Tích hợp hệ thống tự động quản lý khí tài hàng hải

XUÂN GIANG |

Hiện nay, trên các tàu TT200, TT400 của lực lượng cảnh sát biển (CSB) đã được lắp thiết bị tích hợp, tự động quản lý, theo dõi tình trạng kỹ thuật và hoạt động các trang bị khí tài hàng hải. Thiết bị do Thiếu tá Nguyễn Đăng Phương, trợ lý Phòng Kỹ thuật đóng tàu (Cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) nghiên cứu thiết kế, chế tạo.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đăng Phương, anh đã tiến hành khảo sát thực tế trên tàu CSB 4036, nghiên cứu thiết kế, chế tạo hoàn thiện sản phẩm và tiến hành thử nghiệm thành công với các trang bị thực trên tàu CSB 4036.

Thiết bị có thể tích hợp, theo dõi hoạt động và quản lý tình trạng kỹ thuật của các khí tài hàng hải trên tàu TT200 và TT400, gồm: La bàn điện, máy lái, ra-đa, máy định vị, đo gió, đo sâu, đo tốc độ. Trắc thủ có thể nhận thông tin của các trang bị khí tài khi quan sát trên giao diện hiển thị và không phải tiếp cận từng trang bị như trước đây.

Thiết bị có thể hỗ trợ thêm các cảnh báo hỏng hóc, tốc độ, độ sâu…; lưu trữ dữ liệu về tình trạng kỹ thuật của từng trang bị phục vụ cho công tác quản lý kỹ thuật, có thể xuất ra dạng văn bản theo các mẫu đăng ký hoạt động của trang bị giúp giảm thời gian đăng ký sổ sách của trắc thủ.

Thiết bị được tích hợp với các thiết bị di động để giúp cho cán bộ quản lý ngành dễ dàng tổng hợp tình trạng kỹ thuật các trang bị của tàu.

Mỗi thiết bị có cấu tạo gồm: Khối xử lý trung tâm và các chương trình phần mềm, kết cấu modul; khối hiển thị có chức năng hiển thị giao diện người sử dụng và các giao diện chức năng khác của thiết bị; khối điều khiển và bộ tài liệu thuyết minh kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thiết bị.

Do thiết kế giao diện tiếng Việt, nên cán bộ, nhân viên kỹ thuật dễ thao tác, sử dụng; hệ thống lưu trữ cho phép người sử dụng nắm chắc thông tin của các trang bị khí tài; đặt các chế độ theo dõi, cảnh báo; in ấn các báo cáo.

Đối với cán bộ chỉ huy dễ dàng tiếp cận các thông tin của trang bị mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với thiết bị thông qua thiết bị di động. Đặc biệt, đối với cán bộ quản lý kỹ thuật cấp hải đội, cơ quan kỹ thuật giảm được thời gian nắm, tổng hợp các trang bị của các tàu thuộc quyền quản lý.

So với trước đây, cán bộ kỹ thuật phải mất ít nhất 30-60 phút để kiểm tra các thiết bị trên các tàu, thì với thiết bị này, mỗi tàu chỉ mất chưa đầy 5-10 phút kết nối là có đầy đủ thông tin của các trang bị khí tài hàng hải.

Do nghiên cứu thiết kế, phối hợp với các cơ sở trong nước chế tạo, vật liệu, linh kiện sẵn có trên thị trường, nên giá thành thấp hơn nhiều lần đối với sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất.

Sản phẩm đã áp dụng cho các tàu TT200, TT400 của lực lượng CSB và có thể lắp trên các tàu tương đương có trong trang bị quân đội.

Thời gian tới, theo Thiếu tá Nguyễn Đăng Phương, anh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, phát triển sản phẩm với các mục tiêu: Mở rộng tích hợp các trang bị khác trên các tàu; nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động quản lý ở các cấp từ Bộ tư lệnh đến đơn vị cơ sở thông qua hệ thống thông tin vệ tinh VSAT và mạng truyền số liệu quân sự; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các trang thiết bị kỹ thuật của tất cả các loại tàu trong lực lượng CSB.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại