1. Mỗi người Việt hãy gọi 111 khi phát hiện trẻ bị bạo hành
Tôi chưa kịp báo tin tốt lành đến cho độc giả của mình rằng chính thức chúng ta đã có tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em với đầu số 111 thì cùng lúc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức khai trương đầu số thì ngay giữa trung tâm Hà Nội, lại một vụ bạo hành dã man nữa xảy ra.
Lại thêm một ông bố đẻ cùng mẹ kế bạo hành con trong suốt 2 năm qua. Đứa trẻ 10 tuổi dành dụm được 5.000 đồng chạy ra thuê xe ôm để trốn bố mình. Người lái xe ôm cho thêm 2.000 đồng và đèo ra bến xe bus để bé tìm tới nhà ông bà.
Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 được mở ra khi mà mỗi năm có đến hơn 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo hành - xâm hại (chỉ là con số ghi nhận được - con số thực tế có thể lớn hơn nhiều đến rất nhiều).
Khi mà liên tiếp trong những ngày qua, như thể "chào mừng" tháng hành động vì trẻ em, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em được đưa ra ánh sáng. Đến mức Chủ tịch nước cũng phải xót xa và phẫn nộ. Cả Chính phủ cũng phải vào cuộc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 6h sáng "đột nhập" kiểm tra một số trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư nhân tại phường Long Bình và Long Bình Tân, TP Biên Hoà. Đây là 2 phường đông công nhân nhất ở Đồng Nai (đọc tin chính).
Cả mạng xã hội đỏ rực icon phẫn nộ. Người ta truy ra trang Facebook của người mẹ kế và thi nhau vào comment những lời cay nghiệt nhất.
Chưa hết, mẹ ruột của bé gái bị cha ruột và mẹ kế gí sắt nung vào người cũng như mẹ ruột của bé trai 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập phải chạy trốn cũng trở thành đối tượng bị lên án.
Mạng xã hội như "lên đồng" trước những vụ bạo hành bị phát hiện ra này. Nhưng…
Nhưng đám đông phẫn nộ kia ơi! Phản ứng phẫn nộ là điều tốt vì nhờ thế những kẻ đang bạo hành trẻ em trong bóng tối, chưa bị phát hiện, sẽ chùn tay mà sợ hãi. Tốt đấy, cơ mà chưa lành. Tốt đấy, cơ mà chẳng đẹp.
Chúng ta đang dùng bạo lực để lên án bạo lực. Những lời rủa xả bắn đầy trên mạng xã hội, những lời lẽ đầy mùi bạo lực chúng ta nói ra lũ trẻ con đọc được sẽ nghĩ gì và học được gì từ chính chúng ta - những người lớn đang nhân danh việc tiêu diệt cái xấu bằng những ngôn từ xấu xí???
Nó thật chẳng khác gì những ông bố - bà mẹ văng tục chửi bậy trước mặt con cái mà ta vẫn gặp đầy rẫy trong những quán cà phê cả.
Thế nên cũng làm sao trách cứ được trước cổng trường của kể cả những ngôi trường luôn hô hào: Nơi tinh hoa hội tụ - lũ trẻ con vẫn văng tục chửi bậy? Là chúng ta chứ không phải ai khác đang tạo ra lý do - nguồn cơn - năng lượng xấu vào lũ trẻ.
Nhưng đám đông phẫn nộ kia ơi! Tổng đài 111 đã mở rồi. Bạn sẽ gọi đến đó khi phát hiện ra trường hợp trẻ em nào đó bị bạo hành chứ??? Đừng làm bác xe ôm tử tế cho thêm hẳn 2.000 đồng để bé trai 10 tuổi kia đi xe bus.
Đừng làm những ông bà bất ngờ khi thấy cháu trốn đến tìm sau 2 năm trời đằng đẵng bị bạo hành mà không hề hay biết. Mọi lý do, mọi giải thích đều chỉ khiến người nghe đắng đót, đớn đau.
Đừng trả lời kiểu ông Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu khi bà Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm gay gắt hỏi: "Chỉ nói về quy trình mà không nói trách nhiệm là không được.
Đề nghị chủ tịch quận 12 nói về trách nhiệm của mình khi để xảy ra vụ bạo hành và giải pháp sắp tới".
Ông Hiếu nói như "cái máy": "Tới đây chúng tôi đề nghị phòng giáo dục và 11 phường tổng hợp kết quả thanh tra về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn giáo viên, công khai cho phụ huynh tham khảo chọn lựa, lắp camera các trường cho phụ huynh giám sát, chỉ đạo Hội phụ nữ quận và phường thường xuyên giám sát…".
Nói như bà Tâm: "Trách nhiệm của mình như thế nào, lâu lâu lại có một vụ bạo hành trẻ xảy ra rất dã man và đau lòng. Phải có cách nào chứ không thể để như thế này, HĐND phường xã cũng tái lập rồi.
Nhưng khi xảy ra không nói được trách nhiệm của mình như thế nào là không ổn?".
Trong những ngày qua, khi tôi bắt tay vào cuốn sách "Con yêu, Bố Mẹ luôn ở đây" với nội dung giúp cha mẹ - thầy cô nhận biết về bạo hành - nhận diện các dấu hiệu trẻ bị bạo hành và cùng con lên phương án đối phó - chiến đấu chống lại kẻ bạo hành, tôi có lên mạng tìm kiếm tư liệu, nhưng tuyệt nhiên chỉ thấy người ta chia sẻ với nhau chuyện chỗ này bạo hành chỗ nọ bạo hành.
Vài bài báo chia sẻ những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành (cũng sơ lược). Nhưng tuyệt nhiên, giải pháp nào cho trẻ bị bạo hành hay những bài báo giúp cha mẹ có con bị bạo hành nên làm gì thì quá ít và quá thiếu.
Các chuyên gia nói đi nói lại những điều vĩ mô như nâng cao dân trí - lấp khoảng trống luật pháp - đẩy lùi bạo lực gia đình….
Tôi tự hỏi rằng nếu con bạn bị bạo hành, bạn sẽ làm thế nào hay theo cách "giang hồ" kéo đến tận trường đánh cho "con mụ" ác ôn ấy một trận???
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã mở rồi! Thật lòng tôi mong trong lòng mỗi người dân Việt đều có một tổng đài như vậy hoặc chí ít - hãy chia sẻ tổng đài đó cho bất cứ một đứa trẻ nào để chúng không phải thuê xe ôm - nhảy xe bus đi tìm nơi trú ẩn an toàn như bé trai 10 tuổi hồi hôm nữa!
2. Chắt chiu những lấp lánh giữa một "bầu trời vần vũ" bạo hành trẻ em
Hôm nay đã lại tới một cuối tuần nữa rồi! Thật khó để trông đợi Tin Tốt Lành nào đủ sức xua đi đám mây đen vần vũ từ những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Nhưng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm chút lấp lánh nhỏ nhoi những mong dịu nhẹ lòng bạn đọc.
Là chút lấp lánh từ sự quyết liệt của Đà Nẵng khi ông Nguyễn Nho Trung - Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị biểu quyết luôn về văn hoá xin lỗi nhân dân, đưa việc bắt buộc phải xin lỗi nhân dân nếu như lãnh đạo nào, cơ quan nào bị cử tri kiến nghị đến lần thứ 2 mà vẫn chưa giải quyết được.
Là chút lấp lánh từ sự quyết liệt của Chủ tịch Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung khi ông gay gắt nói về chất lượng đá lát vỉa hè và quyết định dừng toàn bộ việc lát đá vỉa hè ở Hà Nội để thanh tra và sẽ xử lý nghiêm (đọc tin chính).
Là chút lấp lánh từ sự quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi bà gay gắt trước trường hợp một bệnh nhân ở Cần Thơ. Bà nói: "Tôi rất chia sẻ, những bệnh nhân bị bệnh nặng, bị tai nạn giao thông vào là phải cấp cứu ngay.
Lương tâm người thầy thuốc là phải cấp cứu ngay chứ không phải là nộp viện phí chưa. Hộ khẩu nếu không phải ở Cần Thơ thì chưa làm nhanh, tôi nói cái đó là bất nhân. Đó không phải là lương tâm người thầy thuốc.
Đã có bệnh nhân cấp cứu, bệnh nặng, bị tai nạn giao thông nặng là chúng ta phải giải quyết ngay. Có nhiều trường hợp người nhà rất lo sợ vì tính mạng người nhà của mình nhưng bệnh viện cứ bảo "đi nộp viện phí đi", thật vô cảm!...
Tôi sẽ chuyển ý kiến này cho Bộ Y tế". Bà cũng đề nghị Cần Thơ làm trước, đừng đợi Bộ Y tế chỉ đạo.
"Cần có một chỉ thị, nghị quyết của HĐND, của Thành ủy của UBND chỉ đạo các cơ sở y tế khi dân bệnh nặng, bị tai nạn giao thông đến là phải cấp cứu kịp thời, chữa trị kịp thời.
Không được lấy bất cứ một lý do, thủ tục hành chính nào mà làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân, để ảnh hưởng tới thương tật và sinh mạng của người ta". (đọc tin chính)
3. Người Việt lạc quan nhất thế giới và tôi thấy ít nhất 4 cụ U80 như thế!
Và cuối cùng, xin chia sẻ cùng bạn đọc kết quả khảo sát của Pew Research Center vừa công bố: 88% người Việt cho rằng cuộc sống hiện nay của họ tốt hơn so với 50 năm trước.
Với kết quả này, Việt Nam dẫn đầu và trở thành quốc gia có số người lạc quan nhiều nhất trên thế giới.
Hy vọng bạn đọc của tôi cũng nằm trong số 88% người Việt ấy.
Hoặc ít nhất tôi đã thấy những người Việt lạc quan và hạnh phúc hơn chính họ 50 năm về trước như trường hợp cụ bà Lê Thị Thịnh 80 tuổi và cụ ông Hoàng Văn Hoằng 70 tuổi diễn viên chính trong MV "Em gái Mưa" phiên bản U80 (đọc tin chính).
Và 2 cụ nữa ở Nghệ An cũng đã U80 mà "quẩy" còn hơn tụi trẻ- trong đám cưới cháu mình (đọc tin chính).