TIN TỐT LÀNH 9/3: Mở cửa thị trường 500 triệu dân, gấp rút làm rõ một thương vụ nghìn tỷ

Hoàng Anh Tú |

Việc 11 nước hôm qua đã ký hiệp định CPTPP thay thế hiệp định TPP và việc Tổng Bí Thư cùng Ban Bí Thư chỉ đạo xử lý thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG mới thực là hot trong lòng người dân.

1. 11 nước ký hiệp định CPTPP & Tổng Bí Thư cùng Ban Bí Thư chỉ đạo xử lý thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG

TPP đã từng là niềm hy vọng rất lớn của không chỉ riêng Việt Nam vì nó sẽ trở thành đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt với việc xuất khẩu của ta.

Việc ông Donald Trump vừa nhậm chức đã rút Mỹ ra khỏi TPP khiến hiệp định này suýt "ngỏm củ tỏi". Việc mất đi thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất trong "khối TPP" những tưởng sẽ làm nản lòng 11 nước còn lại, may thay, CPTPP ra đời.

Hôm qua, tại Chi Lê, hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết. CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 quốc gia với gần 500 triệu dân, đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

Các quốc gia hiện tại của CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

TIN TỐT LÀNH 9/3: Mở cửa thị trường 500 triệu dân, gấp rút làm rõ một thương vụ nghìn tỷ - Ảnh 1.

Việc hiệp định CPTPP được ký kết thông qua, dù không "hoành tráng" được như TPP thì cũng đủ trở thành một Tin Tốt Lành cho không chỉ doanh nghiệp Việt mà còn cho cả người tiêu dùng.

Một viễn cảnh Việt Nam bớt đi phụ thuộc vào hàng hoá Trung Quốc cũng là điều mà tôi và bạn bè trông đợi. CPTPP được ký kết, chúng ta bắt đầu đón nhận những Tin Tốt Lành trong một tương lai gần.

Hôm qua, cũng một Tin Tốt Lành nữa khiến người dân nức lòng là việc Văn phòng Trung ương Đảng có công văn về việc xử lý vụ Tổng Công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí thư.

Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

2. Hà Nội, Thanh Hoá, TP HCM đón nhiều Tin Tốt Lành

Thanh Hoá mở đường dây tiếp nhận thông tin từ dư luận.

Đường dây nóng này sẽ giúp tỉnh uỷ mở rộng "tai mắt" để nắm biết những việc làm tốt, không tốt, vi phạm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vị thế, uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị; các biểu hiện diễn biến về tư tưởng, văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp.

Các thông tin được tiếp nhận qua tổng đài sẽ được ghi âm đầy đủ, lưu trữ vào phần mềm chuyên dụng và được giữ bí mật tuyệt đối. Người cung cấp thông tin được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, địa chỉ. (đọc tin chính).

Thật hy vọng đường dây nóng này không phải là việc làm hình thức vì trong năm qua, Thanh Hoá cũng là một trong những địa phương xảy ra nhiều chuyện khuất tất như nổi bật nhất là vụ "nâng đỡ không trong sáng".

Hiện ở Hà Nội còn tới 37 điểm ùn tắc giao thông, như: Phía bắc cầu Chương Dương, đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, đường Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; khu vực đường vành đai 3 trên cao xuống nút giao Pháp Vân - Giải Phóng; ngã tư Cầu Giấy (tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội)...

Một cam kết từ Phó Giám Đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn rằng Hà Nội sẽ có nhiều giải pháp để xoá bỏ các điểm ùn tắc không để xảy ra ùn tắc quá 30 phút. (đọc tin chính)

Bên cạnh giao thông, về môi trường, Hà Nội cũng đón nhận một tin vui khi 130 hồ nước sẽ được làm sạch bằng chế phẩm Redoxy- 3C.

Ngày 6/3, tại Hội nghị sơ kết một năm thử nghiệm chế phẩm Redoxy – 3C để xử lý hồ nước ô nhiễm, lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, gần 90 hồ nội thành và 44 hồ ngoại thành đã không còn mùi khó chịu, hết ô nhiễm hữu cơ.

TIN TỐT LÀNH 9/3: Mở cửa thị trường 500 triệu dân, gấp rút làm rõ một thương vụ nghìn tỷ - Ảnh 2.

Ảnh: Gia đình & Xã hội

"Công nghệ xử lý nước hồ bằng chế phẩm này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái thuỷ sinh, trong khi đó hàm lượng chất hữu cơ sau xử lý có xu hướng tăng lên", lãnh đạo Công ty nói.

Tuy nhiên, Công ty thoát nước cho biết 44 hồ được "giải cứu" bằng chế phẩm có tình trạng tái ô nhiễm vì không đươc vận hành theo quy trình đã khuyến cáo; hồ vẫn tiếp nhận các nguồn ô nhiễm thải ra.

Công ty đã xin ý kiến lãnh đạo thành phố để trong năm 2018 có kinh phí tiếp tục dùng chế phẩm Redoxy – 3C làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm và hơn 100 hồ khác ở nội, ngoại thành.

Ngoài ra, công ty này cũng đề nghị thành phố lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ tại cửa cống xả vào các hồ nước; xây dựng quy chế quản lý nước hồ sau xử lý; đẩy mạnh công tác quản lý cấp phép xả thải vào hồ; bổ sung các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng.

Đánh giá việc sử dụng chế phẩm trên, GS.TS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam cho rằng, "hiệu quả là điều ai cũng có thể nhìn thấy và cảm nhận được, nhưng vấn đề quan trọng là vận hành nó thành một quy trình công nghệ hiện đại, thân thiện".

Tại TP HCM, bộ 22 tiêu chí sống hiện đại sắp được ban hành. Bộ tiêu chí tập trung 6 nhóm nội dung, trong đó "sống nghĩa tình" được cho là thể hiện cốt cách, tinh thần nghĩa hiệp của người dân.

Bộ tiêu chí do Viện nghiên cứu phát triển TP HCM vừa hoàn thành dự thảo. Từ những nội dung có tính nguyên tắc này, thành phố sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch trọng điểm.

Đơn vị nghiên cứu khái quát 25 tiêu chí trong 6 nhóm nội dung. Mục tiêu quan trọng nhất là tập trung phục vụ tốt cho cuộc sống người dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp; xây dựng con người TP HCM nhân hậu, nghĩa tình.

Các tiêu chí cũng hướng đến phương châm phát triển vì cộng đồng, tạo sự đồng thuận để người dân cùng chính quyền chung sức xây dựng, phát triển thành phố.

Ở nhóm Chính trị và quản lý Nhà nước, Viện nghiên cứu đưa vào các tiêu chí như: xây dựng chính quyền kiến tạo; cải cách hành chính; nâng hiệu quả quan hệ hợp tác hữu nghị...

Trong lĩnh vực Kinh tế tiêu chí được đặt ra là: tăng trưởng bền vững; cơ cấu hiện đại; phát huy nguồn lực từ người dân; hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo...

Những quy tắc để xây dựng nền Văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc là xây dựng lối sống văn minh đô thị; tạo lập nhiều không gian văn hóa; giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; phát triển thông tin và truyền thông hướng đến đô thị thông minh.

Về Y tế và Giáo dục, thành phố cần xây dựng trung tâm chất lượng cao, hiện đại hóa cơ sở vật chất. TP HCM cũng hướng đến bảo vệ tốt môi trường; quản lý chặt chẽ quy hoạch, xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật...

Theo Viện nghiên cứu, nhóm nội dung về Nghĩa tình là một trong những yếu tố quan trọng thành phố hướng đến. Thành phố sẽ chú trọng xây dựng chính sách xã hội tốt hơn như giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội, giúp đồng bào gặp rủi ro, thiên tai.

"Tinh thần nghĩa hiệp của người dân sẽ được phát huy mọi lúc, mọi nơi. Điều này xuất phát từ đặc trưng tính cách thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn, mang đậm tính nhân văn, sắc thái và cốt cách của con người TP HCM - một thành phố ở Nam Bộ", Viện nghiên cứu đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại