Tuy nhiên, vào ngày 10-2, chỉ 2 giờ trước khi ông Pence và đoàn của mình gặp cô Kim Yo-jong, em gái của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, phía Triều Tiên đột ngột hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch trước này.
Triều Tiên thất vọng
Thông tin trên vừa được văn phòng của ông Pence tiết lộ hôm 20-2.
Quyết định rút khỏi cuộc họp của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi phó tổng thống Mỹ dùng chuyến đi của ông để lên án tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và thông báo trừng phạt "cứng rắn và mạnh tay nhất" đang chờ Bình Nhưỡng, trong khi ông cũng có các bước đi củng cố liên minh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Washington Post, việc hủy cuộc họp cũng diễn ra giữa lúc ông Kim Jong-un thông qua em gái của mình đã mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng để bắt đầu các cuộc nói chuyện sớm. Diễn biến này được cho là nhiều khả năng khiến Washington bức xúc giữa lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiến hành chiến dịch tối đa hóa áp lực với chế độ của ông Kim Jong-un hòng khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Thông qua một người phát ngôn, ông chủ Nhà Xanh đã nói rằng ông sẽ nỗ lực cho một chuyến thăm tới Triều Tiên.
Theo văn phòng của phó tổng thống Mỹ, khi hủy bỏ cuộc gặp nói trên, phía Triều Tiên đã bày tỏ sự thất vọng với thông báo của ông Pence về trừng phạt mới cũng như cuộc gặp của vị phó tổng thống Mỹ với những người đào tẩu Triều Tiên.
Ai đánh tiếng?
Theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng, kế hoạch cuộc gặp đã được chuẩn bị trong 2 tuần và bắt đầu thành hình khi CIA được đánh tiếng rằng Triều Tiên muốn gặp ông Pence khi ông tới bán đảo Triều Tiên .
Quan chức nói trên cũng cho biết sáng kiến về cuộc gặp đến từ Hàn Quốc và Seoul đã làm vai trò trung gian mở đường cho cuộc gặp này.
Giới chức Hàn Quốc từ chối đưa ra bình luận về tiết lộ mới này.
Được biết, mặc dù ông Pence đồng ý lời mời của Triều Tiên trước khi rời nước Mỹ tới châu Á hôm 5-2 nhưng không có chi tiết nào liên quan tới cuộc gặp được lên lịch cho tới khi vị phó tổng thống tới Seoul hôm 8-2.
Hai bên nhất trí gặp nhau tại Nhà Xanh tại Hàn Quốc vào chiều 10-2. Trong kế hoạch, không có quan chức Hàn Quốc nào dự cuộc họp nhưng Nhà Xanh cung cấp một nơi họp trung lập và có thể phục vụ nhu cầu an ninh cho cả hai bên.
Cũng theo kế hoạch, bên phía Mỹ, ngoài phó tổng thống Pence, còn có một đại diện từ Hội đồng An ninh Quốc gia, một đại diện từ cơ quan tình báo và Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Nick Ayers.
Bên phía Triều Tiên dự kiến có cô Kim Yo-jong, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, người dẫn đầu phái đoàn cấp cao dự Thế vận hội Mùa đông; ngoài ra, có thể có một quan chức thứ 3.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng phu nhân tới Hàn Quốc hôm 8-2. Ảnh: Reuters
Tại Nhà Trắng, thảo luận về cuộc gặp bí mật này được giữ kín trong một nhóm nhỏ các quan chức chính quyền cấp cao và kế hoạch được chốt trong cuộc gọp Phòng Bầu Dục vào ngày 2-2 trước khi ông Pence lên đường công du.
Cuộc họp trong Phòng Bầu Dục lúc đó có Tổng thống Trump, ông Pence, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly và ông Ayers. Giám đốc CIA Mike Pompeo dự họp qua điện thoại trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng tham gia thảo luận.
Hai quan chức Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence cùng nhất trí vào mục tiêu của cuộc gặp bí mật ở Seoul: ông Pence sẽ không có bất cứ đàm phán nào với Triều Tiên ngoài chuyển tải lập trường cứng rắn của chính quyền Trump.
Chính quyền Mỹ cũng xem việc ông Kim phái em gái tới Hàn Quốc như dấu hiệu của sự nghiêm túc từ Triều Tiên. Điều đó đồng nghĩa với đây là thành viên đầu tiên của gia đình quyền lực họ Kim của Bình Nhưỡng tới thăm Hàn Quốc kể từ chiến tranh Triều Tiên.
"Quan điểm của Tổng thống (Trump) là họ (Triều Tiên) cần hiểu rằng chính sách của Mỹ là công khai và những gì Mỹ tuyên bố công khai không phải chỉ là nói chơi"- một quan chức cấp cao Nhà Trắng giải thích quyết định bất đèn xanh cuộc gặp của ông Pence với Triều Tiên.
Tới sáng 10-2, Triều Tiên vẫn còn gởi lời tới đoàn của ông Pence rằng cuộc gặp vẫn diễn ra dù họ thể hiện không thích luận điệu của vị phó tổng thống Mỹ tại Hàn Quốc. Thế nhưng, hai giờ trước khi họp theo kế hoạch, phía Triều Tiên đột ngột hủy họp!
Mỹ-Hàn nối lại tập trận chung
Theo những thông tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội nước này và Mỹ sẽ nối lại kế hoạch tập trận chung trước tháng 4 tới sau khi khép lại Thế vận hội mùa Đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Phát biểu trước quốc hội hôm 20-2, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết ông và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis sẽ đưa ra tuyên bố chính thức trong khoảng thời gian bế mạc Thế vận hội cho người khuyết tật vào 18-3 đến đầu tháng 4.
Trang Yonhap hôm 20-2 đưa tin ông Song cũng cho biết Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận Giải pháp then chốt và Người bảo vệ Tự do Ulchi nhằm phát triển Chiến lược 4D, gồm phát hiện, làm gián đoạn, phá hủy và phòng thủ, đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, thời gian nối lại cuộc tập trận Đại bàng non vốn bị tạm hoãn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông, chưa được phía Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cụ thể.
Mỹ, Hàn Quốc thường tổ chức Giải pháp Then chốt, Đại bàng Non vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3.