Nga và Mỹ mới đây đều lên tiếng ủng hộ việc gia hạn hiệp ước về hạt nhân "START mới" với nội dung chính này là tiếp tục cắt giảm thêm kho vũ khí hạt nhân có khả năng huỷ diệt cả trái đất của hai siêu cường này. "START mới" là hậu duệ của Hiệp ước START I, tài liệu được coi là biểu tượng kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ.
Lãnh đạo Liên Xô và Mỹ tại lễ kí Hiệp ước START vào năm 1991. Ảnh: AP
Bất chấp căng thẳng suốt nhiều tháng qua, giải trừ vũ khí hạt nhân đã trở thành vấn đề hiếm mà Nga - Mỹ tìm được tiếng nói chung. Sở dĩ hai siêu cường đều ủng hộ việc gia hạn hiệp ước mang tính lịch sử này bởi họ đã quá thấu hiểu tính chất nghiêm trọng khi đứng trước một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ít ai biết rằng, trong suốt 40 năm Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô từng nhiều lần tính tới phương án sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết mâu thuẫn, rất may hai cường quốc đã đều kiềm chế đúng lúc và không đặt thế giới vào một tình huống nguy hiểm.
Đối đầu tại Berlin năm 1961
Chỉ vài tháng sau khi Bức tường Berlin chia cắt Đông và Tây Đức được dựng lên, tháng 10-1961 một nhà ngoại giao Mỹ có tên E. Allan Lightner bị cảnh sát Đông Đức chặn lại khi cố vượt tường từ Tây Berlin sang Đông Berlin tại chốt Charlie.
Cảnh sát Đông Đức yêu cầu nhà ngoại giao này xuất trình giấy tờ. Ông này từ chối, sau đó trở lại cùng một toán lính Mỹ.
Xe tăng Mỹ đối đầu xe tăng Liên Xô tại chốt kiểm soát Charlie, Berlin. Ảnh: Guardian
Giới chức cảnh sát Đông Đức đã tiếp tục yêu cầu nhà ngoại giao này xuất trình giấy tờ theo đúng nhiệm vụ của họ.
Sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng khi người Mỹ bất ngờ điều xe tăng đến khu vực này. Phía Liên Xô được thông báo về sự việc và cũng ngay lập tức điều xe tăng đến đáp trả. Vụ việc căng thẳng diễn ra trong suốt ba ngày, cho đến lúc Mỹ buộc phải xuống nước và rút xe tăng trước, phía Liên Xô sau đó cũng điều xe tăng quay về căn cứ.
Suốt ba ngày đó, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô xung quanh việc chia cắt Berlin vẫn chưa ngã ngũ, chỉ một hành động bất thường cũng có thể biến nước Đức thêm một lần thành bãi chiến trường, đồng thời châm ngòi cho Thế chiến III.
Theo một thông tin mới được giải mã, vào cuối tháng 8-1961, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Kennedy thậm chí từng ra lệnh triển khai 216 tiêm kích chiến thuật và vũ khí hạt nhân chiến thuật tại châu Âu.
Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962: Cả thế giới đã nín thở
Nếu nói về nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân nào là đáng sợ nhất, người ta sẽ nói về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Việc Moscow triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung R-12 và R-14 Chusovaya tại Cuba để đáp trả hành động triển khai các hệ thống tên lửa của Mỹ tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã suýt đưa chân của hai siêu cường qua lằn ranh của một cuộc xung đột hạt nhân.
Hình ảnh một căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Cuba mà Mỹ cho rằng Liên Xô đã triển khai vũ khí hạt nhân.
Vào thời điểm đó, mặc dù biết Liên Xô đã đặt một số tên lửa phòng thủ dọc bờ biển Cuba, nhưng khi một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ ngày 14-10-1962 chụp được các bức ảnh tiết lộ sự hiện diện của các tên lửa hạt nhân Liên Xô ở Cuba, người Mỹ đã mất bình tĩnh.
Trong kế hoạch đối phó với hoạt động triển khai tên lửa của Liên Xô tại Cuba, phe "diều hâu" của Mỹ từng ủng hộ một cuộc tấn công toàn diện nhắm vào Cuba hoặc ít nhất là ném bom huỷ diệt các vị trí triển khai tên lửa của Liên Xô tại Cuba. Nếu kế hoạch này được thực hiện chắc chắn cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ sẽ nổ ra.
Đại diện Liên Xô, Cuba và Mỹ tại một cuộc họp khẩn về cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Getty
Cuối cùng, sau nhiều vòng đàm phán, lãnh đạo hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã đi đến thỏa thuận: Phía Liên Xô ngừng triển khai và rút tên lửa khỏi Cuba còn phía Mỹ phải rút tên lửa đạn đạo đã triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italia.
Cả thế giới khi đó đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, do phía Mỹ bí mật triển khai và bí mật rút tên lửa, dư luận thế giới đã cho rằng Liên Xô là bên có lỗi nhiều hơn trong cuộc khủng hoảng này.
Xung đột tại Trung Đông năm 1973
Không cam chịu thất bại trong "Cuộc chiến Sáu ngày" với Israel năm 1967, Ai Cập quyết tìm cách đáp trả. Năm 1973, nước này bất ngờ tấn công Israel, mở đầu cuộc chiến tranh Yom Kippur.
Mặc dù ban đầu Ai Cập giành được một số kết quả khả quan trong cuộc chiến này, nhưng sau đó không lâu, quân đội Israel đã phản công mạnh mẽ và đặt toàn bộ binh lính Ai Cập vào nguy cơ bị tiêu diệt toàn bộ.
Máy bay chiến đấu Israel quần thảo bầu trời Trung Đông trong "Cuộc chiến Sáu ngày". Ảnh: Sputnik
Trước tình hình đó, Liên Xô buộc phải lên tiếng bảo vệ đồng minh và bày tỏ muốn can thiệp quân sự, nhằm chia tách hai phe tham chiến. Washington nhận định Moscow đang muốn lợi dụng cơ hội để triển khai quân tới Trung Đông nên đã phản ứng mạnh.
Theo Bussiness Insider, Mỹ đã đưa toàn bộ lực lượng, trong đó có lực lượng hạt nhân chiến lược của mình vào tình trạng báo động cao nhất, sẵn sàng đáp trả nếu Moscow động binh.
Đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân, Moscow đã chủ động hạ nhiệt khi quyết định từ bỏ quyết định đưa quân tới Trung Đông, Washington cũng đáp lại bằng cách bãi bỏ trạng thái trực chiến của quân đội.
Tại thời điểm ấy, nếu Liên Xô triển khai lực lượng quân đội tại Trung Đông, chắc chắn sẽ dẫn đến giao tranh trực tiếp giữa Israel và Liên Xô. Israel được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân và thủ tướng Irael khi ấy là bà Golda Meir không hề bày tỏ thái độ phản đối việc sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Trong bối cảnh Mỹ là đồng minh thân thiết nhất của Israel, cuộc xung đột giữa Tel Aviv và Moscow rất có thể kéo Mỹ và Liên Xô vào một cuộc xung đột hạt nhân quy mô toàn cầu.
Cuộc diễn tập của NATO năm 1983
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân cuối cùng giữa hai siêu cường ở những năm cuối cùng Chiến tranh Lạnh xảy ra một cách tình cờ và nó đã không được tiết lộ rộng rãi trong hàng thập kỉ. Nhiều quốc gia NATO, bao gồm những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng không hề hay biết về sự kiện này mặc dù họ liên quan trực tiếp.
Liên Xô đã đặt hàng loạt bệ phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng. Ảnh: ITN
Vào năm 1983, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đang đã rơi vào trạng thái căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh trong bối cảnh chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thúc đẩy một loạt chính sách khắc nghiệt để đối đầu với Liên Xô.
Vào tháng 11-1983, cuộc tập trận chung Mỹ - NATO đẩy căng thẳng tới đỉnh điểm. Mỹ và NATO khi đó quyết định thực hiện cuộc tập trận có tên gọi "Able Archer" nhằm thử nghiệm các kênh liên lạc giữa Bắc Mỹ và châu Âu trong trường hợp Thế chiến III nổ ra. Điều bất ngờ là, mỗi mã lệnh mà các bên gửi cho nhau đều có chữ "tập trận" ở đầu.
Mặc dù các đoạn tin được mã hóa, nhưng bằng cách nào đó Liên Xô vẫn có được những thông tin liên lạc này. Phía Liên Xô nhận định rằng cuộc diễn tập "Able Archer" là hoạt động chuẩn bị cho đòn tấn công hạt nhân.
Moscow lập tức báo động và chuẩn bị sẵn sàng 70 tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để đáp trả ngay khi cần thiết.
Rất may, cuộc diễn tập kết thúc và không có sự cố nào xảy ra, phía Moscow cũng bất ngờ chấm dứt báo động về nguy cơ của một cuộc chiến tranh có thể nổ ra giữa hai siêu cường.
Cho đến nay, 33 năm sau khi thế giới đứng sát bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, công chúng vẫn chưa rõ phép màu nào đã "xuất hiện" và "giải cứu thế giới".