Nhiều chuyên gia nhận định Mitsubishi F-2 hiện là bản phát triển thành công nhất từ F-16, thậm chí hầu hết phi công sau khi bay thử đã nhận xét rằng nó còn vượt trội hơn hẳn so với nguyên mẫu.
Bản nội địa hoá của dòng tiêm kích nổi tiếng F-16
F-2 là máy bay tiêm kích do Nhật Bản - Hoa Kỳ hợp tác nghiên cứu, được sản xuất bởi Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin, cung cấp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Đã có tổng cộng 100 chiếc được sản xuất, gồm 60 chiếc ở Nhật Bản và 40 chiếc ở Hoa Kỳ.
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về công nghệ như General Electric, Kawasaki, Honeywell, Raytheon, NEC, và Kokusai Electric cùng tham gia, mỗi hãng sẽ chịu trách nhiệm về những bộ phận khác nhau, cuối cùng việc lắp ráp sẽ tiến hành tại Nhật Bản bởi MHI.
Việc sản xuất bắt đầu năm 1996 và chiếc đầu tiên được đưa vào phục vụ năm 2000. Đây là loại máy bay đa năng, được phát triển dựa trên loại F-16 Fighting Falcon, bay thử lần đầu tiên vào 07/10/1995.
Về bản chất F-2 là sự thể hiện của F-16 Agile Falcon một phiên bản mở rộng của F-16 vào những năm 1980, khi mà Lầu Năm Góc đang dành sự thiện cảm cho chương trình máy bay chiến đấu mới (Joint Strike Fighter).
Tiêm kích F-16 Block 52 Plus của Mỹ.
F-2 sử dụng đôi cánh giống như F-16 Agile Falcon vốn có ý định bổ sung cho F-16 của General Dynamics khi đó cũng không tạo ra lợi thế nổi bật trước các dòng tiêm kích Su-27 và MiG-29 của Nga.
Tuy nhiên, ở F-2 người Nhật tạo ra sự khác biệt lớn so với nguyên mẫu ban đầu F-16 Agile Falcon khi sử dụng vật liệu composite công nghệ cao khiến cho trọng lượng máy bay giảm đi đáng kể nhưng vẫn đảm bảo các đặc tính cần thiết của khung thân máy bay.
Vượt trội với F-16 block 52 plus
Thiết kế được chỉnh sửa so với nguyên mẫu cho diện tích cánh tăng lên 25%, đuôi ngang máy bay lớn hơn, cửa lấy khí lớn hơn. Do đó, thiết kế mới của F-2 cho khả năng trình diễn – thao diễn tốt hơn, đồng thời các thông số quan trọng của máy bay cũng được cải thiện rõ rệt.
Cánh lớn hơn, đuôi ngang lớn giúp cho F-2 có lực nâng và điểu khiển góc tấn tốt hơn, điều này đã được khẳng định khi các phi công Mỹ lái thử F-2 trong mỗi lần diễn tập chung giữa Nhật – Mỹ.
Về hỏa lực, tiêm kích F-2 bố trí một pháo ba nòng cỡ 20mm M61A1 trong thân dùng cho không chiến tầm cực gần.
Trên thân và cánh máy bay có 13 giá treo mang 8 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9L (hoặc AAM-3 của Nhật), đối không tầm trung AIM-7F/M (hoặc AAM-4 của Nhật), tên lửa không đối hạm Type 80 (tầm bắn 50km) hoặc Type 93 (tầm bắn 170km), bom có điều khiển các loại.
Buống lái tiêm kích Mitsubishi-F2 của Nhật Bản.
F-2 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy F110-GE-129 cho phép đạt tốc độ Mach 2, trần bay 18.000m. Bán kính tác chiến khoảng gần 850km, đủ để F-2 hoạt động thoải mái trên các vùng biển xa.
Hệ thống tác chiến điện – điện tử của F-2 cũng được người Nhật đầu tư phát triển, buồng lái F-2 được trang bị các màn hình tinh thể lỏng độ phân giải cao đa chức năng cho phép hiển thị các loại thông số kĩ thuật, giúp cho phi công dễ nắm bắt tình trạng của máy bay.
Radar mảng pha chủ động trên F-2 là loại J/APG-2 vừa được nâng cấp từ J/APG-1, theo một số nguồn tin, nó có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay chiến đấu từ cự ly 190km. Đã có tính toán cho thấy radar J/APG-2 của tiêm kích F-2 có thông số kỹ thuật tương đương với dòng Raytheon’s APG-79 được trang bị trên tiêm kích tàu sân bay F/A-18E/F Super Hornets của Mỹ.
Cùng với các hệ thống kháng nhiễu điện tử, thông tin liên lạc hiện đại và vũ khí đi kèm cũng được nâng cấp, đem lại cho tiêm kích F-2 khả năng tác chiến hoàn toàn vượt trội so với bất kì loại máy bay tiêm kích 1 động cơ nào đang hoạt động trên Thế giới.
Tiêm kích Mitsubishi-F2 của Nhật Bản.
Mỹ dỡ lệnh cấm, Nhật thay đổi chính sách đối ngoại: Cơ hội của Việt Nam
Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh vấn đề tại sao Mitsubishi F-2 tốt như vậy, nhưng lại chỉ có mỗi Nhật Bản sử dụng? Vấn đề không phải nằm ở chất lượng của F-2, mà nằm ở chính sách đối ngoại của Nhật Bản, khi Hiến pháp Nhật hạn chế xuất khẩu vũ khí sát thương.
Việc đó cũng đẩy giá thành sản xuất F-2 trong nước lên cao khoảng 171 triệu USD/chiếc, ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của loại máy bay này.
Tuy nhiên, sau các thách thức trên biển và nhu cầu gia tăng năng lực tác chiến Nhật Bản đang dần nới lỏng các chính sách đối ngoại cũng như Hiến pháp cho việc xuất khẩu vũ khí và tìm kiếm hợp tác quân sự với các quốc gia có cùng lợi ích, mở ra cơ hội cho F-2.
Nếu được sản xuất loạt lớn, giá thành của dòng máy bay này sẽ giảm xuống mức hợp lý.
Tiêm kích Mitsubishi-F2 của Nhật Bản.
Thêm vào đó, Mỹ cũng vừa dở bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam, khiến cho trở ngại sở hữu các vũ khí hiện đại từ đồng minh thân cận của Mỹ không còn quá xa vời nữa. Sự hợp tác cả kinh tế lẫn quốc phòng giữa Việt – Nhật gần đây cũng trở nên cực kì nồng ấm, khiến cho cơ hội biên chế 1 mẫu máy bay hiện đại như tiêm kích F-2 từ Nhật là hoàn toàn khả thi.
Mặc dù, giá thành khá cao, gấp 2-3 lần F-16 Block 50/52 và bị nhiều chuyên gia chỉ trích rằng nhà sản xuất đã đội lên cao gấp nhiều lần so với giá gốc nhằm kiếm lời, điều này diễn ra với hầu hết các loại máy bay chiến đấu quân sự hiện đại.
Ban đầu dự tính sản xuất 141 chiếc F-2 với giá trên 25 triệu USD một chiếc, nhưng nó đã thất bại. Cho tới năm 2005 mới chỉ có 98 chiếc được sản xuất. Tuy nhiên điều này do việc Nhật Bản sản xuất với quy mô nhỏ nên chi phí sản phẩm được khấu trừ trên từng máy bay.
Nếu được đưa vào sản xuất đồng loạt thì giá của loại máy bay này chắc chắc sẽ giảm từ 20-30% so với đơn giá hiện tại. Hơn nữa, nếu được Nhật Bản hỗ trợ về mặt tài chính, rất có thể tiêm kích F-2 sẽ là một ứng viên âm thầm nhưng sáng giá cho thế hệ máy bay chiến đấu mới của Không quân Việt Nam.