7 năm trước, 72 người đã thiệt mạng trong vụ cháy tháp Grenfell ở Anh. Mãi 7 năm sau, vào ngày 4/9/2024, cuộc điều tra về thảm họa này mới có thể công bố báo cáo cuối cùng, hé lộ nguyên nhân vụ cháy và rất nhiều tình tiết thương tâm từng gây rúng động Anh quốc.
Từ đám cháy nhỏ trong căn hộ đến ngọn lửa bao trùm toàn bộ tòa tháp, 72 người đã thiệt mạng trong vụ cháy tháp Grenfell lịch sử. Mỗi người trong số họ đều là cha, mẹ, anh, chị, họ hàng, bạn bè hoặc hàng xóm của ai đó, độ tuổi từ một thai nhi chưa kịp chào đời cho đến một cụ bà 84 tuổi.
Thảm họa cướp đi 72 sinh mạng diễn ra như thế nào?
Đám cháy thảm khốc xảy ra vào sáng sớm ngày 14 tháng 6 năm 2017 tại tòa nhà chung cư xã hội cao 23 tầng ở London, Anh, được xem là thảm họa tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai tại quốc gia này.
Vào lúc 12 giờ 50 sáng, trong căn bếp của Căn hộ 16 thuộc tháp Grenfell, khói bốc lên nghi ngút từ phía sau một chiếc tủ lạnh lớn, gần cửa sổ. Chuông báo cháy vang lên đánh thức tài xế Behailu Kebede, người sống tại căn hộ. Anh mở cửa bếp và bàng hoàng khi nhìn thấy làn khói trắng dày đặc.
Behailu vội đánh thức những người bạn cùng phòng, gọi cứu hỏa và báo động cho hàng xóm để mọi người chạy thoát thân.
9 phút sau, 4 xe cứu hỏa đến hiện trường. Giống như khoảng 5 vụ cháy khác xảy ra hàng tuần tại các tòa nhà cao tầng ở London, đội cứu hỏa cho rằng đây là một sự cố thông thường.
Ngọn lửa dễ dàng được phát hiện bởi ánh sáng màu cam phát ra từ cửa sổ nhà bếp ở phía đông tòa nhà. Rất nhiều căn hộ vẫn chìm trong bóng tối vì hầu hết trong số 297 cư dân đang ngủ say.
Quá trình sau đó là những giây phút hoảng loạn và những cuộc gọi cuối cùng ám ảnh.
Dù đã tiếp cận được căn hộ 16 nơi đám cháy bùng phát, lính cứu hỏa Charles Batterbee và Daniel Brown không thể khống chế ngọn lửa. Brown cho biết: "Tôi có thể thấy ngọn lửa đang len lỏi, nhưng tôi không thể nào đưa nước vào bên dưới các tấm ốp bao phủ bên ngoài tòa nhà. Tôi không thể gỡ những tấm ốp này ra hoặc nhìn rõ bên dưới chúng. Lúc đó, tôi không biết rằng những tấm ốp này được gọi là vật liệu ốp tường."
Vài năm trước, mỗi tầng của tháp Grenfell đã được lắp đặt lớp cách nhiệt bên ngoài và lớp ốp chống mưa được làm từ những tấm nhôm mỏng với lõi là nhựa dễ cháy.
Phòng Điều khiển Cứu hỏa nhận được vô số cuộc gọi từ những người bị mắc kẹt hoặc ngạt khói. Dòng nước phun ra từ vòi rồng của đội cứu hỏa dưới mặt đất dường như không mấy tác dụng.
Michael Dowden, chỉ huy hiện trường của Lực lượng Cứu hỏa, hoàn toàn bối rối vì đám cháy diễn biến theo cách mà ông chưa từng thấy trước đây. Ngọn lửa lan lên tòa nhà với tốc độ đáng kinh ngạc và đã cháy đến tầng 23. Ông ra lệnh tăng số lượng xe cứu hỏa lên 15 chiếc.
Sau đó, ông cho biết tất cả kinh nghiệm trước đây của ông "đều trở nên vô dụng. Một khoảnh khắc đáng sợ. Tôi cảm thấy bất lực." Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng các đồng đội của mình có thể kiểm soát được đám cháy.
1 giờ 35 phút sáng, ngọn lửa đã bao trùm đỉnh tháp Grenfell, thiêu rụi các tấm ốp ngang trải khắp các tầng, sau đó lan rộng ra hai hướng.
Trong biển lửa, nỗ lực sống sót và những mất mát thương tâm vẫn kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ. 2 giờ sáng, tổng cộng 129 người vẫn còn mắc kẹt trong tháp Grenfell.
Nửa tiếng sau, số lượng xe cứu hỏa tăng lên 40 chiếc. Lính cứu hỏa phải sử dụng lá chắn chống bạo động để bảo vệ những người rời khỏi tòa nhà khỏi các mảnh vỡ rơi xuống. Cuộc giải cứu và vật lộn kéo dài cho đến khi trời sáng, thế nhưng 72 người vô tội đã thiệt mạng. Cả tòa nhà cao 23 tầng thì cháy rụi. Một số người may mắn được cứu sống, một số người thì không. Bản báo cáo chi tiết 1.700 trang đã miêu tả chi tiết từng nỗ lực thoát thân của người dân với nhiều nội dung đẫm nước mắt, khiến người dân Anh quốc ám ảnh một lần nữa.
Lỗi thuộc về ai?
Báo cáo trước đó vào năm 2019 về hỏa hoạn đã tiết lộ rằng ngọn lửa bắt đầu từ sự cố điện trong một tủ lạnh ở tầng 4 và sau đó lan rất nhanh do lớp ốp nhôm tổng hợp dễ cháy bên ngoài tòa nhà được thêm vào trong quá trình cải tạo năm 2016 để cải thiện vẻ ngoài và cách nhiệt.
Báo cáo điều tra đã chỉ ra rằng trách nhiệm chủ yếu thuộc về các công ty bảo trì và cải tạo tòa nhà, lỗi của chính quyền địa phương và trung ương, cũng như việc quảng cáo không trung thực về vật liệu dễ cháy.
Những hình ảnh tàn khốc của vụ cháy
Sau 7 năm trời điều tra, trách nhiệm được quy cho chính quyền địa phương Kensington và Chelsea, ngành xây dựng, các nhóm quản lý, các cá nhân cụ thể và lực lượng cứu hỏa vì đã không chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà cao tầng. Chủ tịch ủy ban điều tra, Martin Moore-Bick, nhấn mạnh rằng những cái chết đều có thể tránh được và mỗi bên đều phải chịu trách nhiệm.
Báo cáo dài 1.700 trang chỉ ra rằng thảm họa là kết quả của nhiều thất bại trong quá trình kéo dài hàng thập kỷ, trong đó việc ưu tiên lợi nhuận hơn mạng sống con người là điểm trọng tâm.
Cảnh sát Anh vẫn đang điều tra 58 cá nhân và 19 công ty và tổ chức, nhưng việc truy tố có thể mất nhiều năm do tính chất phức tạp của vụ việc. Đến nay, đây vẫn là 1 trong những vụ điều tra lớn và kéo dài nhất của Anh. Sau khi bản báo cáo được thông báo chính thức, Thủ tướng Anh đương nhiệm Keir Starmer đã gửi lời xin lỗi gia đình của nạn nhân và người sống sót.