Sắp bay thử nghiệm chính thức
Theo như các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, năm 2017, các tiêm kích MiG-35 sẽ được tiến hành bay thử nghiệm. Trước đó, phó thủ tướng chính phủ Nga phụ trách lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, ông Dmitri Rogozin cũng đã thông báo về điều này khi bổ sung thêm rằng, "MiG" đã từ lâu không còn sản xuất máy bay tại Nga.
"Đây là một dự án rất có lợi, thậm chí từ quan điểm về kinh tế chứ chưa cần nói tới tiêu chí an ninh quốc gia, bởi vì, chính trong phân khúc tiêm kích hạng nhẹ, có tiềm năng xuất khẩu rất rộng lớn hơn.
Bởi vậy, chúng ta không giấu diếm rằng sẽ cạnh trạnh với các đối thủ của mình trong phân khúc này của thị trường", ông Rogozin cho biết trong chuyến thăm Nhà máy "Fakel" ở ngoại ô Moscow hôm 30/12/2016.
Hoạt động nghiên cứu chế tạo MiG-35 kéo dài từ đầu những năm 2000. Theo như các chuyên gia cho biết, nó là sự phát triển có kế thừa từ những chiếc máy bay MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2, được trang bị hệ thống radar, điện tử và vũ khí nâng cấp.
Chiếc máy bay này đã trình làng tại cuộc thi MMRCA được tổ chức trong khuôn khổ gói thầu mua các máy bay tiêm kích của lực lượng Không quân Ấn Độ, nhưng cuối cùng đã bị đánh bật.
Trong giai đoạn 2011-2014, Không quân Nga nhiều lần tuyên bố về việc không từ chối tiêm kích cơ này và sẵn sàng mua 37 chiếc với tổng giá trị gần 37 tỷ rúp.
Tiêm kích MiG-35.
Vào năm 2015, các đại diện của Công ty MiG nhiều lần chia sẻ rằng, họ hi vọng sẽ sắp đạt được hợp đồng cung cấp cho lực lượng Không quân -Vũ trụ Nga lô máy bay tiêm kích đa năng MiG-35.
Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh chương trình, những thời hạn theo kế hoạch để ký kết được bản hợp đồng nói trên đã bị chuyển sang năm 2016. Nhưng cho tới thời điểm hiện nay, bản hợp đồng vẫn chưa được ký.
Cho tới nay, các chuyên gia vẫn chưa có ý kiến thống nhất về việc cần thiết phải mua MiG-35. Nhiều người thiên về kết luận cho rằng, trong điều kiện tiết kiệm ngân sách, có những lĩnh vực cần được ưu tiên hơn là mua máy bay tiêm kích hạng nhẹ.
Hơn nữa, MiG-35 đã vượt ra ngoài khuôn khổ suy nghĩ truyền thống về các cỗ máy này – chúng phải rẻ và chiếm 1/3 số lượng toàn bộ các máy bay tiêm kích trong quân đội.
Về lý thuyết, theo giảng viên Học viện quân sự Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá Không quân về hưu, ông Vladimir Karryakin, vai trò của tiêm kích hạng nhẹ trong các cuộc xung đột khu vực là để yểm trợ cho các đơn vị tiền tuyến – có nghĩa là đảm bảo sự kiểm soát trên không và thực hiện các nhiệm vụ khác trong khu vực lãnh thổ không lớn.
"Nó có thể tham gia vào những trận đánh với sự có mặt của các máy bay ném bom tiền phương Su-24 và Su-34, tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, cỗ máy này hoạt động không xa hơn so với 2 chiếc máy bay ném bom tiền phương.
Bởi vậy, trong các cuộc xung đột mang tính toàn cầu, về lý thuyết, MiG-29 và MiG-35 phải thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm chiến đấu hoặc các cơ sở chiến lược như nhà máy điện nguyên tử, nhưng hiện nay nhiệm vụ này do các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 cũng như Su-35 và T-50 Pak-FA thế hệ 5 đảm nhận.
Theo lĩnh vực khoa học quân sự, các máy bay tiêm kích hạng nhẹ phải có số lượng nhiều hơn tiêm kích hạng nặng. Về lý thuyết, từ quan điểm kinh tế, trong hoạt động sản xuất hàng loạt, một chiếc tiêm kích hạng nặng gần bằng hai tiêm kích hạng nhẹ.
Trang tin điện tử Svepressa đã có cuộc phỏng vấn sâu đối với Đại tá Không quân về hưu, ông Vladimir Karryakin và Tổng biên tập Tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" (Nga), ông Andrei Frolov về vấn đề này.
Svepressa: Hiện nay tất cả đều tiến tới các nền tảng thống nhất, các tiêm kích đa năng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đa dạng, còn máy bay tiêm kích hạng nhẹ có những khả năng hạn chế và khó có thể gọi chúng là những cỗ máy đa năng.
Đại tá Vladimir Karryakin: Đúng, không phải đơn giản mà từ lâu đã có xu hướng tăng lực đẩy trên tỷ lệ trọng lượng trong lĩnh vực hàng không. Nhiều chuyên gia đã nói tới việc các máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 có thể thực hiện các nhiệm vụ của tiêm kích hạng nhẹ một cách hợp lý hơn – đây đúng là cỗ máy có giá thành thấp so với Su.
Hiện chưa rõ MiG-35 sẽ đáp ứng thế nào trước các nhu cầu của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga bởi vì trước đây người ta từng nói rằng, MiG-35 là chiếc tiêm kích hạng trung chứ không phải hạng nhẹ.
Hơn nữa, theo các tuyên bố của ban lãnh đạo "MiG", bán kính hoạt động của MiG-35 so với MiG-29 tăng 1,5 lần, và nói chung, nó thuộc các máy bay thế hệ thứ 4++. Nếu như vậy thì giá thành của nó sẽ không rẻ khiến cho người ta không dám bỏ tiền ra mua số lượng lớn. Vì vậy, số lượng xuất xưởng ít sẽ tác động tới giá thành và công tác vận hành.
Tiêm kích MiG-35.
Như chúng ta đã biết, ngay từ đầu, giá thành sản xuất MiG-35 đã khá cao, bởi vậy Bộ Quốc phòng Nga thiên về khả năng nâng cấp MiG-29.
"Bộ Quốc phòng Nga thể hiện sự cẩn trọng trong những giai đoạn đầu khi đặt hàng chiếc máy bay này, nhưng nói chung, MiG-35 chú trọng tới xuất khẩu nhiều hơn. Trên thế giới có nhiều quốc gia đang sở hữu MiG-29 mà thời hạn phục vụ sắp kết thúc.
Bởi vậy, chiếc máy bay mới có thể chiếm lĩnh được một phân khúc nhất định trên thị trường với chính sách tiếp thị hợp lý.
Tôi không loại trừ việc nó có thể phù hợp với người Ấn Độ - quốc gia đang có ý định tiếp tục nâng cấp lực lượng Không quân của mình.
"MiG-35 có thể nhận được quan tâm từ các quốc gia khác có lãnh thổ không rộng lớn và không có nhu cầu mua sắm các tiêm kích hạng nặng" như phó giám đốc Trung tâm Phân tích kinh doanh vũ khí quốc tế (Nga), ông Vladimir Shvarev đã phân tích.
"Trên thực tế, hoạt động thử nghiệm chiếc máy bay này đã được triển khai: Được biết rằng vào cuối tháng 11/2016, chuyến bay của nguyên mẫu đầu tiên trước khi đưa vào dây chuyển sản xuất hàng loạt đã diễn ra – đó là chiếc tiêm kích MiG-35 với số hiệu 702.
Bên cạnh đó, Tập đoàn liên doanh chế tạo hàng không đã khóa chặt không cho các bức ảnh xuất hiện trên mạng", nghiên cứu viên của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, tổng biên tập tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" (Nga), ông Andrei Frolov chia sẻ.
"Như vậy, nhiều khả năng, trong năm 2017 công tác thử nghiệm chiếc máy bay này sẽ không bắt đầu, mà ngược lại, sẽ được hoàn tất. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân liên quan tới đơn đặt hàng tiêm kích MiG-35 của Bộ Quốc phòng Nga không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, mà cả chính trị, có nghĩa đó là nỗ lực hỗ trợ công ty "MiG".
Để thực hiện mục tiêu này, năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua 16 chiếc tiêm kích 1 chỗ ngồi MiG-29SMT. Cho nên, đúng là Bộ Quôc phòng có kế hoạch mua MiG-35 phục vụ cho nhu cầu của lực lượng Không quân - Vũ trụ.
Nhưng trong trường hợp ngân sách bị cắt giảm, thì có lẽ chiếc máy bay này sẽ nằm trong danh sách các ứng cử viên đầu tiên bị loại bỏ.
Nói chung, cuộc chiến giữa tiêm kích MiG và Su đã có từ lâu. Và vấn đề sự cần thiết đặt hàng từ những năm 70 các máy bay MiG-29 mà có tầm bay hạn chế nhiều so với Su-27 không được làm sáng tỏ (các nguyên mẫu Su-27 và MiG-29 cùng lần đầu tiên cất cánh vào năm 1977).
Hơn nữa, Su-27 là một nền tảng đa năng mà sau này được phát triển thành các máy bay Su-30, Su-33 dành cho tàu sân bay, Su-34, Su-35,… Có nghĩa là nếu Bộ Quốc phòng Nga mua MiG-35, thì rõ ràng chỉ với số lượng nhỏ để duy trì Công ty "MiG" cho tới khi ký được bản hợp đồng mới nào đó".
Tiêm kích MiG-35.
Svepressa: Hồi cuối tháng 1/2015, các phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông báo rằng, trên cơ sở tiêm kích cơ MiG-35 sẽ nghiên cứu chế tạo tiêm kích hạng nhẹ mới dành cho Không quân Nga.
Nó sẽ hoàn toàn khác biệt so với MiG-35 từng tham gia vào cuộc đấu thầu tại Ấn Độ. Trong đó phải kể tới việc nó sẽ được trang bị hệ thống radar mảng pha chủ động.
Andrei Frolov: Hiện vẫn chưa có thông tin về chiếc máy bay này, nhưng có ý kiến cho rằng, MiG-35 cần phải thay thế toàn bộ hệ thống điện tử.
Các phương tiện truyền thông chia sẻ rằng, MiG-35 phải được trang bị radar "Zhuk-A" mảng pha chủ động. Ở đây, tất nhiên, khó có thể phỏng đoán – cả hai nguyên mẫu mới nhất có trang bị hệ thống này hay không.
Nhưng nói chung, hệ thống radar mảng pha chủ động dành cho MiG là thiết kế của tập đoàn "Fazotron", nhưng khó có thể nói việc này hiện nay đang trong tình trạng như thế nào.
Mặt khác, có nhất thiết phải dùng radar mảng pha chủ động cho MiG-35 hay không trong khi công nghệ radar mảng pha thụ động đang ở thời kỳ phát triển đỉnh điểm. Lấy ví dụ, hệ thống radar "Bars" mảng pha thụ động trên Su-35, ít ra, không kém gì radar mảng pha chủ động trên các máy bay của Mỹ.
MiG-35 có được cho là sẽ thay thế các tiêm kích MiG-29 đã lỗi thời trong lực lượng Không quân - Vũ trụ hay không?
Andrei Frolov: Về mặt lý thuyết là có thể. MiG-35, vì nhiều lý do khác nhau, khó có thể là cỗ máy với giá thành thấp, nhưng vẫn thấp hơn Su-35 hạng nặng. Như tôi có cảm giác rằng, đây là một lợi thế bởi vì trong lực lượng không quân Su-27 và Su-30 nhiều hơn MiG-29.
Ngoài ra, trong tương lai các máy bay này sẽ nhiều hơn vì các MiG-29 cũ sẽ bị loại biên. Mặc dù thế, vẫn có một số lượng nhất định các máy bay MiG trong lực lượng không quân.
Lấy ví dụ, các tiêm kích MiG-29SMT mà Algeria từ chối mua rồi sau đó Bộ Quốc phòng mua lại vào năm 2008, rồi 16 chiếc theo bản hợp đồng ký năm 2014 như tôi đã nêu ở trên, và thêm các tiêm kích dành cho tàu sân bay MiG-29KR và MiG-29KUBR.
Tiêm kích MiG-35.
Có ý kiến cho rằng trong quá trình thiết kế tiêm kích hạng nhẹ, người ta tập trung vào "MiG" bởi vì lãnh đạo lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có những ưu ái nhất định cho "Sukhoi"…
Andrei Frolov: Mong muốn duy trì Công ty "MiG", rõ ràng, bao gồm cả mục đích tạo sự cạnh tranh trong nước và duy trì khả năng, nhưng như tôi hiểu, trong chiến lược dài hạn chúng ta vẫn sẽ chỉ còn một phòng thiết kế vì những lý do kinh tế.
Hợp đồng thành công cuối cùng của MiG – đó là bán 6 chiếc MiG-29 cho người Serbia với mức ưu đãi, cũng như hoàn thành hợp đồng cung cấp MiG-29K cho Ấn Độ cho chiếc tàu sân bay "Vikramaditya" của Ấn Độ. Toàn bộ hi vọng đặt vào người Ấn Độ nếu họ mua thêm lô máy bay tiêm kích dành cho tàu sân bay.
Liệu MiG-35 có tiềm năng xuất khẩu căn cứ vào việc MiG-29 đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng và theo thời gian chúng cũng sẽ hết hạn?
Andrei Frolov: Phân khúc xuất khẩu có, nhưng chỉ trong trường hợp "MiG-35" là chiếc máy bay có giá thành thấp, nhưng đây là điều khiến nhiều người nghi ngờ. Khó có khả năng nó sẽ có mức giá thấp hơn 40 triệu USD.
Như vậy, theo quan điểm của tôi, trên thị trường, chiếc tiêm kích này có thể chiếm được một phần, nhưng nó cũng ở mức hạn chế. Trên MiG-35 gần như vẫn giữ nguyên thiết kế của tiêm kích thế hệ thứ 4 MiG-29 mà lần đầu tiên cất cánh vào năm 1977.
Một mặt, "những người bạn cùng trang lứa" của MiG-29 đang ở giai đoạn cuối của thời hạn vận hành. Người Mỹ đang định đóng cửa dây chuyển sản xuất F-16. Mặt khác – còn có các máy bay của Trung Quốc.
Giá thành tiêm kích FC-1 (JF-17) của Trung Quốc là 35 triệu USD, thậm chí trên cơ sở động cơ của nó là do chúng ta sản xuất. Khi người Trung Quốc có được động cơ của mình, thì các cơ hội giành giật thị trường của họ sẽ nhiều hơn.