Vừa bị ông Putin cảnh cáo, nước EU tung kế hoạch với hàng trăm boong-ke tại biên giới Nga: Căng thẳng cao

Nhật Minh |

Bộ trưởng quốc phòng 3 nước EU đã gặp nhau và đồng loạt đi đến một kế hoạch mà họ tuyên bố là nhằm "ngăn chặn khả năng gây hấn của Nga".

Kế hoạch của 3 nước Baltic

Hãng RT (Nga) đưa tin, Latvia cùng hai quốc gia Baltic khác trong Liên minh châu Âu (EU) là Estonia và Lithuania, đã nhất trí tiến hành kế hoạch "Tuyến phòng thủ Baltic", trong đó xây dựng hàng trăm boong-ke dọc biên giới với Nga.

Thông tin được đưa ra vào ngày 19/1, chỉ 1 ngày sau khi Latvia thông báo chính thức bắt đầu chiến dịch trục xuất gần 1.000 công dân Nga và quyết định hủy bỏ thỏa thuận về hỗ trợ pháp lý và quan hệ pháp lý trong các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký kết với Nga cách đây 30 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo Latvia trước các động thái "bài Nga" của nước này, đồng thời nhấn mạnh việc trục xuất người Nga ra khỏi Latvia đang "ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nga".

Tuy nhiên, có vẻ như quốc gia vùng Baltic không ngần ngại tiếp tục các động thái làm leo thang căng thẳng giữa hai phía.

RT cho biết, Bộ trưởng quốc phòng 3 nước vùng Baltic đã gặp nhau tại thủ đô Riga của Latvia và thông qua kế hoạch xây dựng "các cơ sở phòng thủ chống cơ động" ở biên giới phía đông để "ngăn chặn khả năng gây hấn của Nga".

Được biết, kế hoạch "Tuyến phòng thủ Baltic" do Estonia đề xuất. Trước đó, cùng với Phần Lan, Estonia đã lên tiếng cáo buộc Nga "vũ khí hóa" dòng người di cư tới biên giới các nước châu Âu, đồng thời bố trí nhiều vật cản ở biên giới với Nga.

"Chúng tôi tiến hành nỗ lực này để người dân Estonia cảm thấy an toàn" - Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói.

Theo ông Pevkur, cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy rằng, "ngoài thiết bị, đạn dược và quân lực, chúng ta còn cần các công trình phòng thủ ở biên giới".

Trong kế hoạch "Tuyến phòng thủ Baltic", Estonia cam kết xây dựng hàng trăm boong-ke bằng bê tông, mỗi boong-ke có diện tích khoảng 35 mét vuông, và có khả năng chứa 10 binh sĩ. Các boong-ke này sẽ được bố trí dọc theo biên giới dài 294km với Nga, liên kết với mạng lưới các điểm hỗ trợ và đường tiếp tế.

Vừa bị ông Putin cảnh cáo, nước EU tung kế hoạch với hàng trăm boong-ke tại biên giới Nga: Căng thẳng cao- Ảnh 1.

Ba nước Baltic dự định xây hàng trăm boong-ke gần biên giới với Nga. Ảnh: RT

Phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước Estonia EER, ông Kaido Tiitus - Trợ lý của Bộ Quốc phòng Estonia - cho hay, dây thép gai và các chướng ngại vật chống tăng dạng "răng rồng" sẽ được tập kết gần tuyến phòng thủ để có thể nhanh chóng triển khai trong trường hợp cần thiết.

Các boong-ke sẽ được thiết kế sao cho có khả năng sống sót sau đòn tấn công trực diện bằng đạn pháo cỡ 152mm.

"Tuyến phòng thủ Baltic" có ngân sách ban đầu là 65 triệu USD, và công tác xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu trong năm 2025. Ông Tiitus cho biết, phần khó khăn nhất trong kế hoạch là mua lại khu đất hiện do tư nhân nắm giữ.

"Có một câu hỏi lớn về khu đất ở đông nam Estonia, bởi người dân ở đó không muốn bán đất. Với họ, đất đai rất quan trọng, dù nó có giá trị truyền thống hay chỉ đơn thuần là đất nông nghiệp" - Ông Tiitus nói.

Theo tờ Postimees, Bộ Quốc phòng Estonia ước tính sẽ cần khoảng 600 boong-ke cho kế hoạch "Tuyến phòng thủ Baltic". Ông Tiitus cho biết thêm rằng, các boong-ke sẽ được thiết kế hợp lý để "không gây chướng mắt hoặc làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày" của người dân.

Phản ứng ở Nga

Theo tờ Vzglyad (vz.ru) của Nga, tin tức về việc các nước Baltic dự định xây dựng hàng loạt các boong-ke ở biên giới đã làm dấy lên những phản ứng tại Nga.

Nhà báo Alexey Stefanov, người đã di cư từ Latvia sang Nga, nhớ lại thời điểm ông phục vụ trong quân đội Latvia vào đầu những năm 1990.

"Sau 3 tháng tôi nhập ngũ, một cố vấn từ bộ trưởng - một thiếu úy người Mỹ gốc Latvia tên là Linde - đã được gửi đến đơn vị của chúng tôi. Ông ấy đã hoàn toàn thay đổi phương pháp hoạt động của tiểu đoàn.

Thiếu úy Linde đã xóa bỏ việc luyện tập chiến đấu và thay vào đó là tổ chức các bài tập trong rừng, dạy chúng tôi cách chạy trốn khỏi kẻ thù, cách ẩn nấp trong rừng và chờ đợi. Chúng tôi là binh sĩ nhảy dù mà lại...

Chúng tôi không chắc chắn phải chờ đợi điều gì - liệu là viện trợ hay là cái chết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hài hước thực hiện mệnh lệnh vì nghĩ rằng Linde không biết gì cả. Và bây giờ - nhìn lại: người mà chúng tôi từng coi là ngốc nghếch đã trở thành người tiên tri.

Chỉ là trước kia họ dạy chúng tôi cách ẩn mình không phải trong các boong-ke mà là cách làm những túp lều từ cành cây thông. Nhưng bản chất của hai cách đều gần như giống nhau" - Ông Stefanov châm biếm kế hoạch của 3 nước Baltic.

Vừa bị ông Putin cảnh cáo, nước EU tung kế hoạch với hàng trăm boong-ke tại biên giới Nga: Căng thẳng cao- Ảnh 2.

Bộ Quốc phòng Estonia ước tính sẽ cần khoảng 600 boong-ke cho kế hoạch "Tuyến phòng thủ Baltic". Ảnh: RT

Trong khi đó, Tổng biên tập của cổng thông tin Baltnews Andrei Starikov - người bản xứ Riga (Latvia) - tin rằng các quan chức 3 nước Baltic đang hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận từ việc xây dựng tuyến phòng thủ.

"Họ đã bắt đầu xây dựng tuyến phòng thủ này từ lâu, ngay cả trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine được tiến hành. Giờ đây, họ vẫn tiếp tục xây dựng hàng rào dọc biên giới với Nga. Bề ngoài, đây là một dự án quân sự, nhưng thực chất lại là một vụ 'cắt xén' lớn, nơi mà các bộ phận chuyên ngành và nhà thầu đã tham gia" - Ông Starikov nêu quan điểm.

"Các nước Baltic đã hợp nhất nỗ lực. Đó là một tuyên bố chung và một bản ghi nhớ chung về sự phối hợp chuẩn bị cho cuộc chiến với Nga. Mỹ không xem xét các quốc gia Baltic một cách riêng rẽ. Do đó, hợp thành một nhóm sẽ huy động tiền từ phương Tây dễ dàng hơn" - Ông Starikov nói.

Theo RT, trong quá khứ, các công trình phòng thủ tại biên giới từng trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Châu Âu, từ khi Pháp xây dựng Tuyến Maginot. Công trình này được xây dựng trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới với mục đích bảo vệ biên giới chống lại mối đe dọa từ Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, quân đội của Đức Quốc xã đã tìm cách đi vòng qua chuỗi các boong-ke bê tông và các vị trí đặt pháo phòng thủ, cuối cùng đánh bại quân Pháp chỉ trong vòng 6 tuần lễ.

Nhà lãnh đạo Enver Hoxha của Albania cũng từng cho xây dựng hơn 75.000 boong-ke trên khắp đất nước từ năm 1967 đến 1986 nhằm củng cố phòng thủ, chống lại nguy cơ tấn công từ cả NATO lẫn khối Liên Xô. Song, những cuộc tấn công đó đã không bao giờ diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại