Xác lập kỷ lục mới
Ngày 8/4, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Đại tá Yaroslav Roshupkin, trợ lý Tư lệnh Quân khu Trung tâm Nga cho hay, phi công nước này đã lập kỷ lục điều khiển tiêm kích cơ đánh chặn MiG-31BM trong một chương trình huấn luyện nâng cao.
Theo Đại tá Yaroslav Roshupkin, các phi công đã điều khiển chiếc MiG-31BM trong suốt thời gian 7 giờ 4 phút.
Theo đó, tiêm kích đánh chặn MiG-31BM đã bay một mạch từ vùng Krasnoyarsk tới khu vực Astrakhan. Tổng cộng, máy bay đã bay qua quãng đường gần 8.000 km với ba lần được tiếp nhiên liệu trên không.
“Hai lần MiG-31BM tiếp nhiên liệu trên địa bàn tỉnh Perm và một lần trên bầu trời Novosibirsk. Máy bay chở dầu Il-78 tiếp cận tiêm kích ở cự li 10m”, Đại tá Yaroslav Roshupkin nói.
MiG-31 có chiều dài 21,62m, trọng tải cất cánh tối đa 46,2 tấn, và tốc độ tối đa 3.000 km/h ở độ cao lớn, trong khi trần bay cũng đạt 20.600m.
Tầm hoạt động của MiG-31BM là 3.000km, kèm theo khả năng nạp nhiên liệu trên không, trong khi nó cũng có khả năng trang bị cùng lúc 4 tên lửa R-33 và 2 thùng dầu phụ đặt ngoài.
Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái, hãng thông tấn Sputnik cũng dẫn lời Đại tá Yaroslav Roshupkin cho biết, tiêm kích đánh chặn MiG-31BM của Nga vừa lập được kỷ lục khi bay liên tục 6 giờ, vượt quãng đường hơn 4.000km.
Chuyến bay xuất phát vào ban đêm, bay liên tục 6 giờ không ngừng nghỉ, qua chặng đường hơn 4.000 km với 3 lần tiếp nhiên liệu trên không, từ sân bay Domna ở vùng Ngoại Baikal đến sân bay Sokol, thuộc vùng Perm đã thành công mỹ mãn, Đại tá Yaroslav Roshupkin cho biết.
Biên đội MiG-31 làm nhiệm vụ tuần tra trên không.
Chứng minh khả năng vượt trội
Trong khi đó, tiêm kích Rafale của Pháp và Typhoon của châu Âu ra đời sau MiG-31 hàng chục năm nhưng tầm bay và trần bay của 2 loại tiêm kích này tỏ ra thua kém hơn tiêm kích Nga.
Cụ thể, trong khi trần bay tối đa của Typhoon là trên 19.000 m, với tiêm kích Rafale là 18.000 m thì đối với MiG-31 đạt trần bay lên tới gần 21.600 m. Không chỉ có vậy, đến nay MiG-31 còn là dòng chiến đấu cơ bay nhanh nhất thế giới.
MiG-31 bắt đầu được sản xuất từ năm 1981 tại nhà máy hàng không Sokol ở Gorky (nay là Nizhny Novgorod).
Tính đến cuối năm 1994, đã có hơn 500 cỗ máy chiến tranh như vậy được chế tạo, ngay sau đó, việc sản xuất đã bị giảm dần. Cho tới ngày nay, vẫn còn khoảng 100 chiếc MiG-31 đang hoạt động.
Việc hiện đại hóa MiG-31 bắt đầu với tên gọi mới MiG-31M. Máy bay này được cho là một phát minh tốt nhất trong lịch sử quân đội Liên Xô, thậm chí vẫn còn một số thông tin về nó được giữ bí mật cho đến ngày nay.