Tiết lộ cách Nga đối phó vũ khí tối tân phương Tây hỗ trợ Ukraine

Kiều Anh |

Bằng cách phát triển nhiều loại hệ thống tác chiến điện tử khác nhau, Nga đang khiến các vũ khí thông minh phương Tây hỗ trợ Ukraine khó có thể hoạt động hiệu quả.

Tập trung gây nhiễu vũ khí đối phương

Hệ thống gây nhiễu của Nga hiệu quả đến mức Ukraine cũng như Mỹ và NATO không thể tự tin tuyên bố rằng Đạn Tấn công Trực diện Phối hợp (Joint Direct Attack Munition - JDAM) và các vũ khí thông minh khác sẽ nhắm trúng các mục tiêu, phân tích của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay.

Tiết lộ cách Nga đối phó vũ khí tối tân phương Tây hỗ trợ Ukraine - Ảnh 1.

Ukraine phóng tên lửa HIMARS ở Bakhmut. Ảnh: Getty

Theo nhà nghiên cứu Thomas Withington của RUSI, "gây nhiễu không khiến JDAM ngừng hoạt động nhưng lại gây ra rủi ro cho sự chính xác của chúng".

Trong khi việc nâng cấp hệ thống chống gây nhiễu trên JDAM có thể khắc phục phần nào vấn đề này thì các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể dễ dàng lấn át tín hiệu dẫn đường GPS.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi các tài liệu bị rò rỉ hồi tháng 4 của Lầu Năm Góc bày tỏ mối lo ngại, hệ thống gây nhiễu của Nga đang làm giảm độ chính xác các vũ khí dẫn đường của Mỹ, trong đó có JDAM và các tên lửa HIMARS.

Bằng việc gắn các bộ điều chỉnh thăng bằng và hệ thống dẫn đường GPS vào những quả bom không dẫn đường có chi phí rẻ hơn, Ukraine đang cố gắng tạo ra những vũ khí dẫn đường tầm xa với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ các loại đạn dẫn đường chính xác đặc biệt, hiện đang khan hiếm nguồn cung.

Bom JDAM-ER (JDAM Extended Range, tức JDAM tăng tầm) được cung cấp cho Ukraine có tầm bắn lên tới 80km, cho phép các chiến đấu cơ cất cánh an toàn khi nằm ngoài hệ thống phòng không của Nga.

Các loại đạn GPS dẫn đường được cung cấp cho Ukraine với hy vọng sẽ đối phó được với ưu thế của Nga về vũ khí và lực lượng. Trên thực tế, hệ thống pháo phản lực HIMARS đóng vai trò quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm 2022 khi nước này tuyên bố đã sử dụng tên lửa phá hủy các trung tâm quân sự và chuỗi hậu cần của Nga.

Nga đang tập trung phát triển nhiều loại hệ thống tác chiến điện tử khác nhau. Đặc biệt, chuyên gia Withington đã đề cập đến R-330Zh Zhitel của Lục quân Nga - một hệ thống gây nhiễu đặt trên xe tải di động, được thiết kế đặc biệt để làm gián đoạn GPS và các hệ thống liên lạc vệ tinh trong dải sóng từ 100 MHz đến 2 GHz.

"Những tín hiệu từ các vệ tinh GPS của Mỹ mà JDAM sử dụng được truyền trên dải sóng từ 1,164 GHz đến 1,575 GHz. Chúng nằm hoàn toàn trong phạm vi của hệ thống gây nhiễu R-330Zh", chuyên gia Worthington nói.

Theo chuyên gia Worthington, các tài liệu chính thức cho thấy tầm hoạt động của R-330Zh là gần 30km với tín hiệu gây nhiễu mạnh 10kW. Tầm hoạt động này "mạnh hơn đáng kể so với tín hiệu của GPS từ không gian. Hơn nữa, hệ thống thu nhận tín hiệu GPS càng gần ăng ten gây nhiễu của R-330Zh thì tín hiệu gây nhiễu càng trở nên mạnh hơn".

Tiết lộ cách Nga đối phó vũ khí tối tân phương Tây hỗ trợ Ukraine - Ảnh 2.

Hệ thống tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Về lý thuyết, việc nâng cấp module chống giả mạo khả dụng có chọn lọc cho JDAM vào đầu những năm 2000 sẽ đảm bảo JDAM sẽ phản hồi trước các tín hiệu GPS quân sự được mã hóa. Tuy nhiên, các hệ thống gây nhiễu của Nga có lẽ vẫn có thể làm gián đoạn các tín hiệu này qua các tia gây nhiễu "siêu mạnh".

Nga cũng có thể gây nhiễu các tín hiệu mã lệnh M và truyền lại chúng với một số điều chỉnh nhỏ sang JDAM khiến cho quả bom này bị đánh lạc hướng. Những nỗ lực nhằm vượt qua sự can thiệp của Nga bằng cách sử dụng các tín hiệu từ nhiều vệ tinh GPS khác nhau ngược lại có thể bị biến thành việc triển khai nhiều hệ thống gây nhiễu hơn.

Chiến dịch tác chiến điện tử quy mô lớn

Những nỗ lực gây nhiễu các hệ thống vũ khí đối phương của Nga là một phần trong chiến dịch tác chiến điện tử quy mô lớn . Kế hoạch này đang làm gián đoạn hệ thống liên lạc radio và hoạt động UAV của Ukraine.

Các lực lượng Nga "hiện cứ 10km thì triển khai 1 hệ thống tác chiến điện tử ở khu vực đóng quân và thường bố trí với mật độ 7km một hệ thống ở tiền tuyến”, báo cáo của RUSI đánh giá về chiến thuật của Nga. Hệ thống này đã góp phần khiến Ukraine tổn thất số lượng lớn UAV, ước tính khoảng 10.000 UAV mỗi tháng.

Theo báo cáo của RUSI, lực lượng tác chiến điện tử của Nga cũng "có khả năng cao" trong việc đánh chặn và giải mã các hệ thống liên lạc radio của Ukraine. Họ dường như từng đánh chặn và giải mã tín hiệu được mã hóa từ quân đội Ukraine nhằm ra lệnh khai hỏa trong thời gian thực, cho phép các chỉ huy Nga gửi "cảnh báo trước" cho các đơn vị.

Tuy nhiên, hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng có một vài hạn chế. Việc phát ra các tia gây nhiễu sẽ tiết lộ về vị trí của hệ thống gây nhiễu. Ukraine dường như đã xác định được và phá hủy các hệ thống như R-330Zh của Nga. Ngoài ra, việc cản trở sóng radio bằng các tia gây nhiễu siêu mạnh cũng làm gián đoạn GPS và hệ thống liên lạc radio của Nga.

Hệ thống gây nhiễu vẫn chưa khiến JDAM trở nên lỗi thời. Giống như các khía cạnh khác trong một cuộc xung đột, tác chiến điện tử giống như chơi cờ vua, cứ sau mỗi nước cờ lại có một nước đối lại. Vì thế, các chuyên gia quân sự cho rằng, có lẽ các kỹ sư Mỹ sẽ phải "nghĩ lại về cách đảm bảo JDAM hoạt động an toàn và hiệu quả trong các cuộc xung đột tương lai dựa trên kinh nghiệm từ các cuộc xung đột hiện nay".

Tiết lộ cách Nga đối phó vũ khí tối tân phương Tây hỗ trợ Ukraine - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Nga

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại