Kịch bản đáng sợ
Khi chiến tranh hạt nhân tới nước Anh, các thành phố sẽ bị san phẳng, hàng triệu người chết, những người sống sót khốn khổ quay trở lại Thời kỳ Bóng tối, sống như lũ chuột trong đống đổ nát của nền văn minh. Trên phố, con người vật vờ như những bóng ma tìm thức ăn và nước uống.
Tại một kho lương thực đặc biệt của chính phủ, cảnh sát vũ trang đứng gác, sẵn sàng nổ súng vào những kẻ cướp bóc. Trong những ngôi nhà khắp nước Anh, những gia đình kiệt quệ co cụm trong nơi ở tạm dột nát, nguồn thức ăn cạn dần khi những xác chết trong phòng bắt đầu thối rữa.
Dường như đó là một cơn ác mộng khủng khiếp. Tuy nhiên, đó có thể là hình ảnh nước Anh trong thực tế năm 1981 như được tiết lộ trong một tài liệu được coi là đáng sợ nhất lịch sử nước Anh. Tài liệu này vừa được giải mật và trưng bày trong khuôn khổ một triển lãm của Cục Lưu trữ Quốc gia ở Kew. Triển lãm mang tên “Protect and Survive: Britain's Cold War Revealed” (Bảo vệ và Sống sót: “Tiết lộ cuộc Chiến tranh Lạnh của Anh”.
Tài liệu nói về cuộc tập trận chiến tranh tối mật có mật danh Wintex-Cimex 81, nhằm thử mức độ sẵn sàng của Anh trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Tài liệu mô tả chi tiết hành tinh xanh bị vỡ vụn trong ngày tận thế, gây ra những cảnh tượng ác mộng như trên.
Mốc thời gian được mô tả trong tài liệu bắt đầu vào tháng 3-1981, thời kỳ Chiến tranh Lạnh nghiêm trọng nhất. Khi đó, thế giới phương Tây tư bản do nước Anh dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Margaret Thatcher và nước Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đối đầu với thế giới phương Đông cộng sản của Liên Xô thời nhà lãnh đạo Stalin.
Theo tài liệu, kịch bản tập trận khi đó là Liên Xô tăng cường lực lượng ở Balkan, thế giới nhanh chóng trượt vào miệng hố chiến tranh. Liên Xô quyết định tận dụng điểm yếu của Chính phủ Anh khi đó bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và điểm yếu của chính quyền Tổng thống Reagan. Khi tình hình quốc tế xấu đi, bạo loạn nổ ra ở các thành phố Anh. Ngay cả binh sĩ Anh cũng bị phái tới Tây Đức để tăng cường cho lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hàng nghìn học sinh biểu tình đòi hòa bình.
Chỉ trong vòng vài ngày, các ga tàu hỏa chật kín người tìm cách chạy khỏi London. Trên các đường phố chính ở London, Manchester và Birmingham, giao thông tắc nghẽn. Chính phủ Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Lúc đó, các cửa hàng hết sạch than, dầu, pin và nến. Nhiều hiệu thuốc không còn đồ cứu thương.
Vào thứ 7 ngày 14-3, khi có thông tin đầu tiên về đụng độ ở Balkan và Trung Đông, một cuộc biểu tình phản chiến rầm rộ nổ ra tại Quảng trường Trafalgar ở London, thu hút những nghị sĩ nổi tiếng cánh tả, các thành viên nghiệp đoàn hàng đầu và những người từ khắp thành phần xã hội, kể cả giới nghệ thuật và thể thao. Cuộc biểu tình phản chiến kết thúc trong hỗn loạn. Cảnh sát bắt lãnh đạo Công đảng Michael Foot và Tổng giám mục Canterbury, ông Robert Runcie vì tham gia vào biểu tình.
Triển lãm trưng bày các tờ rơi hướng dẫn người dân cách sống sót trong một vụ tấn công hạt nhân.
Tối hôm sau, chiến tranh dường như không thể tránh khỏi. Lực lượng Khối phía Đông đã đè bẹp Nam Tư và Chính phủ Anh thông báo cuộc tấn công vào phương Tây có thể xảy ra trong vài giờ tới chứ không phải vài ngày. Không khí khắp đất nước trở nên đáng sợ. Các tờ báo tràn ngập thông tin khuyên người dân cách xây hầm trú ẩn trong nhà và kêu gọi họ ở trong nhà cho tới khi có tín hiệu an toàn.
Ngày thứ 2, 16-3, trong kịch bản tập trận, Liên Xô thực hiện cuộc tấn công đầu tiên, các máy bay ném bom của Liên Xô dội bom xuống các căn cứ của Anh. Nước Anh đang trong chiến tranh. Ngày hôm sau, lực lượng phòng không Anh bị phá hủy trong các cuộc tấn công mới. Các gia đình mang theo trẻ nhỏ lũ lượt rời thành phố. Mỗi giờ có khoảng 15.000 người chạy khỏi phía Tây và xứ Wales để tìm nơi trú ẩn tại nông thôn. Ở khu vực nông thôn, nông dân buộc phải dùng súng để chống lại đoàn người kéo tới.
Cuối cùng, vào sáng 20-3, Nội các Chiến tranh của Thủ tướng Thatcher họp để cân nhắc tình huống xấu nhất. Khi lực lượng Liên Xô tràn vào Tây Đức, thất bại dường như không thể tránh khỏi. Chỉ còn một lựa chọn. Các tướng lĩnh NATO đã xin phép kích hoạt vũ khí hạt nhân vào căn cứ kẻ thù ở Đông Đức, Czechoslovakia, Ba Lan, Hungary và Bulgaria nhằm nỗ lực lần cuối cứu phương Tây khỏi sụp đổ.
Biên bản cuộc họp ghi: “Chưa bao giờ trước đó có một nội các lại phải đối mặt với lựa chọn u ám giữa đầu hàng kẻ thù và thực hiện một hành động có thể hủy diệt nền văn minh. Nhưng vẫn buộc phải lựa chọn”. Bà Thatcher đồng ý.
Trước bình minh hôm sau, tên lửa được phóng đi. Vào giờ nước Anh thức giấc, cuộc hủy diệt hạt nhân bắt đầu. Tài liệu kết thúc tại đây với việc nền văn minh phương Tây trên bờ vực bị phá hủy hoàn toàn. Khi đọc lại tài liệu này, người ta có cảm giác như một câu chuyện viễn tưởng điên rồ, nhưng trong bối cảnh thời đó, kịch bản này được mô tả quá thật.
Cái bóng hạt nhân
Trong năm 1945, khi châu Âu bị chia rẽ giữa phương Đông cộng sản và phương Tây dân chủ, khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nước Anh thực sự đã sống trong những ngày tháng sợ hãi về một ngày tận thế hạt nhân. Như có thể thấy trong cuộc triển lãm ở Kew, đây là một cuộc xung đột ảnh hưởng tới gần như mọi khía cạnh đời sống. Đó là một cuộc chiến tranh với gián điệp và bí mật, với tên lửa và rocket… Đó cũng là một cuộc chiến văn hóa.
Một góc triển lãm.
Trong số những tài liệu thú vị được trưng bày, triển lãm Cục Lưu trữ Quốc gia còn có một danh sách những kẻ phản bội do George Orwell tập hợp cho tình báo Anh năm 1949. Trong số đó có những cái tên như diễn viên hài Charlie Chaplin và Michael Redgrave, sử gia E. H. Carr và nghị sĩ Công đảng Tom Driberg.
Bài học mãi không thay đổi rút ra từ cuộc triển lãm vẫn là nỗi kinh hoàng của hạt nhân. Vụ Mỹ thả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945 đã gây ảnh hưởng lớn với quan điểm thế giới. Thủ tướng Anh của Công đảng Clement Attlee viết trong một tài liệu: “Thời gian rất ngắn. Tôi cho rằng chỉ cách giải quyết táo bạo mới có thể cứu được nền văn minh”.
Chính Thủ tướng Attlee cùng Ngoại trưởng Ernest Bevin là những nhân vật chủ chốt trong thành lập NATO, liên minh đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Khi ông Bevin nói với nội các Anh năm 1946, Anh không thể chỉ phụ thuộc vào Mỹ, phải có răn đe hạt nhân riêng. Ông nói: “Chúng ta phải có thứ này ở đó, cho dù cái giá là gì”. Anh đã sở hữu bom hạt nhân năm 1952, nhưng nỗi sợ Liên Xô tấn công hạt nhân vẫn rất cao. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 10 năm sau đó, nhiều người vẫn không thể ngủ ngon, sợ mình sẽ thức giấc và nhìn thấy đám mây hình nấm từ cửa sổ phòng ngủ.
Những thứ người dân được khuyên tích trữ trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân.
Thời đó, chiến dịch “Bảo vệ và Sống sót” của chính phủ Anh còn sản xuất phim ngắn và tờ rơi để khuyên người dân cách chuẩn bị trong trường hợp có chiến tranh giữa những năm 1970. Mục đích là để trấn an dân chúng rằng họ có thể sống sót trong một cuộc tấn công hạt nhân. Những bộ phim ngắn có tên kiểu như “Những thứ sử dụng trong căn phòng tránh bụi phóng xạ”, “Nước và thực phẩm”, “Chăm sóc vệ sinh”.
Ám ảnh nhất phải là tài liệu nói về cách xử lý thi thể của thành viên gia đình: “Nếu có người chết khi bạn ở trong căn phòng tránh bụi phóng xạ, hãy di chuyển thi thể sang phòng khác. Dán giấy ghi tên và địa chỉ, bọc xác càng chặt càng tốt trong tấm nhựa, giấy, hoặc chăn”. Ít người hình dung tới cảnh phải bọc và dán nhãn thi thể người thân bị chết vì phóng xạ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, người ta thực sự phải nghĩ tới những vấn đề như vậy.
Một câu hỏi được đặt ra là nếu chuyện xấu nhất xảy ra thì sao? Năm 1983, một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Anh ước tính 33 triệu người sẽ chết trong một cuộc tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, 33 triệu người này có thể là những người may mắn. Thà chết ngay còn hơn là phải chết từ từ vì bệnh do phóng xạ gây ra khi sống trên một vùng đất hoang, nơi mà nền văn minh đã sụp đổ.
Theo Dailymail, với những ai sinh ra sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, những điều nói trên dường như lịch sử cổ đại. Tuy nhiên, bóng đen bom hạt nhân chưa bao giờ biến mất hoàn toàn.
Dù vậy, một số người vẫn coi Chiến tranh Lạnh là thời kỳ ổn định và chắc chắn khi thế giới phương Tây được dẫn dắt bởi những nguyên thủ quốc gia khác với những người lãnh đạo thế giới ngày nay. Cái bóng bom hạt nhân chưa bao giờ hoàn toàn biến mất. Trong thế giới chia rẽ hôm nay, khi nền chính trị dường như rơi vào vùng cực đoan, bóng đen Chiến tranh Lạnh vẫn còn đó.