Gần đây, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản có bài viết cho hay, thủy phi cơ AG600 mà Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo tồn tại tương đối nhiều lỗ hổng, nhất là nó sử dụng động cơ cánh quạt với tính năng lạc hậu, trong khi thủy phi cơ hiện đại đều sử dụng động cơ phản lực.
Tuy nhiên theo bình luận của truyền thông Nga, AG600 khi thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu hiện tại của Trung Quốc.
Cụ thể, sứ mệnh chủ yếu của thủy phi cơ AG600 là thực hiện nhiệm vụ dập lửa, cứu hộ trên biển.
Ngoài tính năng bay ra, tính năng dưới nước của nó cũng sẽ trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý. Theo số liệu chính thức, AG600 có thể múc được 12 tấn nước trong vòng 20 giây và chịu được sóng cao 2m.
Khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trên mặt nước, AG600 một lần có thể cứu được 50 người gặp nạn. Ngoài ra nó còn có tiềm năng cải tiến tương đối mạnh, "có thể dùng cho các nhiệm vụ như tiếp tế đảo, bảo vệ môi trường biển, quyền lợi (của Trung Quốc) trên biển".
Thủy phi cơ AG600 trong quá trình lắp ráp.
Thủy phi cơ AG600 dài 37m, sải cánh 39m, cao 12m, trang bị 4 động cơ cánh quạt WJ-6C trong nước, thời gian bay liên tục là 12 tiếng, tốc độ bay tối đa 500km/giờ, tầm bay tối đa 4.500km, trọng lượng cất cánh tối đa 53 tấn. Đây hiện là thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Trung Quốc chế tạo.
Nhìn vào tốc độ và tầm bay, có thể thấy AG600 giống với thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản.
Mặc dù khoảng cách cất hạ cánh trên nước và tính ổn định của thủy phi cơ này vẫn chưa được rõ ràng nhưng truyền thông Nga cho rằng, so với thiết kế khí động học và mức độ ổn định khi cất hạ cánh của mẫu SH-5 sản xuất vào những năm 1960 thì AG600 đã được cải tiến và đổi mới.
Thiết kế tổng thể của AG600 vẫn không có bứt phá so với khung thiết kế của SH-5, tuy nhiên nó lại có một tính năng mà US-2 của Nhật Bản không có, đó là cất hạ cánh trên mặt đất.
Để thích ứng với thiết kế bụng thân gọn, đáp ứng yêu cầu kín của khoang, bánh đáp chính của AG600 được bố trí độc lập ở hai bên thân máy bay, không giống với cách bố trí ở bụng máy bay thông thường.
Về khía cạnh lực đẩy, AG600 sử dụng động cơ WJ-6C do Trung Quốc tự chế tạo, đây là động cơ phản lực cánh quạt được Cục hàng không dân dụng cấp giấy chứng nhận.
Được thiết kế từ năm 1976 đến nay, WJ-6 đã qua nhiều lần cải tiến, công suất được nâng từ 3000kW ban đầu lên 3500kW, cánh quạt 6 lá cũng giống với cánh quạt của Y-9 mà Không quân nước này sử dụng, nhưng động cơ của AG600 phải được xử lý chống muối chống ăn mòn đặc biệt.
Theo giới chuyên gia, AG600 có thể là công cụ để Bắc Kinh thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Do thủy phi cơ SH-5 có công dụng ném bom và chống ngầm nhất định nên từ khi dự án AG-600 bắt đầu đến nay, giới quan sát bên ngoài đã có không ít bình luận về khả năng quân sự của nó như trinh sát, tuần tra, chống ngầm.
Theo các chuyên gia, đây có thể là công cụ để Bắc Kinh thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định, AG600 có thể nhanh chóng vận chuyển hàng hóa và binh lính Trung Quốc tới các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng những công trình trái phép ở Biển Đông.
Trong khi đó, theo ông Sam Bateman, một cố vấn của Chương trình an ninh biển thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, các thủy phi cơ AG600 còn có thể phục vụ quân đội Trung Quốc trong các sứ mệnh tình báo điện tử và tình báo tín hiệu.
Trước nhận định của các chuyên gia, truyền thông Trung Quốc phản bác lại rằng, nước này đã chế tạo ra máy bay tuần tra chống ngầm GX-6 và máy bay tác chiến điện tử GX-8. Tầm bay, tốc độ bay và tải trọng của chúng đều vượt trội AG600. Vì vậy, AG600 cơ bản không có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự.