Theo các nhà khoa học, thiên thạch 2019 EA2 rộng 39m lớn tới mức các nhà thiên văn có thể nhìn thấy từ đằng xa trước khi đi vào quỹ đạo tiếp cận Trái Đất. Điều đáng sợ là nó bay qua Trái đất ở khoảng cách gần hơn cả Mặt trăng.
Nhiều người nghĩ rằng Trái đất khá an toàn, thực tế các tiểu hành tinh nhỏ nằm trên quỹ đạo va chạm chúng ta khá thường xuyên. Hầu hết tảng đá không gian này rất nhỏ, bốc cháy ngay khi va chạm với bầu khí quyển, và phần lớn chỉ bay sượt qua mà không để lại thiệt hại nào cho hành tinh xanh.
Thiên thạch 2019 EA2 đang tiến sát Trái đất. Ảnh minh họa
Thiên thạch với tên gọi 2019 EA2 không như vậy. Cần biết rằng, bất cứ thiên thạch nào đủ lớn để chúng ta “thấy từ xa” đều có thể trở nên nguy hiểm.
NASA cho biết, thiên thạch 2019 EA2 mới được phát hiện vào đầu tháng này và nó di chuyển khá chậm, khoảng 5 km/s (18.000 km/h). Đến ngày 22/3 tới, 2019 EA2 sẽ bay ngang Trái Đất, cách chúng ta 303.733 km, khoảng 80% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.
Người xem có thể sử dụng kính viễn vọng tầm trung cũng có thể thấy được thiên thạch này. Đây sẽ là sự kiện thú vị đối với những ai quan tâm thiên văn học. Siêu trăng cuối cùng của năm nay cũng sẽ xuất hiện trước thiên thạch 2019 EA2 vài đêm.
Nói tới thiên thạch đe dọa Trái đất, các nhà khoa học cũng cho biết, một vành đai thiên thạch chưa từng được biết đến đang trên đường bay vào hệ Mặt trời. Điều này đặt Trái đất đứng trước nguy cơ bị hàng trăm thiên thạch va chạm vào khoảng năm 2020.
Theo NASA dự báo , có khoảng 400 vụ va chạm thiên thạch có thể xảy ra từ năm 2017-2113, dựa trên kết quả quan sát các thiên thể vũ trụ trong vòng 60 ngày vừa qua.
Hầu hết các thiên thạch sắp va chạm với Trái đất đều có đường kính tối đa khoảng 100m - tương đương kích thước của khoảng 7 chiếc xe bus hai tầng - và có khả năng gây ra những thiệt hại đáng kể.
Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sỹ David Morrison tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, ước tính có tới hơn 2.000 thiên thạch có kích thước lớn hơn 1 km trong không gian.