Có bao giờ bạn tự hỏi sao cũng cùng một phương pháp quản lý chi tiêu, đầu tư mà người khác áp dụng thành công còn bạn lại liên tục thua lỗ, nợ nần chồng chất chưa?
Đa phần chúng ta ai cũng có những điểm chung nhất định trong việc tiêu tiền. Có thể cùng là sở thích mua sắm, sở thích tích cóp hay "máu liều" trong đầu tư, kinh doanh. Theo Investopedia, có 4 kiểu tính cách tiền bạc rõ rệt và mỗi kiểu đều có quan điểm chung về tài chính cũng như cách chi tiêu, kiếm tiền.
Do những khác biệt này, nếu không có biết rõ ưu và nhược điểm của mình, bạn sẽ không thể nào có thể trở nên giàu có hay có cuộc sống sung túc được. Dưới đây chính là 4 kiểu tính cách tài chính thông dụng và những cạm bẫy chi tiêu của nó mà bạn cần biết qua.
1. Người tiêu hoang
Dấu hiệu rõ rệt nhất để nhận biết một người tiêu hoang chính là việc mua sắm quá đà cho những thứ không cần thiết của họ. Thói quen này còn bộc phát dữ dội khi tâm trạng họ không ổn định, cần được giải tỏa stress hay tiêu cực. Lúc ấy họ sẽ không tiếc tiền cho điện thoại đời mới, quần áo, nước hoa… và tỷ thứ linh tinh khác.
Cạm bẫy: Kể cả khi tài khoản đang ở số âm, gánh gồng một khoản nợ lớn người tiêu hoang vẫn có thể mua sắm thả ga. Thói quen tiêu tiền không kiểm soát này dễ dẫn họ đến với những khủng hoảng tài chính, khó khăn trong tiền bạc về sau.
Lời khuyên: Thích tiêu tiền cho những thứ không cần thiết sẽ khiến bạn bỏ qua rất nhiều cơ hội đầu tư , cải thiện chất lượng cuộc sống. Thay vì dành tiền cho những món đồ vô thưởng vô phạt, hãy lập kế hoạch chi tiêu, quản lý sát sao hơn những đồng tiền chi ra của mình.
2. Người "thắt lưng buộc bụng" quá mức
Nếu bạn là một người ưa tiết kiệm, luôn sẵn sàng cắt giảm vài ba thứ thiết yếu để để dành từng đồng lẻ. Hay đơn giản hơn bạn chỉ cảm thấy an tâm khi tiết kiệm và có tiền tiết kiệm - bạn chính là người dè xẻn quá đà.
Cạm bẫy: Tiết kiệm không phải là xấu. Nhưng tiết kiệm mọi lúc mọi nơi, cắt giảm cả những chi tiêu thiết yếu của cuộc sống để tiết kiệm thì bạn đang đi sai hướng mất rồi. Cũng chính vì tính cách này, bạn sẽ không dám làm giàu, đầu tư kinh doanh vì sợ những rủi ro.
Lời khuyên: Hãy cân nhắc chất lượng cuộc sống so với những quyết định của bạn. Nếu việc cắt giảm đi khoản chi ấy có thể khiến cuộc sống của bạn bị gò bó, không thoải mái thì tốt nhất bạn không nên tiết kiệm khoảng ấy. Chi tiêu khôn ngoan không phải là "thắt lưng buộc bụng" quá mức, nó chỉ đơn giản là dùng tiền để cuộc sống bạn luôn ổn định, thoải mái.
3. Con nợ
Con nợ có thể biết họ đang nợ nần chồng chất, vay mượn khắp nơi nhưng lại chẳng biết mình nợ ai, bao nhiêu và nên trả như thế nào. Các con nợ thường xuyên chi tiêu nhiều hơn mức thu nhập của mình, không nhất quán tiền bạc vung ra mỗi tháng. Họ luôn nợ nần vì tiêu hoang ngay cả khi tự cảm thấy mình "tiết kiệm".
Cạm bẫy: Không có gì lạ khi các con nợ rơi vào khủng hoảng tài chính, vướng phải những thua lỗ nặng nề khi đầu tư. Song, đáng sợ nhất chính vì không ý thức được tình hình tài chính của mình, họ sẵn sàng lấy tất cả những khoản dành cho thiết yếu để tiêu xài, hoặc cố kiếm tiền trả nợ nhưng không thành.
Lời khuyên: Điều khó khăn khi có tính cách tài chính này là nếu bạn có thu nhập tốt và công việc ổn định, bạn có thể "ổn" trong một thời gian dài. Khoản nợ của bạn có thể không làm bạn kiệt quệ ngay lập tức nhưng khi nó xảy ra, nó có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính.
Con nợ nên xem xét các cách đơn giản để tiết kiệm tiền mà không tốn nhiều công sức hay đòi hỏi thu nhập quá nhiều. Chỉ có như thế bạn mới có thể có sẵn một backup để trả nợ dần và chuẩn bị cho khủng hoảng tài chính.
4. Nhà đầu tư
Nhà đầu tư có thể nói nôm na là người "nhìn đâu cũng thấy tiền". Đa phần họ đều có mục tiêu tài chính và ý thức, tư duy làm giàu cực kỳ nghiêm túc, kỹ lưỡng. Bất cứ khoản nào họ chi ra đều vì mục đích kiếm nhiều tiền hơn, xây dựng điểm tín dụng tốt hoặc có thêm nhiều cơ hội trong tương lai.
Cạm bẫy: Thật ra đây là một tính cách rất tốt về tiền bạc. Bạn vạch rõ bạn muốn gì và phải làm gì để đạt được nó. Song, nếu việc theo đuổi tiền bạc, nỗ lực làm giàu trở nên quá đà, bạn có thể đánh mất các mối quan hệ xung quanh.
Lời khuyên: Hãy nhìn nhận cuộc sống có nhiều thứ quan trọng hơn tiền bạc và cân bằng giữa kế hoạch tài chính của mình với tình cảm cho người xung quanh.
Ảnh: Tổng hợp