1. Hai nhà kinh tế Việt Nam vừa lên đỉnh và đòn chặn "cả họ làm quan"
Hai cái tên nhà kinh tế Việt Nam vừa được xướng lên trong top 5% những nhà kinh tế hàng đầu nhân loại trong tổng số 55.000 nhà kinh tế được xếp hạng. (đọc tin chính)
Khi tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng vừa thành lập, đọc những cái tên cùng thành tựu của họ, chúng ta nhận ra một điều rất rõ ràng: Việt Nam không thiếu nhân tài.
Cái chúng ta thiếu là cơ chế sử dụng hiệu quả nhân tài.
Theo một thống kê đăng trên Báo điện tử Đảng cộng sản cuối năm 2016, 40 năm qua, Việt Nam có 228 lượt thí sinh đi tham gia Olympic Toán quốc tế, đoạt 52 Huy chương Vàng, 94 Huy chương Bạc và 67 Huy chương Đồng, 4 Bằng danh dự và 1 giải Đặc biệt (chưa tính cơn mưa HCV mà đội tuyển Toán và vật lý vừa giành được trong tháng 7/2017).
Nhưng không nhiều những người này ở lại đất nước. Họ thành danh, rạng rỡ ở nước ngoài.
13 nhà vô địch chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" được nhận học bổng đi du học, 12 người không trở về. 70% số du học sinh sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc ở nước ngoài chứ không về nước.
Nhiều người ra đi, nhiều người chọn ở lại nơi xa xứ, không hẳn chỉ vì môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, xã hội nhiều vấn đề về an ninh trật tự.
Họ đi vì thấy hiện tượng cả họ làm quan không còn là chuyện hiếm. Người tài, vốn không thích luồn cúi, chạy chọt sẽ luôn luôn thiếu chỗ ở những nơi chỉ có thể thăng tiến bằng quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ.
Họ cũng đi khi thấy ở đâu đó quá nhiều ghế nhưng lại thiếu người làm. Chính vì vậy khi đọc được tin Hà Nội trảm nhiều cái ghế, không ít người thấy thật sự nhẹ nhõm. (đọc tin chính)
Một tin tốt lành lớn hơn cũng vừa xuất hiện. Có thể nói đó là "chốt chặn" quan trọng để ngăn ngừa tình trạng cả họ làm quan, trục lợi cơ chế và trục lợi vị trí.
Vẫn biết từ văn bản đến thực tế là con đường nhiều chông gai, nhưng ít nhất đây là một khởi đầu tốt. (đọc tin chính)
2. Thông tin khiến vợ cười, chồng mếu
Tôi đã cân nhắc rất kỹ trước khi chọn tin này vì nó rất tốt cho những bà vợ, nhưng lại có vẻ "phản lại" các ông chồng. Thôi thì xin các đáng nam nhi lượng thứ, vì người viết cũng đồng cảnh ngộ phận đàn ông.(đọc tin chính)
Quả thực, khi tôi đem đề tài ấy đặt hàng một facebooker "ngàn like" và một nhà văn "nhiều ngàn follow", thì liền nhận được hai ý kiến "đối đầu" nhau nảy lửa như Flores và Huỳnh Tuấn Kiệt. (đọc tin chính) (đọc tin chính)
Nụ cười đắc thắng của các bà vợ và gương mặt mếu máo của các ông chồng, nhắc tôi giới thiệu thêm ba thông tin tốt lành có cả cười và khóc.
Tin thứ nhất là nụ cười xen lẫn tiếng thở dài khi được nhìn "bảng kê chi tiêu" rất lạ của hai vợ chồng công nhân vất vả. Mừng vì với thu nhập eo hẹp ấy, họ vẫn biết cách vun vén để có mái nhà, nhưng thở dài vì ngày mai của họ vẫn bấp bênh như người kém mắt leo cầu khỉ. (đọc tin chính)
Tin thứ hai là nụ cười 10 năm mới nở một lần trên môi một cô gái kỳ lạ. Nếu chúng ta chỉ nhìn bề ngoài mà vội vàng chém gió, phán xử, thì chúng ta rất dễ giày xéo lên nỗi đau khổ của người khác. (đọc tin chính)
Tin thứ ba là tiếng khóc trong đêm vắng của người đàn ông U60 Nghệ An suốt chuỗi ngày dài ông sợ tình yêu của đời mình rời bỏ. Tiếng khóc thương yêu ấy, đã góp phần mang lại nụ cười mãn nguyện của cặp uyên ương không còn trẻ. (đọc tin chính)
Sau khi đọc xong hai tin tốt này, Quý vị hẳn sẽ thấy: Nếu mỗi ngày chúng ta không cười vài chục lần với người yêu, với vợ, với con, với bạn bè, với sếp, với nhân viên, chúng ta đã tự tay ném vào sọt rác thứ vũ khí lợi hại nhất mà mình có.
Đây, Mark Twain nói, chứ tôi không nói: "Không gì đứng vững được trước sự công phá của tiếng cười".
3. "Thành phố đáng sống nhất của nhân tài" và chuyện cái thùng rác
Quay lại chuyện sử dụng nhân tài và Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới, công việc chính của họ đang làm rất bộn bề, nhưng chắc chắn họ sẽ đóng góp đáng kể cho đất nước. Vì họ được trân trọng và tin tưởng.
Việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế, là một bước hiện thực hóa điều mà ách đây ít lâu, Thủ tướng đã trăn trở: "Nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng", "tìm người tài, không tìm người nhà".
Nếu cơ chế trọng dụng đúng, thì bìa rừng góc núi cũng xuất hiện người tài giúp nước. Còn cơ chế sai, thì ngay giữa đô thị, có đốt đuốc đi tìm, người tài cũng lặn không sủi tăm. (đọc tin chính)
Cho nên phải nhắc lại, bó đuốc hiệu quả nhất để soi tìm nhân tài, chính là cơ chế. Đà Nẵng vừa thắp lên một ngọn đuốc cơ chế như thế. Người tài có thể sẽ được Thành phố hỗ trợ mức kinh phí lên tới 280 lần mức lương cơ sở, để yên tâm học tập, làm việc lâu dài. (đọc tin chính)
Môi trường tốt, cảnh quan đẹp, người dân hiền hòa, giá tiêu dùng rẻ…đã biến Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống nhất của người dân.
Nhưng để biến nơi này thành thành phố đáng sống nhất của nhân tài, còn cần nhiều thứ nữa ngoài đãi ngộ vật chất.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến 50 cái thùng rác thông minh ở Đà Nẵng khiến du khách trầm trồ, ai cũng muốn chụp ảnh cùng. (đọc tin chính)
Một thứ bị xem là "vô tri, thấp kém" như thùng rác mà được đặt đúng vị trí, được trân trọng, được kỳ vọng…thì vẫn có khả năng phát huy hiệu quả tuyệt vời, phải không Quý độc giả?!