Tập huấn ứng phó với cướp biển, chưa bao giờ nghĩ tàu trúng tên lửa
Liên quan đến vụ lực lượng Houthi tấn công tàu hàng làm 3 thuyền viên thiệt mạng, trong đó có 1 người Việt Nam hôm 5/3, Bộ Ngoại giao cho biết đang khẩn trương tiến hành các thủ tục lo hậu sự, sớm đưa thi thể Đại phó Đặng Duy Kiên (sinh năm 1983, quê ở Hải Phòng) về Việt Nam.
Hiện tại, 3 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đã được đưa về nước an toàn sau 10 ngày xảy ra tai nạn gồm: anh Phạm Văn Thành, máy trưởng (39 tuổi, trú tại quận Hải An, Hải Phòng); Nguyễn Văn Tảo, máy hai (36 tuổi, trú tại Kinh Môn, Hải Dương); Phùng Văn An (31 tuổi, trú tại Vũ Thư, Thái Bình).
Máy trưởng Phạm Văn Thành trở về nhà lúc gần 12h đêm ngày 14/3 sau 3 chặng bay dài và hơn 4 tháng xa gia đình.
Dù đã 10 ngày sau khi vụ tàu hàng True Confidence bị tấn công tại Vịnh Aden, những kí ức của chuyến đi sóng gió vẫn còn in đậm trong tâm trí anh Thành.
Chia sẻ trên báo Lao Động, anh Thành cho biết, chuyến này, anh đi khoảng 5 tháng, giữ chức máy trưởng. Đến ngày xảy ra vụ tấn công, anh đã theo tàu được hơn 4 tháng, chỉ còn ít ngày nữa là cập cảng, về nhà. Hơn 1 tháng trước, anh Thành gặp đại phó Đặng Duy Kiên. Qua trò chuyện, cả hai mới biết là đồng hương, nhà chỉ cách nhau khoảng 1km. Trên tàu còn có 2 thuyền viên Việt Nam là anh Nguyễn Văn Tảo - máy hai và anh Phùng Văn An - máy ba.
Tàu True Confidence bắt đầu khởi hành ngày 30/1. Khi nhận tàu tại Ai Cập, con tàu có lộ trình đi qua Biển Đỏ. Công việc của thuỷ thủ Phạm Văn Thành trên tàu là thợ máy, anh làm việc theo ca, kíp được phân.
Anh Thành cho biết, trước khi bắt đầu, các thủy thủ đã được tập huấn một số công tác như phòng chống cướp biển bằng cách sử dụng vòi rồng, ẩn nấp tại phòng an toàn; phương thức cứu hộ cứu nạn; cách di chuyển xuống bè cứu sinh an toàn; cách ổn định tâm lý khi gặp sự cố bất ngờ... Đặc biệt, mỗi con tàu đi biển đều có thiết kế một phòng an toàn riêng, có ký hiệu riêng của thủy thủ, và vì sự an toàn sinh mạng của người đi tàu, chỉ có các thuỷ thủ mới biết vị trí chính xác của căn phòng.
“Chúng tôi từng được tập huấn cách ứng phó với cướp biển, nhưng đây lại là trúng tên lửa, thực sự chưa bao giờ nghĩ tới” – báo Pháp luật TPHCM dẫn lời máy trưởng Phạm Văn Thành kể lại.
Trưa ngày 6/3, khi tàu True Confidence đi đến địa phận Yemen, qua radio, đã có cảnh báo về việc tàu chưa được phép qua vùng biển này.
Ngay sau khi nhận được cảnh báo, tàu chở hàng True Confidence đã quay đầu lại thì trúng tên lửa. Thời điểm đó, anh Thành đang ở trong buồng máy cùng 2 thuyền viên người nước ngoài thì nghe tiếng nổ rất lớn. Cả 3 người hốt hoảng bỏ chạy ra boong tàu. Khi đó, khói mù mịt đã bao phủ khắp nơi.
"Với kinh nghiệm của mình, khi đang trực ở dưới phòng máy và nghe thấy tiếng nổ, tôi biết đây là do bom gây ra. Lập tức, tôi hô hào các thuyền viên khác di chuyển lên trên và bản thân cũng lập tức chạy lên. Tên lửa bắn trúng trung tâm điều khiển và bộ phận phòng ngủ của thuyền viên. Khói đen mù mịt, chúng tôi được lệnh di chuyển ra phía sau tàu để tiến hành kiểm đếm thuyền viên", anh Thành chia sẻ trên đài PT&TH Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Tảo chia sẻ, thời điểm xảy ra vụ việc, anh vừa ăn cơm xong và về phòng nghỉ trưa.
Tuy nhiên, chưa kịp chợp mắt, anh nghe tiếng nổ rất lớn, tàu rung lắc mạnh, cửa sổ phòng vỡ tung, cửa chính lúc này đã bị kẹt. Nhìn ra cửa sổ, thấy có một số thuyền viên bị thương, tàu bị cháy lớn, khói bốc lên. Định thần lại, anh biết tàu hàng đã bị tấn công nên nhanh chóng thoát hiểm bằng lối cửa sổ phòng bị vỡ.
Đau xót khi chứng kiến đồng nghiệp ra đi
Sau khi phát hiện tai nạn, tất cả chạy ra ngoài, mọi người cùng điểm danh quân số. Anh Thành quan tâm đầu tiên tới những thuyền viên người Việt Nam. Sau khi thấy anh Tảo máy hai và anh An máy ba, cả 3 cùng đi tìm đại phó Đặng Duy Kiên thì phát hiện anh bị bỏng nặng. Tàu điểm danh xong, tất cả được đưa xuống bè cứu sinh.
Do sự việc quá bất ngờ, mọi người chỉ kịp mặc quần áo bảo hộ kèm áo phao, không ai kịp mang theo giấy tờ tùy thân, tìm mọi cách nhanh nhất có thể để di chuyển khỏi tàu hàng. Anh Thành trực tiếp cùng mọi người đưa anh Kiên xuống bè.
Khi được đưa xuống bè cứu sinh, anh Kiên vẫn còn tỉnh táo, nhưng do sóng to, gió lớn, các thủy thủ không thể trao đổi quá nhiều. Sau một thời gian chống chọi với sóng gió trên biển, do vết bỏng quá nặng, anh Kiên lịm dần đi và qua đời trước khi tàu Ấn Độ kịp tới ứng cứu.
"Anh em có mặt trên bè cứu sinh, ai cũng đau xót khi chứng kiến đồng nghiệp ra đi", báo Giao thông dẫn lời anh Thành nghẹn ngào nói.
Anh Tảo cho biết thời điểm tàu bị lực lượng Houthi tấn công thì còn cách bến cảng khoảng 2 ngày di chuyển. Khi trên phao cứu sinh lênh đênh trên biển sóng to gió lớn, mọi người rất hoang mang, không biết có gặp được tàu đến ứng cứu hay không.
"Chúng tôi liên tục phát đi thông điệp ứng cứu qua bộ đàm, để đơn vị gần nhất có thể tiếp nhận và liên lạc. Sau đó, lực lượng Hải quân Ấn Độ phát hiện được nên họ đã điều trực thăng cùng tàu chiến ra cứu hộ", báo Thanh Niên dẫn lời thuỷ thủ Nguyễn Văn Tảo.
Tất cả 20 thuyền viên và lực lượng bảo vệ tàu được di chuyển về đất liền, chỉ có 2 người ở lại trên tàu True Confidence.
Có kinh nghiệm đi tàu viễn dương đã hơn 10 năm, mỗi chuyến anh Tảo thường đi khoảng 9 - 10 tháng rồi về nước sẽ nghỉ 3 tháng. Vùng biển Đỏ, anh cũng đã từng di chuyển nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên gặp nạn. Sau tai nạn này, anh Tảo cho biết sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, còn mọi việc sau này tính sau.
Khác với anh Tảo, thuỷ thủ Phạm Văn Thành cho biết, anh sẽ không từ bỏ tình yêu dành cho công việc. Sau khi về Việt Nam, anh sẽ nhanh chóng làm lại các thủ tục để sớm có thể quay lại làm việc. Anh Thành cũng chia sẻ rằng, đi biển là sự lựa chọn của mình, mỗi năm, anh gắn bó với từng con sóng tới 7-8 tháng, và đó cũng là nghề mưu sinh của gia đình anh.
Nhận định về tình huống nguy hiểm lần này, anh Thành nghĩ lực lượng Houthi chỉ bắn cảnh cáo tàu, nên tên lửa bắn trúng bộ phận điều khiển, còn nếu vào thân tàu thì hậu quả lớn sẽ xảy ra. May mắn, tàu không không bị chìm, các lực lượng chức năng đang lai dắt tàu về nơi an toàn, không có sự cố tràn dầu ảnh hưởng tới môi trường.
Về phần thi thể nạn nhân Đặng Duy Kiên, anh Thành cho biết, các bên liên quan đã trao đổi về phong tục và họ cho biết sẽ đưa toàn vẹn thi thể anh Kiên về nước.
(Tổng hợp)