lãnh, huyện Tây Trà, khiến tôi bất chợt rưng rưng.
Từ nay, cái lạnh cắt da cắt thịt vùng núi không còn dịp làm cóng những đôi tay bé bỏng đang nắn nót nét chữ đầu tiên nữa.
Những kết nối yêu thương như vậy có sức mạnh hơn ngàn khẩu hiệu. (đọc tin chính).
Những chiếc nhà được cải tạo từ thùng container đang trở thành nơi sinh hoạt của gần 200 em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Lãnh. Ảnh: Đắc Thành.
Chuyện ông Bí thư Thành ủy Tây Ninh chơi face
Ở thành thị, tôi đọc được một kết nối rất hiện đại khác khiến người dân ấm lòng: quyết định lập trang facebook cá nhân của bí thư thành ủy Tây Ninh, ông Trần Hữu Hậu. Trên trang này, ông Hậu trực tiếp tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, bức xúc của người dân.
Cách đây ba năm, một bí thư khác-bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Vĩnh Tân từng nói với báo chí: "Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện sẽ phải học cười, học cách hiểu và đồng cảm với dân (...), phải thay đổi ứng xử từ thực hiện mệnh lệnh hành chính sang hành chính phục vụ dân".
Lắng nghe, đồng cảm, hiểu, tươi cười và thấu suốt tinh thần phục vụ, những hô hào đó cần được bắt đầu bằng những hành động cụ thể như lập một trang facebook và thực sự hoạt động trên đó, "không sợ hiểu lầm là đánh bóng bản thân hay bị sa vào những điều lặt vặt mà người dân phản ánh", như ông Hậu đang làm một cách giản dị. (đọc tin chính).
Trang facebook cá nhân của ông Trần Hữu hậu.
Bác sĩ hiến máu mình cho bệnh nhân đang cấp cứu
Những trao đi chân thành sẽ luôn nhận lại đền đáp chân thành. Hai ngày quan trọng trong tháng hai này-ngày lễ tình yêu Valentine và ngày Thầy thuốc Việt Nam đều là để người ta nhắc nhớ đến tình yêu thương vĩ đại đối với con người.
Và tôi nhìn thấy, hôm qua, trong ngày tình yêu 14/2, bác sĩ Phan Anh Hoàng Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và nhân viên Phạm Ngọc Diệu ở phòng Tổ chức Hành chính trực tiếp hiến máu mình cho hai bệnh nhân cấp cứu, góp phần kịp thời cứu sống họ.
Bác sĩ Hoàng đang hiến hiến máu cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: Suckhoe&doisong.vn.
Tôi nhìn thấy một bức thư ấm áp vụng về viết bằng những con chữ nguệch ngoạc của một người bị tai nạn lao động gửi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM cảm ơn các bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện đã hết lòng hết sức chữa chạy cho anh.
Tôi nhìn thấy tình yêu thương với con người của những tà áo blouse trắng đã gọi nảy mầm những yêu thương khác, tiếp nối, đáp đền.
Những đáp đền thường là luôn vượt khỏi hình dung của người đi gieo hạt. (đọc tin chính).
Bác sĩ Rafi Kot.
Một bác sĩ "điên" muốn mua tất cả heo Móng Cái
"Để tôi kể về chuyến khám bệnh ở Quảng Bình cách đây không lâu. Tôi thấy trẻ em ở đây có mái tóc màu nâu cà phê, tôi biết chúng thiếu sắt. Mà thiếu sắt thì chúng cần ăn thịt nhiều hơn, hoặc vì cơ thể chúng có nhiều giun. Tôi có thể làm gì? Mang sắt đến hằng tuần cho chúng?
Hay tôi đi mua nhiều thịt heo để nấu cho những đứa trẻ này ăn? Thế là tôi rao lên rằng: "Ai có heo Móng Cái, hãy gặp một bác sĩ điên muốn mua tất cả heo Móng Cái". Tôi đã mua tặng 400 con heo nhỏ cho những người ở đây, hướng dẫn họ cách nuôi chúng mau lớn.
Một năm sau, tôi gặp một trong những người lính tại đó, anh này hỏi: "Ông có biết ông đã làm gì không?", và khoe với tôi rằng vùng Quảng Bình giờ có rất nhiều heo Móng Cái.
Giờ tóc lũ nhóc đã ngả màu đen, còn bố mẹ chúng sang bên Lào bán heo và lấy tiền, điều mà trước kia họ không biết."
Bạn vừa đọc câu chuyện của bác sĩ Rafi Kot, chủ đầu tư của hệ thống khám chữa bệnh mang tên Phòng khám gia đình (FMP-Family Medical Practice), có 7 chi nhánh khắp Việt Nam.
Bác sĩ Rafi Kot rời đất nước Israel đến Việt Nam vào năm 1985 theo một dự án xây dựng trạm xá tại tỉnh Quảng Bình, do một tổ chức phi chính phủ của Đức tài trợ.
Năm 1994, khi chính phủ Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống y tế tư nhân, ông khai trương phòng khám FMP đầu tiên tại TP HCM.
54 tuổi, bác sĩ Rafi Kot đã trải qua 26 năm ở Việt Nam và thực hiện đều đặn những công trình từ thiện chuyên sâu, bền vững cho người dân nhiều tỉnh vùng núi Việt Nam.
"Bạn thấy đấy, nhiều khi tiền không phải là tất cả"-kết thúc câu chuyện trên, bác sĩ Kot nói như vậy với nhà báo.
Và tôi cũng xin mượn câu nói trên của ông để mở ra những tin tốt lành mới, cho tất cả chúng ta, hôm nay.