TIN TỐT LÀNH 7/2: Thiên nga buồn. Hồ Gươm buồn. GS buồn. Nhà văn buồn và bài học tốt "sao phải hỏi dân?"

Bùi Hải |

Những chú thiên nga xinh đẹp chắc chắn sẽ không hiểu vì sao chúng bị nhiều người buộc rời khỏi hồ Gươm…

12 con thiên nga chưa ấm chỗ ở mặt hồ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, đã phải di cư sang hồ khác.

Điều lạ là: Tại sao một ý định tốt làm đẹp hồ Gươm lại khiến tất cả những người có liên quan trực tiếp và gián tiếp, đều buồn phiền?

  Tôi tin là những con thiên nga kia cũng biết buồn khi chúng bị quây lưới và chuyển đi trong đêm.

 Người tặng thiên nga "không vì yếu tố vụ lợi", đã thở dài: "Tôi rất buồn và có lẽ đầu hàng dư luận thôi". (đọc tin chính)

Nhà rùa học, GS Hà Đình Đức buồn phiền vì không được hỏi ý kiến.

GS sinh học Nguyễn Lân Dũng phải kêu lên "rất đáng tiếc" khi thiên nga bị chuyển đi. (đọc tin chính)

GS sử học Lê Văn Lan không đồng tình với những người không thích thiên Nga ở hồ Gươm bằng luận điểm: Đừng lấy rùa hồ Gươm ra để phản đối thiên nga. (đọc tin chính)

Sở Văn hóa cũng buồn vì không được báo cáo, xin ý kiến.

Rất nhiều người khác buồn cho rằng vì thiên nga - loài vật phương Tây không phù hợp nét cổ kính phương Đông – nhất là ở một nơi mà dấu ấn của cụ rùa còn quá đậm nét.

Nếu biết buồn, thì tôi tin hồ Gươm cũng buồn, vì nó không muốn được nhắc tới trong sự chia rẽ dư luận như vậy.

Tại sao một loài vật xinh đẹp, đáng yêu, quý phái, nguồn cảm hứng cho kiệt tác Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky, lại không được nhiều người nghênh đón ở một mặt hồ dịu dàng, thơ mộng như hồ Hoàn Kiếm?

Tại sao loài vật là biểu tượng cho tình yêu lại không thể sống chung hòa bình với rùa, kể cả khi cụ rùa biểu tượng còn sống? (cũng như lúc xưa, rùa vẫn sống cùng bao loài khác trong hồ).

Trả lời được câu hỏi này sẽ là một mách bảo tốt lành cho tất cả những nhà làm chính sách, những người muốn hành động vì cộng đồng.

TIN TỐT LÀNH 7/2: Thiên nga buồn. Hồ Gươm buồn. GS buồn. Nhà văn buồn và bài học tốt sao phải hỏi dân? - Ảnh 1.

Lỗi không ở thiên nga. Lỗi ở quy trình và thái độ.

Vụ triệt hạ cây xanh ở Hà Nội mấy năm trước đã không nóng đến tột cùng, nếu một nhân vật của thành phố không phát ngôn "sao phải hỏi dân".

Sau phát ngôn ấy, tâm lý tiếc cây đã chuyển hóa thành tâm lý phẫn nộ khi "đầy tớ" không thèm hỏi ý kiến ông chủ.

Nhiều người phản đối thiên nga, chẳng phải vì thiên nga không hợp, mà vì "dư luận đã bị đặt vào tình thế đã rồi". Vì một nơi như Hồ Gươm không có chỗ cho những hành xử "tùy tiện" như lời nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Nhiều người khác lên tiếng, vì họ nghĩ đến một điều sâu xa hơn: Một nơi quan trọng như hồ Gươm, hôm nay người ta có thể tùy tiện thả thiên nga mà không hỏi - không xin ý kiến, thì biết đâu ngày mai họ có thể tùy tiện làm những thứ khác còn tệ hại hơn.

Kết quả thăm dò của một tờ báo: Có đến 10.000 người ủng hộ thiên nga và chỉ có 4.000 người phản đối. Đó là cuộc thăm dò trong tình thế "dư luận bị đánh úp".

Nếu hành trình của 12 con thiên nga xinh đẹp được đi qua một cuộc dọn đường dư luận của các chuyên gia, nhà khoa học và được trưng cầu ý kiến trên các phương tiện truyền thông, thì có lẽ kết quả thăm dò kia đã khác và chúng không bị xua đuổi như thế.

Khi ấy, du khách đến hồ Gươm, dù không còn cụ rùa, cũng sẽ được chiêm ngưỡng vũ điệu của tình yêu đen và trắng.

 Khi ấy, những nhà hảo tâm mới không bị ném đá và không đầu hàng trên hành trình đóng góp cho cộng đồng.

Khi ấy, những nhà quản lý đã đưa ra sáng kiến, còn được tôn vinh vì làm đẹp cho thành phố.

Nếu quy trình sai, "kẻ" đáng thương nhất không phải 12 chú thiên nga đến từ châu Âu xa xôi, mà chính là hàng triệu người chưa kịp sửng sốt khi thấy thiên nga xuất hiện đã lại sửng sốt khi chúng bị lùa đi trong "tấm lưới dư luận" chia rẽ.

Vì thế tôi tin rằng: 12 con thiên nga sẽ giúp chúng ta, thêm một lần nữa nhận ra bài học về cách hành xử với dân. Đó chính là tín hiệu rất tốt phía sau nỗi buồn những ngày cuối năm này của các GS, nhà văn, nhà quản lý và dân chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại