Là người Việt, và người châu Á nói chung, có lẽ ai cũng đã từng ăn mỳ gói và gần như thuộc lòng công thức “chế nước sôi, đậy nắp, chờ trong 3 phút”.
3 phút này không quá dài, nhưng cũng đủ thời gian để ta ngồi nghĩ ngợi vài câu triết lý “so deep” hoặc đặt câu hỏi về thế giới hiện đại, chẳng hạn như vì sao thời gian chờ mỳ chín luôn phải là 3 phút?
Thời nay, khoa học và công nghệ đã phát triển nhiều, chẳng nhẽ người ta lại không thể cải thiện, rút ngắn khoảng thời gian này để bảo đảm vị trí “thức ăn nhanh” của mọi thời đại cho mỳ gói?
(Ảnh: Internet)
Sự thật là công nghệ ngày nay đã cải tiến và hoàn toàn có thể khiến cho mỳ gói được nấu chín chỉ trong vòng 1 phút, thậm chí ít hơn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng 3 phút là khoảng thời gian chờ đợi lý tưởng.
Nếu chỉ phải đợi 1 phút, bạn có thể vẫn không đủ đói để thèm ăn ngấu nghiến; thực tế là tại Nhật Bản, quê hương của mỳ gói, người ta đã thử bán loại mỳ “1 phút” và doanh số kém thảm hại. Họ tăng thêm 1 phút nữa, thành 2, cũng thấy vẫn chưa đủ.
Bạn phải đợi đủ 3 phút theo đúng yêu cầu để biến sự chờ đợi thật sự thành hạnh phúc - theo “sự tích mỳ gói”, ông Momofuku Ando, cha đẻ của mỳ gói, ngay từ xa xưa đã hiểu được đòn tâm lý này nên mới quyết định lựa chọn con số 3.
Nhiều người lại đặt câu hỏi, vậy nếu lâu hơn thì sao, chẳng phải hạnh phúc đợi chờ “mầm đá” sẽ càng được tăng lên gấp bội?
Nghiên cứu lại đã cho thấy rằng vượt quá 3 phút để lên đến những khoảng thời gian này, có thể bạn sẽ mất kiên nhẫn, và bằng cách nào đó ý chí của bạn có thể tự vượt lên chính mình, bạn không còn thấy đói nữa mà thay vào đó là sự bực bội.
Bạn đừng nghĩ mỳ gói rẻ tiền mà coi thường nữa nhé, khi giờ đây đã biết đằng sau đó là nhiều nghiên cứu và thử nghiệm tâm lý thế nào, dẫu rằng điều đó không liên quan gì và cũng không cứu vãn được thực tế rằng ăn nhiều mỳ gói hoàn toàn không tốt cho sức khỏe!
Theo goodyfeed