Cô giáo phạt học viên 100 nghìn đồng bị phạt lại 5 triệu đồng
"Cô giáo" Nguyễn Thị Kim Tuyến đã chính thức bị cấm dạy với việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tại trung tâm Anh ngữ MST, đóng cửa và giải thể toàn bộ các cơ sở.
Ngoài ra, cá nhân bà này bị phạt 5 triệu đồng, trung tâm bị phạt 20 triệu đồng. Đây là một bài học nhớ đời nữa cho việc phát ngôn mất kiểm soát sau những "cô giáo cung Bọ Cạp" và thầy giáo đùa quá lố Daniel Hauer.
Một cái kết có thể gọi là thành công từ việc cộng đồng mạng lên tiếng kịp thời. Sẽ không có ai, không có cái gì khuất tất và xấu xí giấu được trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Dẫu đó là con đường dát kim cương 12.000 tỷ hay một trung tâm Anh ngữ bé xíu khuất sau ngõ sâu ít người qua lại như trung tâm MST English.
Dẫu đó là một uỷ viên Bộ Chính trị hay chỉ là một người có bằng Kế toán đi dạy tiếng Anh.
Dẫu sự việc có thể chỉ là một clip ngắn mà bà Tuyến phân trần là được quay từ hơn 1 năm trước giờ mới tung lên với ý đồ triệt hạ trung tâm của bà.
Tất thảy và tất cả đều sẽ bị lộ sáng trước hàng triệu cặp mắt, hàng triệu bàn tay đặt sẵn trên phím. Lắng nghe mạng xã hội hẳn sẽ phải là một năng lực mới nữa mà cán bộ công chức và các "đầy tớ" của dân cần phải học thêm.
Hãy biết lắng nghe dư luận để thấu cảm khi đưa ra bất cứ một chính sách mới nào. Như cách Ngân hàng Nhà nước vừa ra quyết định dừng việc tăng phí rút tiền tại các cây ATM mà dư luận phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Dù cho quyết định ấy có không sai so với các quy định nhưng nếu để dư luận phản ứng thì có nghĩa là các anh đã vô cảm khi đưa ra quyết định.
Phải nhận được sự đồng thuận mà muốn vậy thì phải biết lắng nghe và thấu cảm để mối quyết định đưa ra dư luận thấy hợp tình hợp lý. Không thể để việc ngân hàng thi nhau khoe lãi khủng mà sau đó lại kêu khổ đòi thu phí thẻ của khách hàng. (đọc tin chính)
Mỗi năm lãng phí ngân sách 5 tỷ USD và câu chuyện nóng về cải cách tiền lương
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh thống kê: Mỗi năm Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi, xử lý vi phạm 2 tỷ USD, thanh tra kiến nghị thu hồi tới 3 tỷ USD.
Như vậy tổng cộng là 5 tỷ USD ngân sách mỗi năm đang bị dùng sai mục đích trong khi ngân sách quốc gia chỉ có khoảng 50 tỷ USD.
Ông Thanh cho rằng người đứng đầu phải có văn hoá từ chức nếu kết luận kiểm toán chỉ ra vi phạm nghiêm trọng ở đơn vị đó. (đọc tin chính)
Thậm chí ông Thanh còn cho rằng cần phải bãi bỏ cả hệ thống thanh tra cấp huyện vì gần chục người ở đó "không làm được việc gì đáng kể".
Nghe thật giống Tổng thống Trump khi ông tweet việc 60 nhà ngoại giao Mỹ ở Nga bị Tổng thống Putin đuổi về nước, rằng: Thật đỡ tốn lương cho những kẻ không làm được trò gì ra hồn.
Câu chuyện 5 tỷ USD mỗi năm bị chi sai mục đích là một con số lớn với một người nhưng là rất nhỏ với cả triệu người đang hưởng ngân sách nhà nước.
Bởi chỉ cần ngồi chơi xơi nước mà vẫn nhận lương rồi kêu lương bèo bọt thì con số ấy hẳn là không ít.
Không cần lôi chuyện người ta tham nhũng hàng trăm tỷ, ngàn tỷ cũng không cần nói đến những sai phạm trăm tỷ, ngàn tỷ mà những người đứng đầu đang phải trả giá đắt bằng vòng lao lý thậm chí tử hình.
Chỉ cần nói đến sự lãng phí thôi cũng đã đủ đánh kiệt quệ ngân sách Nhà nước rồi.
Trong một buổi trà dư tửu hậu với một người bạn đang là giáo viên dạy Toán cho các con tôi, anh kể: Hồi mình làm kỹ sư nhà nước mình thấy việc tham nhũng, đục khoét, ăn hối lộ là kinh nhưng làm rồi mới biết thứ đáng sợ hơn cả tham nhũng là việc làm cho xong.
Vì là tiền nhà nước nên làm cái gì cũng xông xênh thoải mái. Thay vì chỉ cần dùng dây cỡ 10 là đủ tải, các kỹ sư cứ tương dây cỡ 100 vì "tiền chùa" mà.
Tổng dự toán lên tới vài ngàn tỷ trong khi giá trị thực của nó chỉ đến 100 tỷ nếu như các kỹ sư chịu dùng kiến thức của họ tiết kiệm khi lên dự toán.
Anh kết luận: Nhiều nơi trong các cơ quan nhà nước vẫn đang khoét 2 lỗ cho chó và cho mèo bất kể chó mèo chúng chui qua cùng một lỗ được.
5 tỷ USD chi sai hẳn mới chỉ là tính ở những thứ nhìn thấy được kiểu lỗ cho mèo bé hơn sao dự toán lại bằng làm lỗ cho chó.
Một khi cải cách tiền lương, áp dụng KPI và nhiều chỉ số tham chiếu, đánh giá hẳn sẽ lộ ra nhiều vị cán bộ dùng thời gian ở công sở… bán hàng online, lên mạng xã hội chém gió cho hết giờ là về.
Nói như ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội thì: Có hai cách, một là chú ý tăng nguồn thu, hai là giảm tiếp biên chế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tách riêng khu vực sự nghiệp như giáo dục, y tế, nhà nước chỉ bao cấp một phần, còn để các đơn vị tự chủ. Bác sĩ thì để cho người bệnh trả lương, giáo viên thì để người học trả lương.
Nhà nước thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế... Điều quan trọng nhất là phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Hiện bộ máy của chúng ta trùng quá nhiều.
Nhiều cơ quan cùng làm một nhiệm vụ, dẫm chân lên nhau, không hiệu quả mà lại tốn tiền ngân sách. Nếu tinh giản được 10% biên chế thì sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể để tăng lương.
Ngoài ra, cần giao quyền cho người đứng đầu cơ quan tiết kiệm nguồn kinh phí được cấp để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Những câu chuyện ấm lòng cuối tuần
Một hình ảnh đẹp từ một người vô gia cư bỏ tiền vào thùng quyên góp giữa chợ Đồng Xuân hẳn sẽ ấm lòng mọi người khi xem. (đọc tin chính)
Hay hình ảnh một 9X đạp xe xuyên Việt quyên góp tiền cho người nghèo cũng thế! (đọc tin chính)
Rồi câu chuyện một tài xế đi tìm người đánh rơi ví cũng khiến mạng xã hội lan toả đi rất nhiều niềm tin vào sự tử tế của con người với nhau. (đọc tin chính)
Cuối cùng là câu chuyện một ngư dân từ chối 5 triệu đồng mà thương lái đặt mua để tặng lại con cá mặt trăng quý hiếm cho bảo tàng.
5 triệu với người nghèo lớn lắm nhưng có hề chi khi ta có một tấm lòng lớn hơn, một ao ước, khát vọng lớn hơn. (đọc tin chính)
Một cuối tuần đủ để thôi thở dài với tiền bạc khi đọc những câu chuyện về đồng tiền bóp méo quy hoạch, vì đồng tiền hất người nghèo đi. Để đọc những câu chuyện về những đồng tiền mà không bạc bẽo như thế này, đúng không?