Sau 1 năm nhập linh kiện, xe vẫn chưa có
Báo cáo về hoạt động kinh doanh thương mại, VEAM cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại giai đoạn từ 2014-2018 tiếp tục kinh doanh thương mại với các đơn vị thành viên. Không có công nợ phát sinh liên quan đến vai trò trung gian trong kinh doanh vật tư, nguyên vật liệu đối với hai đơn vị này.
Tuy nhiên hoạt động kinh doanh lại được mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh doanh ô tô Changan của Trung Quốc, độc lập với kinh doanh ô tô của Nhà máy ô tô (VM).
Mặc dù công ty mẹ đã có Chi nhánh VM sản xuất kinh doanh ô tô, nhưng VEAM vẫn tổ chức kinh doanh xe Changan riêng. Phương thức thực hiện là Chi nhánh Mekong Auto (MKA) lắp ráp xe bán cho Văn phòng VEAM, văn phòng VEAM bán cho các đại lý.
Việc kinh doanh thực hiện bắt đầu từ năm 2015. Năm 2016, số xe tiêu thụ đạt kỷ lục, nhưng tất cả lợi nhuận đều trả cho chi phí bán hàng, còn VEAM bị lỗ.
Tính tổng chung 4 năm (từ 2015-2018), tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt 2,2%. Tuy nhiên, thực tế thời gian bỏ vốn cho MKA nhập linh kiện, đến khi bán hàng thu tiền, thời gian sử dụng vốn không phải là 03 tháng như các hợp đồng kinh doanh khác.
Lô hàng 1.000 xe tiêu chuẩn khí thải Euro4 từ năm 2017, nhưng năm 2017 chỉ bán được 325 xe, năm 2018 bán 379 xe, 2 tháng đầu năm 2019 bán được 31 xe, hiện vẫn còn tồn 114 xe và 151 xe chưa nhập kho.
Lô 1.500 xe được quyết định từ 2017, nhập linh kiện từ năm 2018 cho đến tháng 3.2019 vẫn chưa có xe đưa ra thị trường.
"Việc kinh doanh này phá vỡ các nguyên tắc kinh doanh khi chưa có phương án kinh doanh, chưa có hợp đồng mua hàng đã ứng vốn cho MKA nhập linh kiện. Việc bảo lãnh mở thư tín dụng nhập khẩu không đúng nguyên tắc và các quy định quản lý", VEAM cho biết.
VEAM bị truy thu thuế 163,2 tỉ đồng
Năm 2016, doanh thu Văn phòng VEAM đạt 1.006 tỉ đồng nhưng thực chất doanh thu tổng hợp công ty mẹ loại trừ doanh thu các chi nhánh thì chỉ còn 354,9 tỉ đồng. Phần chênh lệch là do công ty mẹ mua vật linh kiện bán cho chi nhánh.
Việc văn phòng VEAM nhập 1.410 bộ linh kiện xe Huyndai năm 2016 và 600 bộ năm 2017 cấp cho VM đã dẫn đến quyết định của Cục Hải quan Hà Nội truy thu thuế khi công ty mẹ không đủ điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi đối với bộ linh kiện nhập khẩu.
Việc VEAM nhập linh kiện cho VM thực tế là tạo điều kiện về vốn cho VM hoạt động mà không phải trả lãi. Đến 31.12.2018, VM còn nợ tiền hàng khoảng 359 tỉ đồng, không trả được công ty mẹ.
Theo quyết định của Cục Hải quan Hà Nội, số thuế nhập khẩu truy thu là khoảng 163,2 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng khoảng 16,32 tỉ đồng. Ngoài ra, VEAM còn phải nộp bổ sung theo lãi suất chậm trả 0,03%/ngày là khoảng 46,97 tỉ đồng. Nếu Cục Hải quan Hà Nội tiếp tục phạt hành chính (mức thấp nhất 20%) thì VEAM còn phải nộp thêm 35,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên VEAM vẫn đang tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài Chính về việc truy thu thuế này.
"Do đó quyết định ấn định thuế, tiền nộp chậm và phạt vi phạm hành chính chưa có kết luận cuối cùng. Nên việc xử lý tài chính, xem xét hậu quả vụ việc và trách nhiệm liên quan theo ý kiến chỉ đạo cần thêm thời gian để thực hiện", VEAM cho biết.