Ukraine chuyển sang thế phòng thủ
Ukraine đã đào nhiều chiến hào nối tiếp nhau, dựng các ụ răng rồng bằng bê tông, trung tâm chỉ huy dưới lòng đất trải khắp các vùng nông thôn rộng lớn. Hàng loạt công sự mới mọc lên dọc theo những khu vực quan trọng dọc theo 1.000km mặt trận khi cuộc phản công của Ukraine chuyển thành cái mà các nhà phân tích quân sự mô tả là “chiến lược phòng thủ tích cực”.
Hoạt động phòng thủ được tăng cường xung quanh các thị trấn Lyman và Avdiivka tại Donetsk, cũng như khu vực Kupiansk ở khu vực Kharkov. Ngoài ra, Ukraine cũng xây dựng nhiều công sự kiên cố dọc theo biên giới của nước này với Nga và Belarus, kéo dài đến tận vùng lãnh thổ giáp Ba Lan.
Giới phân tích cho rằng, chiến lược xây dựng hệ thống phòng thủ của Ukraine gần giống với chiến lược xây dựng hệ thống phòng thủ của Nga, được biết đến với tên gọi "phòng tuyến Surovikin", gồm 3 lớp: chiến hào, bẫy xe tăng và các công sự kiên cố mà Nga sử dụng để ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine. Phòng tuyến Surovikin từng gây nhiều khó khăn cho các lữ đoàn xe tăng và xe bọc thép của Ukraine do NATO tài trợ.
Ukraine được cho là đang áp dụng lại chiến thuật này. Nhưng Kiev phải đối mặt với tình thế khó khăn hơn nhiều. Theo giới phân tích, lý do đầu tiên là hệ thống phòng thủ của Ukraine thiếu sự vững chắc hơn so với các công sự của Nga trải dài từ phía Nam Zaporizhzhia đến phía Đông Donetsk, vốn là trọng tâm chính trong cuộc phản công của Ukraine. Tiếp theo, việc xây dựng các công sự kiên cố sẽ làm chậm bước tiến của Nga và giúp Ukraine không tiêu hao nhiều binh lực như hoạt động phản công nhưng điều này sẽ làm giảm triển vọng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất của Kiev.
Thách thức đối với Kiev
Edward Arnold, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn an ninh RUSI của Anh cho rằng: “Vấn đề đối với Ukraine là họ không muốn rơi vào trạng thái tĩnh. Nếu các chiến tuyến đều rơi vào trạng thái tĩnh và không có sự dịch chuyển thì điều đó không tốt, xét về quan điểm chính trị”.
Theo ông Edward Arnold, đã đến lúc lực lượng Ukraine theo đuổi khái niệm “phòng thủ tích cực”: giữ vững các tuyến phòng thủ song song với duy trì hành động tấn công với hy vọng tìm ra những điểm yếu có thể dẫn đến sự sụp đổ của phòng tuyến Nga.
Trước đó vào tháng 9/2022, chiến thuật này đã giúp Kiev giành quyền kiểm soát khu vực Kharkov. “Một trong nhưng nguyên tắc của phòng thủ là tấn công khi cần”, ông Arnold lưu ý. Các công sự sẽ trở nên phức tạp hơn khi Nga tiến sâu vào vùng lãnh thổ do Ukraine nắm giữ khi các chiến tuyến thay đổi theo thời gian.
Phòng thủ tiền phương cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong sự kháng cự của Ukraine. Quân đội Kiev không chịu lùi bước hoặc cho phép các lực lượng nước này lơ là khi đạt được bước tiến mới.
Theo giới quan sát, mục tiêu của Ukraine trong năm 2024 nhiều khả năng là bổ sung lực lượng chiến đấu và tăng cường sức mạnh chiến đấu, cũng như nỗ lực tấn công
Nhà phân tích Arnold cho rằng, việc duy trì một tuyến phòng thủ linh hoạt sẽ cho phép quân đội Ukraine có thời gian để huấn luyện, đồng thời giúp họ đảm bảo sự sẵn sàng nếu có cơ hội tấn công. Trái lại, phòng thủ tĩnh ít khi là một ý tưởng hay đối với quân đội, bởi vì điều này không giúp cải thiện khả năng cơ động. Kỹ năng và thể lực của binh sĩ có thể dễ dàng suy giảm nếu họ phải ngồi trong chiến hào quá lâu, đặc biệt là trong những tháng mùa đông lạnh giá ở Ukraine.
Pháo đài phòng thủ của Ukraine
Tại thị trấn Avdiivka ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi hiện là mục tiêu tấn công chính của các lực lượng Nga, Ukraine đã bố trí tuyến phòng thủ cách thị trấn khoảng 16km.
Tại đây, Kiev cũng sử dụng hàng rào tự nhiên là sông và hồ. Xa hơn tại thành phố Pokrovsk – nơi Nga có ý định kiểm soát để hoàn thành mục tiêu chiếm toàn bộ khu vực Donetsk, Ukraine đã thiết lập hệ thống hào 2 lớp chạy khắp thành phố, nằm cách chiến tuyến hiện tại khoảng 40km.
Nhưng tuyến phòng thủ mạnh mẽ nhất có lẽ nằm xung quanh Chernihiv – gần biên giới với Nga và Belarus. Reuters cho biết, thời gian gần đây, Kiev đã tăng cường 63% các công sự phòng thủ ở phía Bắc. Ukraine đã triển khai các phương tiện công binh lớn, đào hào chống tăng rộng khắp khu vực phía Bắc – vốn là hướng tấn công chính của Nga nhằm tiến tới Kiev. Ngoài ra, nước này còn dựng những ụ răng rồng, các công trình bê tăng để chặn xe tăng và xe bọc thép.
Mặc dù khó có hy vọng khu vực này sẽ trở thành mặt trận mới, nhưng hệ thống phòng thủ mới giúp Kiev có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các hoạt động tấn công trong tương lai.