Trung Quốc "rắn" với Canada, Úc: Muốn thị uy ai ngờ đập tan hình ảnh xây dựng 20 năm

Minh Khôi |

Năm ngoái tại Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là người giữ trật tự kinh tế toàn cầu. Năm nay, ông bị chỉ trích vì hành động "ngoại giao con tin" với Canada.

Công sức Trung Quốc "đổ sông đổ biển"

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đường lối ngoại giao khéo léo để tạo ra hình ảnh một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Nhất là trong thời gian gần đây, sự hỗn loạn chính trị của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và việc Anh rút khỏi EU đã khiến Trung Quốc dường như là một sự hiện diện ổn định trong một thế giới đang thay đổi.

Nhưng trong năm qua, việc xử lý các vấn đề trong nước và quốc tế của Trung Quốc đã làm hỏng những thiện chí mà họ đã xây dựng, đặc biệt là với các cường quốc trung lưu như Canada, Úc và Liên minh châu Âu (EU). Những sai lầm của Bắc Kinh không chỉ làm suy yếu sức hấp dẫn của chính mình trong số những người từng xem nó là đối trọng với Washington, mà còn tạo ra sự phản kháng.

Năm ngoái tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được ca ngợi là người giữ trật tự kinh tế toàn cầu. Năm nay, trong bài phát biểu tại Davos, tỷ phú George Soros đã chỉ trích ông Tập là "đối thủ nguy hiểm nhất của những người tin vào khái niệm xã hội mở" vì một loạt các hành động "ngoại giao con tin" đối với Canada.

Hai người Canada là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor - đã bị giam giữ tại Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái mà không được phép thăm gia đình.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng thủ tục tư pháp và pháp trị. Các quốc gia bao gồm Mỹ, Đức, Pháp và Australia đã lên tiếng ủng hộ Canada liên quan đến các vụ việc.

Một công dân Canada khác, Robert Lloyd Schellenberg, bị kết án 15 năm tù vì buôn bán ma túy đã bị thay đổi thành án tử hình. Tất cả điều này xảy ra với tốc độ đáng chú ý sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của "ông lớn" công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies.

Chiến lược quen thuộc?

Ngoài Mỹ, một số nền dân chủ ngày càng tăng đang cảm thấy bắt buộc phải đối đầu với Trung Quốc, hoặc ít nhất là lên tiếng phản đối.

Ông Jorge Guajardo, người đã có 6 năm làm việc tại Bắc Kinh với tư cách là đại sứ của Mexico cho rằng, Trung Quốc có một số quy tắc mà áp dụng cho mọi tình huống, mặc dù các động lực cơ bản có thể hoàn toàn khác nhau. "Họ thiếu sự thay đổi và thích nghi", ông nói.

"Người Trung Quốc có một cuốn sách quy tắc mà họ tìm cách áp dụng cho mọi tình huống, mặc dù các động lực cơ bản có thể hoàn toàn khác nhau," Guajardo nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc giam giữ công dân Canada vì những lý do dường như mang tính trả đũa. Năm 2014, các nhân viên an ninh Trung Quốc đã bắt giữ Kevin và Julia Garratt, chủ một quán cà phê gần biên giới Trung Quốc với Triều Tiên, với tội danh gián điệp.

Nhưng Guajardo cho biết chính quyền Trung Quốc đã tính toán sai, nhất là khi họ bắt giữ ông Kovrig.

Ông nói: "Họ không đánh giá rằng Michael Kovrig là một nhà cựu ngoại giao, được biết đến bởi nhiều người nước ngoài ở Bắc Kinh, và bằng cách bắt giữ ông, họ đã khiến cả một học giả nước ngoài cảm thấy mình trở thành bị nhắm mục tiêu".

Thật vậy, vào cuối tháng 1, hơn 100 học giả và cựu nhà ngoại giao Canada, Mỹ... ở Trung Quốc đã ký một lá thư yêu cầu ông Tập Cận Bình thả cả Kovrig và Spavor.

Công dân Canada không phải là những người duy nhất bị bắt giữ ở Trung Quốc. Vào đầu năm nay, ông Yang Hengjun, quốc tịch Úc đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì tội gián điệp. Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh cũng trở nên lạnh nhạt. Australia đã cấm Huawei và ZTE tham gia vào mạng di động 5G của họ.

Trung Quốc - và Huawei - cũng đang gặp khó khăn ở EU và Mỹ, cả hai đều có vẻ nghiêng về việc không cho phép "ông lớn" viễn thông Trung Quốc tham gia vào mạng 5G. Bước ngoặt có thể đã đến vào tháng 1, khi Ba Lan bắt giữ một nhân viên Huawei và một quan chức an ninh trước đây của Ba Lan vì tội gián điệp. Huawei đã sa thải nhân viên, đồng thời phủ nhận cáo buộc gián điệp.

Zsuzsa Anna Ferenczy, một cố vấn chính trị tại Nghị viện châu Âu, cho biết các thành viên của EU nói chung coi Trung Quốc là một "đối tác quan trọng".

Tuy nhiên, một thực tế là Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình, gây bất lợi cho các chuẩn mực và giá trị quốc tế. Thái độ dường như đã thay đổi trong Nghị viện châu Âu theo một hướng quyết đoán hơn, đặt câu hỏi về giá trị của quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Ferenczy nói.

Trung Quốc ám ảnh về sự thiếu sức mạnh mềm và tìm cách đốt cháy giai đoạn. Nhưng dù thông qua các Viện Khổng Tử, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, tất cả đều nhanh chóng bị hủy bỏ bởi những hành động mạnh tay của chính họ, cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại