Là những người trưởng thành, có lẽ, phần lớn chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Một người thành công trong sự nghiệp chắc chắn không thể là một người có kỹ năng giao tiếp "nghèo nàn". Phóng chiếu lời khẳng định này sang các mối quan hệ tình cảm như tình yêu - hôn nhân, có lẽ, cũng không sai.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giao tiếp là một chuyện, nhưng sự thật là không phải ai cũng biết cách giao tiếp để cải thiện mối quan hệ, thay vì chiến đấu để bảo vệ cái tôi hay sự hiếu thắng của mình.
Tranh minh họa
Cortney Warren - Tiến sĩ Tâm lý học từng làm việc tại Bệnh viện Tâm thần McLean (thuộc trường Đại học Y Harvard) đã chỉ ra 5 sai lầm trong giao tiếp khiến hôn nhân nhanh chóng lụi tàn. Đây cũng chính là 5 câu cửa miệng mà các cặp vợ chồng thường nói với nhau trong vô thức khi tranh cãi. Cortney gọi đây là 5 "cụm từ vô cùng độc hại".
1. "Anh/em không xứng đáng để có được tôi"
Hoặc nói cách khác chính là "Anh quá tệ, tôi xứng đáng với một người tốt hơn". Theo Cortney, bất kỳ câu nói nào hàm chứa sự khinh bỉ, coi thường đều là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc "hỏa hoạn" trong các mối quan hệ tình cảm nói chung và trong hôn nhân nói riêng.
"Ngôn ngữ phản ánh sự khinh thường khiến người bạn đời của bạn tin rằng trong mắt bạn, họ thực là một người chẳng ra gì. Điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của họ, và bạn cần biết rằng cảm giác bản thân không được tôn trọng chính là yếu tố có sức hủy diệt mối quan hệ nhanh và mạnh nhất" - Cortney khẳng định.
2. "Anh/em là ông bố/bà mẹ chẳng ra gì!"
Tìm được tiếng nói chung trong tình yêu vốn đã là điều không đơn giản. Tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con, đặc biệt với các cặp vợ chồng lần đầu làm cha mẹ, lại càng khó hơn.
"Nếu người bạn đời của bạn không đánh đập bạn và con, không phải một kẻ nghiện ngập hay phạm tội theo hệ quy chiếu của pháp luật, đừng bao giờ thốt ra lời khẳng định rằng anh ấy/cô ấy là người bố/người mẹ chẳng ra gì!
Tranh minh họa
Ngay cả khi gặp bất đồng trong vấn đề nuôi dạy, chăm sóc con cái, mong bạn luôn có đủ tỉnh táo và bình tĩnh để hiểu rằng cả bạn và họ đều sẽ có lúc mắc lỗi trên hành trình này. Và hơn hết, chắc chắn cả hai đều muốn những dành điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào sai lầm và quên đi điều đó!" - Cortney giải thích.
3. "Không có tôi, chắc anh/em không sống nổi"
Khi thốt ra câu nói này, chắc hẳn bạn - dù là vợ hay là chồng, cũng đang cảm thấy đối phương quá phụ thuộc vào mình và điều này khiến bạn bức bối, khó chịu vô cùng. Tuy nhiên, phản ứng với sự khó chịu này bằng cách khẳng định người ta sẽ chẳng thể sống nổi khi thiếu mình là nước đi khiến mối quan hệ của bạn nhanh chóng "chui vào lòng đất".
"Trong một mối quan hệ, việc cần nhau, cần được đối phương quan tâm chú ý là điều vô cùng bình thường. Hãy hiểu rằng đó là biểu hiện cho việc bạn vẫn đang giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống, tâm trí của đối phương.
Nếu vì bất kỳ lý do nào mà bạn chưa thể dành được sự quan tâm cho họ như cách họ mong đợi, hãy giải thích thật nhẹ nhàng thay vì đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào khiến đối phương cảm thấy họ đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào bạn" - Cortney đưa ra lời khuyên.
4. "Anh/em thực sự mất trí rồi"
Mọi ngôn ngữ nhằm bóp méo thực tế với mục đích khiến đối phương nghi ngờ bản thân họ được gọi là thao túng tâm lý. Nhiều người thường nghĩ người đi thao túng tâm lý người khác sẽ là "kẻ mạnh hơn" trong mối quan hệ, nhưng theo quan điểm của Cortney, thao túng tâm lý ngăn cản những người trong cuộc có cái nhìn đúng đắn, chính xác về thực tế cuộc sống và mối quan hệ chung.
Những lời nói thao túng tâm lý thường được thốt ra khi một trong hai đưa ra những quyết định, hay có những hành động không đúng với kỳ vọng của đối phương.
5. "Tùy"
Những câu nói thể hiện sự thờ ơ, không quan tâm thậm chí còn tệ hơn cả việc một người thẳng thắn bày tỏ bản thân đã hết tình cảm với đối phương.
"Khi một người liên tục phải tiếp nhận những ngôn từ thờ ơ, thiếu sự kết nối và đóng góp này từ người bạn đời, niềm tin của họ vào đối phương và cả mối quan hệ sẽ bị bào mòn" - Cortney khẳng định.