Tín hiệu Nga về sự hiện diện tại Venezuela

An Bình |

Sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phần nào khiến quan hệ Nga – Mỹ thêm căng thẳng, theo tờ Nhật báo Phố Wall WSJ.

Nga cho biết đã luân chuyển một nhóm các chuyên gia vũ khí ở Venezuela và nhấn mạnh rằng họ không có ý định tăng cường sự hiện diện quân sự ở quốc gia Mỹ Latinh này.

Lực lượng quân sự Nga rút dần?

Ngay trước khi diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ bên lề G20, Đại sứ quán Nga tại Venezuela cho biết, một nhóm đào tạo và kỹ thuật viên đang được đưa về nước.

Thông tin này được đưa ra sau khi một thứ trưởng ngoại giao Nga cho biết một phân đội khác đã đến Venezuela vào đầu tuần để hỗ trợ phục vụ các thiết bị quân sự Nga mà Venezuela đang sở hữu.

"Công việc có kế hoạch đang diễn ra; không có yếu tố tăng cường sự hiện diện của chúng tôi ở đó", hãng thông tấn RIA Nga trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Sergei Ryabkov. "Nói một cách rõ hơn, đây không phải là một sự hiện diện mà là hoàn thành các dịch vụ theo hợp đồng hiện tại".

Sự ủng hộ của Moscow đối với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro là một yếu tố gây thêm phần căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ khi Washington công nhận và ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaidó là người đứng đầu nhà nước hợp pháp của Venezuela.

Hồi tháng 3, theo thông tin từ Nga, một máy bay chở khách chở theo 99 chuyên gia quân sự Nga đã hạ cánh ở Venezuela. Động thái này khiến ông Trump phải ra cảnh báo Nga rằng hãy đưa lực lượng rời khỏi đất nước này.

Tín hiệu Nga về sự hiện diện tại Venezuela - Ảnh 2.

Máy bay Nga tại Venezuela. (Nguồn: AFP/Getty)

Các quân nhân Nga đi cùng với một máy bay chở hàng Antonov An-124 chở 35 tấn khí tài quân sự. WSJ không thể được xác định có bao nhiêu người Nga đã rút hoặc bao nhiêu người còn ở lại.

Nga chưa bao giờ xây dựng một cơ sở quân sự ở Venezuela. Đó chỉ là đang bảo vệ một người bạn trung thành, và bây giờ mối nguy hiểm đối với ông ấy dường như đã qua, Fyodor Lukyanov, người đứng đầu một cơ quan tham vấn chính sách đối ngoại và quốc phòng của Điện Kremlin nói.

Nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Moscow, Rostec, cũng đã giảm bớt sự hiện diện của mình tại Venezuela, khi chính phủ của ông Maduro đã không thể trả tiền cho các hợp đồng quốc phòng hay việc kí kết mới.

Một ngày sau khi WSJ đăng tin về sự rút lui của Rostec, ông Trump đã viết trên Twitter rằng, Nga nói họ đã rút "hầu hết công dân của họ khỏi Venezuela".

Rối rắm Nga – Mỹ và yếu tố Venezuela

Theo WSJ, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã cáo buộc Nga ủng hộ ông Maduro trong bối cảnh diễn ra khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela. Trong khi đó, việc ông Trump ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập tại nước này cũng là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông để có thể đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực Nam Mỹ và Caribbean.

Gặp nhau hôm thứ 6 tại Osaka, Nhật Bản, bên lề thượng đỉnh G20, ông Putin và ông Trump đã phần nào có những cử chỉ tích cực với nhau. Sau những diễn biến trước đó, mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Moscow đã dành cho chính quyền Venezuela sự ủng hộ ngoại giao tại Liên hợp quốc. Nước này cũng đang hỗ trợ các cuộc đàm phán do Na Uy làm trung gian giữa chính phủ của ông Maduro và phe đối lập do ông Guaidó dẫn đầu.

Moscow hiện cho biết những cuộc đối thoại đó là cách tốt nhất để giải quyết bế tắc giữa hai ông Maduro và Guaidó.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela phải có một giải pháp của Venezuela ... mà không có sự can thiệp của nước ngoài, Đại sứ Nga tại Venezuela Vladimir Zaemskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với WSJ tháng trước. "Không phải là Nga, Hoa Kỳ hay EU là bên quyết định những gì người Venezuela nên làm".

Nga cũng tiếp tục cung cấp một số viện trợ dưới dạng thuốc và thực phẩm cho ông Maduro, mặc dù chưa có sự giúp đỡ kinh tế nào được ghi lại. Sự hỗ trợ mang tính biểu tượng hỗ trợ có thể sẽ được duy trì.

Nga và Venezuela đã duy trì sự hợp tác và gắn kết nhiều mặt trong nhiều năm qua. Những khoản đầu tư và cho Venezuela đã tăng lên trong những năm qua, lên khoảng 20 tỷ USD. Những nhà phân tích Nga nói rằng, nếu Venezuela không thể trả được, Moscow có thể sẽ phải coi đây là chi phí cho sự cạnh tranh địa chính trị với Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft đang đứng đầu trong việc đầu tư vào Venezuela.

Cho đến nay, Venezuela là người nhận khoản đầu tư lớn nhất của Rosneft ở nước ngoài và không có cách nào dễ dàng để Rosneft thoái vốn khỏi các cam kết của mình, mà phần lớn được chi vào việc trả trước cho dầu Venezuela hay chi phí để liên doanh với công ty dầu mỏ Venezuela, Petróleos de Venezuela.

Theo WSJ, tổ chức tài chính Nga Evrofinance Mosnarbank cũng đã cố gắng hỗ trợ Venezuela tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và vào năm ngoái, họ cũng là tổ chức tài chính quốc tế đầu tiên ủng hộ đồng tiền điện tử xăng dầu của Venezuela.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại