18 tháng tù treo - đó là mức án mà Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dành cho kẻ bị cáo buộc dâm ô với trẻ nhỏ - bị cáo Nguyễn Khắc Thủy.
Công luận, người dân đã rất giận dữ, thất vọng với kết quả này. Nhiều người đã ví, bản án nhẹ hều này như một cú "vỗ mông" vào công lý. Nó chẳng mang lại sự răn đe cần thiết nào đối với tội phạm.
Theo bản án của Tòa án Nhân dân Bà Rịa Vũng Tàu, tất cả những cáo buộc tại phiên tòa sơ thẩm được "bỏ xó" và thay vào đó là những lời biện hộ để bị cáo ung dung ra về.
18 tháng tù treo không thể là mức án đích đáng để trừng phạt kẻ dâm ô trẻ nhỏ. (đọc tin chính)
Nhiều nhân chứng nói họ đã bắt tận tay, day tận trán hành vi dâm ô của ông Thủy. Một người ngoại quốc còn viết đơn tố cáo đích danh Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ nhỏ.
Những người này đều thấy bất an và lo lắng khi người mà họ tố cáo không bị trừng phạt nghiêm khắc, không bị cách ly với những đứa trẻ.
Sau phiên tòa này, những kẻ mang dòng máu tà dâm khác đã hiểu, luật pháp rất khó để khép tội những hành vi dâm ô với trẻ em.
Các quan tòa dù có niềm tin nội tâm rất mạnh về tội trạng của bị báo nhưng nếu không đủ bằng chứng trong tay, họ không thể kết án.
Trọng chứng hơn trọng cung, suy đoán vô tội là những nguyên tắc quan trọng và cần thiết của luật pháp. Tôi không tin rằng, vì một vụ việc này mà xóa bỏ nguyên tắc thì mọi sự sẽ tốt hơn lên.
Chúng ta hãy rà lại vụ án của diễn viên hài Minh Béo. Tại Việt Nam, Minh từ lâu đã trở thành một cái tên gây ám ảnh với nhiều diễn viên nam trẻ tuổi. Nhưng không ai tố cáo và buộc tội được anh ta.
Khi Minh béo sang Mỹ, anh ta lại tiếp tục giở những thủ đoạn bỉ ổi của mình để thỏa mãn thú tính. Và ở đây, tại một quốc gia với những cách thức vận dụng luật pháp cực linh hoạt và quyết liệt để bảo vệ trẻ em của họ, Minh đã bị tóm và lôi ra vành móng ngựa.
Cảnh sát Mỹ có những cách thức hiệu quả để đối phó với những kẻ như Minh. Ngay sau khi nhận được lời tố cáo của một vũ công nam nhỏ tuổi, cơ quan chức trách của Mỹ đã giăng ra một "cái bẫy" để bắt con yêu râu xanh hiện nguyên hình.
Theo đó, cảnh sát chìm giả dạng "con mồi" để bắt chuyện với Minh. Họ thực hiện biện pháp này vì có lý do để tin Minh đã làm điều phạm pháp. Vấn đề còn lại là củng cố chứng cứ để khép tội được Minh. (đọc tin chính)
Rõ ràng, qua vụ của Minh béo và qua cách thức hành xử của cảnh sát Mỹ, chúng ta thấy rằng, tội phạm kiểu như của Minh béo hoàn toàn có thể bị tóm gọn chứ không phải vô phương truy cứu.
Cốt yếu nhất vẫn ở cách vận dụng và thực thi luật pháp.
Trở lại với vụ án Nguyễn Khắc Thủy, tuy thất vọng vì bản án của tòa phúc thẩm nhưng có những "điểm sáng" để chúng ta giữ niềm tin.
Thứ nhất, nếu tòa án đưa ra bản án thực sự vì không có đủ các bằng chứng kết tội, thì dù sao đó cũng là công bằng (xin nhớ, công bằng, chứ chưa hẳn là công lý).
Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta, không ai muốn một tòa án xét xử không cần bằng chứng.
Thứ hai, dư luận xã hội vẫn quan tâm, vẫn hy vọng vào cơ quan chức năng sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn để đưa kẻ tà dâm ra ánh sáng pháp luật chứ họ không buông bỏ, không đóng cửa và thở dài.
Bằng chứng là đã có nhiều nơi lên tiếng, kiến nghị phải xem xét lại toàn bộ bản án. Đó hẳn nhiên là điều tích cực của xã hội mà chúng ta cần ghi nhận.
Một khi luật pháp, bị hạn chế bởi những nguyên tắc, chưa thể trừng phạt tội phạm, thì công luận có thể là "chiếc roi" với sức mạnh răn đe nhất định.
Thứ ba, qua vụ án này, người dân sẽ có thêm những thông tin, kiến thức để hình dung rõ hơn về thủ đoạn, hành vi của những kẻ biến thái.
Nếu phát hiện, nghi ngờ một kẻ biến thái nào đó, họ sẽ phải chọn những cách đấu tranh với các chứng cứ thuyết phục hơn. Một chiếc camera giấu kín, một chiếc địa thoại bí mật ghi hình… là những bằng chứng giúp tội phạm không thể chối cãi.
Thêm vào nữa, cơ quan chức năng cũng buộc phải tìm ra phương án, biện pháp tối ưu nhất để khuất phục tội phạm. Nếu không muốn "bó tay" ở những cuộc chiến pháp lý tương tự, cơ quan hành pháp cần "nâng cấp" nghiệp vụ của mình để có thể thắng thuyệt phục hơn, giúp người dân giữ vững niềm tin vào công lý. Đó là điều chúng ta nên tin tưởng và hy vọng.
Thêm một tin tốt chúng tôi muốn chuyển tới các bạn, đó là chưa bao giờ, chưa khi nào, vấn nạn quấy rối tình dục tại nước ta được quan tâm như trong những ngày này.
Sự kiện rocker Anh Khoa gạ tình, có lời nói, cử chỉ thô tục với những người khác giới đang được đem ra mổ xẻ tới tận cùng.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình- phụ nữ và trẻ em vị thành niên, người đã thực hiện cuộc phỏng vấn với rocker Anh Khoa đã viết trên trang cá nhân của mình như sau: "Chia sẻ với các bạn là Việt Nam còn chưa có khái niệm quấy rối tình dục trong bất cứ luật nào.
Và chúng ta đang trong quá trình sửa đổi luật lao động, mà nó nhất thiết nên có khái niệm này. Chúc mừng các bạn vì các bạn đã làm nên điều kỳ diệu. Chắc chắn sự căm phẫn của toàn dân sẽ có tác động đến việc sửa đổi luật. Cảm ơn mọi người đã căm phẫn thật lòng và đã chửi thật tích cực. Luật chắc sẽ phải có định nghĩa và hình phạt rõ ràng thôi." (Đọc tin chính)
Vâng, có lẽ bà Vân Anh đã nói đúng, sau vụ việc của Anh Khoa, chắc chắn những người làm luật sẽ chú ý đến cụm từ "quấy rối tình dục" khi xây dựng, hoàn thiện những điều luật mới. Và song song với đó, hàng triệu đàn ông Việt Nam trong công sở, trong showbiz hay trong các khu dân cư sẽ phải chú ý thay đổi hành vi của mình.
Họ sẽ không được thoải mãi vỗ mông ai đó, nói những lời thô tục như "khám phá cơ thể em trong ý nghĩ". Rõ ràng, qua vụ việc của Anh Khoa, phụ nữ sẽ yên tâm hơn khi đi làm, đi chơi.