Tiêu diệt gần 60 phần tử khủng bố tại Burkina Faso

Phương Hồ |

Ngày 31/1, Quân đội Pháp cho biết trong các chiến dịch chung mới đây, lực lượng này đã phối hợp với quân đội Burkina Faso tiêu diệt gần 60 "kẻ khủng bố".

Lực lượng an ninh Burkina Faso tuần tra tại thủ đô Ouagadougou ngày 22/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng an ninh Burkina Faso tuần tra tại thủ đô Ouagadougou ngày 22/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin AFP của Pháp, tuyên bố của quân đội Pháp nêu rõ: "Trong 4 đợt truy quét từ ngày 16/1 đến ngày 23/1/2022, các đơn vị nước ngoài và lực lượng Burkina Faso đã xác định các nhóm khủng bố và vô hiệu hóa chúng... tổng cộng đã tiêu diệt gần 60 phần tử khủng bố."

Các cuộc không kích của lực lượng Pháp cũng đã phá hủy khoảng 20 xe máy và một số xe bán tải chở vũ khí của quân khủng bố. Tuyên bố cho biết sau các chiến dịch này, lực lượng Burkina Faso sẽ có thể quay trở lại "khu vực là nơi trung chuyển và ẩn náu" của các chiến binh thánh chiến đã mở các đợt truy quét mới.

Burkina Faso đã phải vật lộn với các cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến kể từ năm 2015, khi các tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bắt đầu tiến hành các cuộc đột kích từ Mali qua biên giới.

Theo số liệu của AFP, hơn 2.000 người tại Burkina Faso đã thiệt mạng do xung đột vũ trang. Cơ quan Cứu trợ khẩn cấp quốc gia cho biết rằng 1,5 triệu người, gần 70% trong số đó là trẻ em, đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Các chiến dịch truy quét khủng bố này được thực hiện tại Burkina Faso trước khi xảy ra vụ đảo chính của quân đội, lật đổ chính quyền của Tổng thống Roch Marc Christian Kabore, đình chỉ Hiến pháp, giải án chính phủ và quốc hội, đóng cửa biên giới của quốc gia Tây Phi này.

Hiện Phong trào yêu nước nhằm bảo vệ và khôi phục (MPSR) - tên của nhóm sĩ quan quân đội đảo chính, do Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba đứng đầu, đang nắm giữ quyền điều hành đất nước. MPSR cho biết sẽ thiết lập lại "trật tự hiến pháp" trong thời gian thích hợp, đồng thời cho biết sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h00 tối hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau.

Dư luận quốc tế đã lên án cuộc chính biến tại Burkina Faso. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích đây là hành động "không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi lực lượng nay tại các nước Tây Phi phải bảo vệ dân thường thay vì tiếm quyền.

Ông nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi quân đội các quốc gia này đảm nhận vai trò chuyên nghiệp của quân đội là bảo vệ đất nước của họ và thiết lập lại các thể chế dân chủ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại