Bà Amanda Kehler, một người buôn bán cổ vật đã mua một tập giấy cũ trong khi kiểm kê lại cửa hàng của mình. Khi mở tập giấy, bà đã vô cùng bất ngờ và xúc động khi thấy bức thư tay có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ I. Bà cho biết, mình thường xuyên mua sắm các món đồ lâu năm như báo, thư điện tín cũ cho cửa hàng đồ cổ lưu niệm của mình, CNN thông tin.
Bức thư "báu vật" của bà Kehler do một người lính Canada có tên Earl Sorel, phục vụ trong Tiểu đoàn 78 chắp bút. Bức thư được đóng dấu bưu điện vào tháng 5/1917, gửi tới chị gái của một ân nhân đã từng cứu mạng Sorel trong suốt trận đánh đỉnh Vimy tại miền bắc nước Pháp.
Theo bà Kehler, bức thư như đã đem lại cả một thời chiến tranh trở lại trong gia đình bà, mỗi khi bà đọc nó. Bà cho biết, một bức thư chứng tích của lịch sử còn đáng giá hơn cả một cuốn sách lịch sử.
Bà Kehler cho biết sẽ rất vinh dự khi được trao lại lá thư này cho người thân của người lính Sorel, người đã không trở về sau trận đánh. Hiện tại, người phụ nữ yêu cổ vật đang cộng tác với các cơ quan cựu chiến binh và quân sự Canada để chia sẻ rộng rãi thông tin từ bức thư này trên mạng xã hội.
Nếu không thể tìm được người thân của Soler, bà Kehler sẽ trao lại bức thư cho Bảo tàng Chiến tranh Canada. Bà lão cũng cho biết, điện thoại của mình đổ chuông liên tục, bởi nhiều người ngỏ ý muốn mua lại bức thư từ bà. Song, bà khẳng định dù không biết bức thư đáng giá bao nhiêu tiền, nhưng bà sẽ không bao giờ bán.
Trận đánh đỉnh Vimy trong Chiến tranh Thế giới thứ I diễn ra từ ngày 9-12/4/1917, là chiến thắng quân sự quan trọng của phe Hiệp ước. Hơn 100.000 binh sĩ đã tham gia trận đánh ác liệt, nhằm giữ điểm cao này không rơi vào tay Quân đội Đức. Đây cũng là lần đầu tiên, tất cả 4 sư đoàn Quân đội Canada cùng tham chiến.
Theo lời nhà sử học Tim Cook thuộc Bảo tàng Quân sự Canada, trận đánh này đã chứng kiến mọi người lính trên thế giới cùng tham gia chiến đấu và hi sinh. Trung đoàn 78 của Soler là đơn vị chiến đấu anh dũng và chịu nhiều thương vong nhất trong trận đánh.