Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường bàn về vị thế Việt Nam 2017, lợi thế "tiền lẻ" và đổi mới 2.0

PV |

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Việt Nam năm qua thể hiện được các quan hệ cân bằng và đa dạng hóa, quan hệ tốt với tất cả các nước lớn.

LTS: Chỉ còn 2 tuần nữa, chúng ta sẽ bước sang năm 2018. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Mexico, Thụy Điển, Phần Lan, Panama và Peru, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) về cục diện thế giới và vị thế của Việt Nam trong năm 2017.

---

Thưa tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, xin ông đánh giá tổng quan cục diện thế giới 2017?

Cục diện kinh tế và cục diện chính trị thế giới đều có chuyển biến sâu sắc.

Gần 75% nền kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng. Mỹ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 100 tháng liên tục; đạt mức 3% quý III/2017 và 3,1% của quý II trước đó. Ấn Độ cũng đạt tốc độc tăng trưởng khả quan, là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Nhưng kinh tế Trung Quốc có dấu hiện chững lại. Có thể là do Trung Quốc đang thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển, chuyển dịch từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao.

Toàn cầu hóa chịu thách thức của xu hướng dân túy và dân tộc chủ nghĩa, nhưng không bị gián đoạn.

Về tự do thương mại thế giới xuất hiện hai quan điểm thể hiện hai kiểu trật tự thương mại thế giới mới đối lập nhau. Như được thể hiện rõ nét trong các phát biểu nhân dịp hội nghị cấp cao APEC 25 tại Đà Nẵng: Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh "toàn cầu hóa kinh tế mở cửa hơn, bao trùm hơn"; "loại bỏ các rào cản thuế quan, ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, tiến hành chủ nghĩa khu vực mở cho toàn cầu hóa". Tổng thống Mỹ chủ trương xây dựng các quan hệ song phương, dựa trên "bình đẳng", "công bằng", "đôi bên cùng có lợi" và "có đi có lại".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường bàn về vị thế Việt Nam 2017, lợi thế tiền lẻ và đổi mới 2.0 - Ảnh 1.

Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đều đã có bài phát biểu đáng chú ý ở APEC. Ảnh: SCMP

Hai quan điểm trên phản ánh lợi ích trực tiếp của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng, như được ám chỉ trong các phát biểu của Tổng thống Trump, trong khi Mỹ mở cửa thị trường thì Trung Quốc hạn chế mở cửa thị trường.

Về tác động đối với triển vọng kinh tế thế giới 2018, có mấy yếu tố bất định. Tổng thống Trump dưới sức ép của bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ có thể chuyển những chỉ trích gay gắt về thâm hụt thương mại thành chính sách bảo hộ mậu dịch, áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc bị xem là "bán phá giá". Như vậy, có thể tạo ra xung đột địa-chính trị lớn hơn và tác động tiêu cực đến kinh tế thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, trong năm 2018, tính theo chu kỳ kinh tế 10 năm (2008-2018), kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất (tuy cuộc cách mạng công nghệ và số hóa có thể làm cho chu kỳ kinh tế không ổn định như cũ). Một số yếu tố tiêu cực tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đang tích lũy, có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

​Theo ông, cục diện quan hệ nước lớn chuyển dịch như thế nào? Trật tự thế giới có biến ảo gì?

Tương quan lực lượng giữa các nước lớn và các trung tâm quyền lực thế giới tiếp tục có chuyển biến quan trọng.

Thế giới vẫn vận hành trong trật tự đa cực. Mỹ vẫn là "nhất siêu", nhưng đang gặp khó khăn và suy yếu tương đối. Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, đang vật lộn với cơ chế Mỹ và cạnh tranh quốc tế để làm cho nước Mỹ "vĩ đại trở lại".

Trung Quốc là cường quốc đang lên, vừa là tác nhân, vừa là động lực của nhiều biến động và biến đổi sâu rộng tại khu vực láng giềng của Trung Quốc (chu biên) và lục địa Á-Âu cùng các đại dương dọc Vành đai và Con đường (đại chu biên). Ở những khu vực cận biên như Trung Á, Đông Nam Á, vùng biển Đông Á, Trung Quốc ở thế thượng phong; có ảnh hưởng nổi bật tại lục địa Á-Âu, ảnh hưởng ngày càng mạnh tại Nam Á.

Các cường quốc cấp khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU vừa định vị lại mình, giải quyết các vấn đề nội khối (EU), vừa củng cố và mở rộng khu vực ảnh hưởng.

Tập hợp lực lượng diễn ra ráo riết dưới nhiều cấp độ và dạng thức và trật tự thế giới tiếp tục vận động theo hình thái đa cực linh hoạt. Ví dụ, Trung Quốc tập hợp lực lượng kinh tế, chính trị, an ninh theo tuyến "Vành đai và Con đường" (BRI), dưới ngọn cờ "Cộng đồng chung vận mệnh".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường bàn về vị thế Việt Nam 2017, lợi thế tiền lẻ và đổi mới 2.0 - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường (ảnh do nhân vật cung cấp).

Gần đây, chính quyền Trump đã nêu ra một khái niệm mới trong chính sách xoay trục sang châu Á, dưới tên gọi "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Xin ông cho biết khái niệm này có ý nghĩa thế nào? Bối cảnh xuất hiện ra sao và dự báo hướng phát triển của chiến lược đó trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Khu vực "Ấn-Thái" là một ý tưởng tập hợp lực lượng mới mà nòng cốt là Bộ Tứ gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc. Mục tiêu trước mắt là đối phó Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc. Số lượng tàu hải quân của 4 nước gộp lại có thể lên đến 1.000 chiếc, đủ để các nước, trước hết là Mỹ, tiếp tục kiểm soát các vùng biển liên quan.

Về lâu dài, nó là ý tưởng chiến lược, thể hiện tầm nhìn của các cường quốc hải quân đối với "Kỷ nguyên đại dương" thế kỷ 21 và sự chuyển dịch ảnh hưởng từ đông sang tây, từ châu Âu-Đại Tây Dương sang châu Á-Thái Bình Dương và nay gộp cả Ấn Độ Dương.

Song, để chuyển biến ý tưởng ấy thành chính sách, đòi hỏi các nước chủ trì phải làm rất nhiều việc, trong đó phải có sự tham gia của nhiều nước nhỏ và có biển. Có một số yếu tố bất định: Ấn Độ vẫn rất thận trọng thúc đẩy tập hợp lực lượng Ấn-Thái phù hợp với nhận thức của nước này đối với thách thức đến từ Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và Nam Á. Úc nếu xu hướng "thân Trung" trở lại nắm quyền, sẽ hạn chế việc tham gia Bộ Tứ.

Ông nhìn nhận như thế nào về vị thế Việt Nam trong cục diện quan hệ nước lớn năm 2017?

Khá thuận lợi! Việt Nam năm qua thể hiện được các quan hệ cân bằng và đa dạng hóa, quan hệ tốt với tất cả các nước lớn.

Việc Trung Quốc lập cơ sở quân sự trái phép tại các đảo ở Biển Đông, tăng cường sự hiện diện nổi bật ở một số nước lân cận chúng ta đã đặt Việt Nam vào thế khó. Nhưng nhờ việc ta duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng chung biên giới, trước mắt điều này chưa phát sinh thách thức trực tiếp.

Vị trí địa chiến lược của Việt Nam vừa qua được các nước lớn xem trọng, nhất là trong bối cảnh các nước có sự quan tâm mới đến chiến lược biển, tự do và an toàn giao thông hàng hải, và Biển Đông nằm trong cuộc cọ xát tàu ngầm.

Việt Nam cũng ở vị trí khá thuận lợi khi các nhà đầu tư các nước đang tái cấu trúc đầu tư và đa dạng hóa thị trường.

Ta cần nỗ lực chuyển những lợi thế địa - chiến lược thành lợi thế địa - kinh tế. Nói nôm na là đổi chúng thành "tiền lẻ". Thực hiện cuộc đổi mới 2.0. Thời cơ xuất hiện là rất thuận lợi, rất to lớn, có thể nói là chưa từng có, thì những năm tới có thể sẽ có chuyển dịch rất quan trọng, đột phá trên con đường hiện đại hóa đất nước.

Xin cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại